(ĐSPL) – “Việc thi theo khối lâu nay khiến thí sinh học lệch. Môn văn rất cần cho cán bộ ngành y, giúp việc nói năng lưu loát, diễn đạt văn bản rõ ràng, đúng ngữ pháp” - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị hội đồng các trường Đại học Y, Dược.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Hinh - hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH Y dược Việt Nam đã trình bày phương án đề xuất các trường y cùng thực hiện phương án xét tuyển dựa vào ba môn Toán - Hóa - Sinh từ kỳ thi THPT quốc gia và có thể kết hợp sơ tuyển theo học bạ ba môn học này ở bậc THPT đều phải đạt từ 7 điểm trở lên với hệ bác sĩ và từ 6 điểm trở lên với hệ cử nhân.
Ngoài ra, trường ĐH Y Hà Nội cũng đề xuất Bộ GD-ĐT cho tổ chức các cụm thi chuyên y (khối B) cho những thí sinh có nguyện vọng vào các trường ĐH Y.
Tuy nhiên, tin tức trên báo Tuổi Trẻ cho hay, nhiều trường ĐH lại có những ý kiến khác. Trong khi trường ĐH Dược Hà Nội bày tỏ quan điểm trường sẽ vẫn xét tuyển thí sinh theo các môn thuộc khối A truyền thống, chứ không thi theo khối B thì các trường ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương, Học viện Quân y... lại tán thành phương án giản tiện môn thi cho thí sinh thi vào trường y theo hướng thí sinh xét tốt nghiệp bằng bốn môn thì cũng có thể sử dụng bốn môn đó để xét vào trường y.
Lý giải ý kiến của mình, ông Vũ Đình Chính - hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương khẳng định đây không phải là một phương án gây sốc, bởi Toán – Văn – Ngoại Nhữ vốn là những môn thi bắt buộc để xét tốt nghiệp THPT, thí sinh dù thi trường gì, khối nào cũng vẫn phải tập trung học.
“Để đỡ sốc thì có thể đưa môn Văn, ngoại ngữ tính hệ số 1, còn các cặp môn Toán - Hóa, Toán - Sinh nhân hệ số 2. Nếu đã nhận thức môn Văn, Ngoại ngữ cần với người làm ngành y thì nên thực hiện ngay phương án này” - ông Chính đề xuất.
Ủng hộ cách làm này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng khi Bộ GD-ĐT đã quy định Toán - Văn - Ngoại ngữ là ba môn bắt buộc trong xét tốt nghiệp THPT thì các trường y cũng nên theo hướng chọn tổ hợp môn đó để xét tuyển và cộng thêm môn tự chọn là môn hóa với ngành dược, môn sinh với ngành y.
Như vậy, thí sinh định hướng thi ngành y - dược có thể chọn bốn môn xét tốt nghiệp cũng chính là bốn môn xét vào ĐH, chứ không phải thi thêm nhiều môn như khi các trường duy trì thi theo khối B.
“Tôi phải nói thật là môn văn rất cần. Trong quá trình làm việc, nhiều người viết báo cáo mà ngữ pháp sai rất nhiều, chưa nói đến lỗi chính tả. Viết sai thì tư duy cũng sai, nói cũng không tốt được” – bà Tiến nói.
Trong giờ học của sinh viên ngành Y. Ảnh minh họa. |
“Mới nghe, đề xuất này có vẻ lạ tai, nhưng phân tích kỹ sẽ thấy nó rất có lý. Trước hết, nếu các trường y, dược tuyển sinh dựa trên kết quả thi 3 môn bắt buộc trong kỳ thi THPT quốc gia (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) cộng thêm môn sinh hoặc hóa thì học sinh đỡ phải thi thêm một kỳ thi sát hạch của trường, giảm cồng kềnh và đạt yêu cầu của Bộ GD-ĐT khi tổ chức một kỳ thi chung” - GS.Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên nhi đồng của Quốc hội chia sẻ trên báo Vietnamnet khi được hỏi về đề xuất.
Tuy vậy, đây là một phương án cần có thời gian để triển khai, giúp thí sinh thích ứng chứ chưa thể thực hiện ngay lập tức được. GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng để những thí sinh lâu nay đã ôn thi theo khối thi truyền thống của các trường y, dược khỏi bỡ ngỡ, tốt nhất là áp dụng phương án mới từ năm 2016. Về điểm số, theo ông, có thể tính toán để những môn như toán, ngữ văn, ngoại ngữ có hệ số 1, các môn hóa hoặc sinh có hệ số 2.
“Phương án này có thể thực hiện trong 2-3 năm tới khi chúng ta thông báo trước để các em chuẩn bị. Ngoài ra, chính Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các trường phải giữ ổn định khối thi truyền thống. Không thể đùng một cái là thay đổi khối thi, môn thi mà không để cho thí sinh chuẩn bị. Nếu không thực hiện kỳ thi theo hướng ổn định và nhân văn, tất yếu sẽ bị xã hội phản ứng” - Ông Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội phát biểu.