Về đề xuất sáp nhập một số tỉnh có quy mô nhỏ, nhiều ĐBQH cho rằng chưa phù hợp ở thời điểm hiện tại vì các tỉnh sau một thời gian tách ra đều đang phát triển ổn định.
Vừa qua, khi Quốc hội thảo luận về cải cách bộ máy hành chính Nhà nước, đã có nhiều ý tưởng táo bạo được đặt ra nhằm hướng đến mục tiêu tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy một cách hiệu quả.
Trong đó, đáng chú ý là đề xuất sáp nhập khoảng 10 tỉnh của ĐBQH Phạm Văn Hòa (Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp).
Mặc dù đánh giá cao ý tưởng táo bạo này nhưng nhiều ĐBQH còn bày tỏ những băn khoăn và lo ngại. Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ĐBQH Ngô Thanh Danh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông cho rằng, cần căn cứ vào thực tế và chiến lược phát triển để nhìn nhận vấn đề.
“Ý tưởng tốt nhưng cũng cần căn cứ tình hình thực tế. Nếu là cấp xã, cấp huyện, việc sáp nhập sẽ khả thi, còn với cấp tỉnh là chiến lược lâu dài.
Khi chia tách các tỉnh trước đây đều căn cứ điều kiện hợp lý. Nói sáp nhập tỉnh như vậy, tôi nghĩ là chưa hết ý vì việc này còn liên quan đến nhiều vấn đề kể cả quân sự, văn hóa, chính trị, kinh tế. Thực tế, các tỉnh tách ra đều phát triển năng động hơn”, vị Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông nói.
ĐBQH Huỳnh Thanh Cảnh. |
Đồng tình, ĐBQH Huỳnh Thanh Cảnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận cho rằng: “Việc sáp nhập tỉnh trong thời điểm hiện tại là không thể được và chưa đủ cơ sở. Sáp nhập xã hoặc huyện sẽ khả quan, sáp nhập tỉnh nếu làm thì phải 20-30 năm nữa".
Ông cũng đưa ra những dẫn chứng cho rằng, nhiều xã ở miền Bắc tương đối nhỏ, không những về diện tích mà cả quy mô dân số. Ở một số tỉnh phía Nam, nhiều xã có khi bằng cả nửa huyện ở tỉnh thuộc miền Bắc.
"Vì vậy, theo tôi nên tính toán hợp nhất các xã và đây là việc dễ làm. Trước đây, một số tỉnh nhập lại sau đó lại tách ra và cho đến thời điểm này đã phát triển tương đối ổn định, nhiều tỉnh tăng trưởng tốt như Bình Dương, Bắc Ninh...
Tôi nghĩ rằng, trình độ, khả năng quản lý quy mô vừa phải sẽ phát huy được tiềm năng, lợi thế để tăng trưởng tốt hơn. Việc tách tỉnh có thể dễ hơn, còn nhập vào lại không hề đơn giản. Tôi nghĩ có ý tưởng táo bạo là tốt, nhưng thực tế thì chưa phù hợp”, ĐBQH Huỳnh Thanh Cảnh nhấn mạnh.
Theo tìm hiểu của PV được biết, năm 1975: Tỉnh Hà Tuyên được thành lập trên cơ sở hợp nhất 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang; tỉnh Hà Sơn Bình được sáp nhập từ 2 tỉnh Hà Tây và Hòa Bình; tỉnh Nghĩa Bình được sáp nhập từ 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Năm 1962, tỉnh Hà Bắc được hợp nhất từ 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.
Tuy nhiên, sau một thời gian đến năm 1989, tỉnh Nghĩa Bình lại tách thành 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định như cũ; năm 1991: 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang được tách ra từ tỉnh Hà Tuyên; cùng năm này, tỉnh Hà Sơn Bình tách thành tỉnh Hà Tây và tỉnh Hòa Bình; năm 1997, tỉnh Hà Bắc tách thành 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang cho đến ngày hôm nay.