+Aa-
    Zalo

    Đề xuất phạt xe máy không nộp phí bảo trì đường bộ: Quá vội vàng!

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- UBND TP Hà Nội cùng Bộ Giao thông Vận tải vừa có kiến nghị Chính phủ đưa ra chế tài xử phạt những người không nộp phí bảo trì đường bộ đối với xe mô-tô, xe gắn máy.

    (ĐSPL)- UBND TP Hà Nội cùng Bộ Giao thông Vận tải đã có kiến nghị Chính phủ đưa ra chế tài xử phạt những người không nộp phí bảo trì đường bộ đối với xe mô-tô, xe gắn máy.
    Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, số thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy không đạt chỉ tiêu không hẳn là do người dân chây ỳ. Sẽ là quá vội vàng nếu xử phạt người dân về hành vi này.
    Muốn đóng nhưng... không có ai thu
    Ngay sau khi thông tin người không nộp phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe mô tô có khả năng bị xử phạt, PV báo Đời sống và Pháp luật đã tiến hành cuộc khảo sát tại một số phường nội thành. Một số ý kiến tỏ ra đồng tình với đề xuất trên với mong muốn sẽ tạo ra sự công bằng giữa những người sử dụng xe máy. Tuy nhiên, cũng không ít người băn khoăn, khi thực tế nhiều nơi, người dân muốn đóng nhưng không thấy ai thu. Như vậy, họ bị phạt sẽ là phạt oan?
    Ông Nguyễn Văn D., đường Đỗ Đức Dục, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm cho hay, gia đình ông có hai xe. Một loại có dung tích xi lanh dưới 100cm3 và một có loại dung tích xi lanh trên 100cm3. Tính ra số tiền phí phải đóng là 150.000 đồng/năm. Thiết nghĩ, số tiền không lớn, ông sẵn sàng đóng để tuân thủ yêu cầu của Nhà nước và để tránh phiền phức nếu bị lực lượng chức năng kiểm tra.
    Tuy nhiên, dù chính sách trên đã triển khai được một năm nhưng ông D. vẫn chưa được thực hiện nghĩa vụ của mình. Ông không thấy ai thông báo hoặc triển khai hoạt động thu phí này.
    Không giống như những trường hợp trên, những người dân sống tại ngõ 122/34/14 Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng lại rỉ tai nhau cách "lách luật" khi nộp loại phí này. Đó là khi tổ trưởng tổ dân phố đến thu phí, các gia đình sẽ khai giảm số xe hoặc khai giảm dung tích của xe trong gia đình. Chẳng hạn, xe có dung tích xi lanh trên 100cm3  thì nhận là dưới 100cm3  để đóng 50.000 đồng. Nhiều trường hợp dễ dàng "qua mắt" được người thu phí. Thậm chí, nhiều nơi, tổ trưởng tổ dân phố nể nang tình hàng xóm nên cũng không thu đúng theo quy định. Đây có lẽ cũng là một trong những lý do khiến số thu quỹ bảo trì đường bộ đối với xe máy thất thu khá nhiều trong năm 2013.
     
     
    Đề xuất phạt xe máy không nộp phí bảo trì đường bộ: Quá vội vàng!
    Chuyên gia cho rằng không phải người dân không muốn đóng mà do cách thu phí bảo trì đường bộchưa hợp lý và công bằng.
    Chưa nên phạt người dân
    Những bất cập thực tế về việc chuyển nhiệm vụ thu phí về cho cấp phường, xã đã được dự báo ngay từ khi Thông tư 197 hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện được ban hành. Đó là khả năng thất thu, hụt thu lớn do khó quản lý được lượng phương tiện thực tế tại địa phương; khó tránh những trường hợp người dân trốn nộp hoặc không nộp. Bên cạnh đó, bản thân những người có trách nhiệm thu phí cũng chưa làm hết trách nhiệm hoặc không đủ năng lực triển khai hoạt động thu phí. Chính vì vậy, tại Hà Nội, số tiền thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy năm 2013 chỉ đạt 14\% so với dự kiến (55 tỉ/378 tỉ đồng).
    Liên quan đến vấn đề trên, TS. Nguyễn Xuân Thuỷ, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải - chuyên gia có hơn 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu giao thông của nhiều quốc gia trên thế giới cho rằng: Nhà nước quy định thì người dân sẽ nộp thôi. Vì, họ biết nếu không nộp thì khi gặp sự kiểm tra của lực lượng chức năng sẽ gặp rắc rối. Song việc giao cho tổ trưởng dân phố là rất khó khăn và phức tạp, vì những vị này sẽ không nắm được mỗi nhà có bao nhiêu xe, xe bao nhiêu phân khối. Thứ hai là sẽ có sự tiêu cực xin - cho trong nội bộ tổ dân phố khi người dân khai giảm số xe hoặc giảm số phân khối của xe. Thứ ba là bản thân người thu tiền nếu không cẩn thận thì cũng sẽ có tiêu cực. "Chúng ta không thể giám sát thu được bao nhiêu, thất thu như thế nào hay tiêu cực ra sao. Những khó khăn này không tạo ra cơ chế thuận lợi trong việc thu tiền cho Nhà nước và tất yếu sẽ tạo ra thất thoát. Thu ở thành phố còn khó khăn như vậy thì ở nông thôn thu thế nào đây?", ông Thủy băn khoăn.
    Theo TS. Thuỷ, đến lúc này người dân ở nhiều nơi muốn đóng phí này như chưa có ai thu. Kể cả gia đình ông cũng chưa ai đến thu phí đối với xe máy. Chính vì thế, không thể nói, số phí bảo trì đường bộ đối với xe máy thu không đủ là do người dân chây ỳ mà phải xét đến các nguyên nhân khác. Chẳng hạn như trình độ của cán bộ các khu dân phố nhiều người khác nhau. Họ không biết triển khai thế nào. Vì vậy, không phải người dân không muốn đóng đủ mà do cơ chế và do cách thu chưa hợp lý, chưa công bằng và chưa khả thi.
    Trước thực trạng trên, ông Thuỷ cho rằng, cần xem xét lại cách thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy: Nên thu như thế nào khi mà thực tế tải trọng xe máy không làm ảnh hưởng quá nhiều đến bề mặt đường khi lưu thông. "Theo tôi có thể thu thêm vào xăng dầu một chút ít hoặc thậm chí có thể bỏ thu phí này đối với xe máy. Cơ chế thu như hiện tại đã không khả thi ngay từ đầu. Chính vì vậy, phải có lộ trình đánh giá chứ chưa nên phạt, nên có cuộc kiểm tra, giám sát trên thực tiễn xem việc làm này khó khăn, thuận lợi đến đâu. Lý do chính là do người dân chây ỳ hay do cơ quan triển khai chưa triển khai thu được. Chúng ta phải xem xét rõ ràng thì mới đảm bảo công bằng cho người dân", vị chuyên gia này nhấn mạnh.                                 
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/de-xuat-phat-xe-may-khong-nop-phi-bao-tri-duong-bo-qua-voi-vang-a43322.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.