+Aa-
    Zalo

    Đề xuất miễn học phí con giáo viên: Đại diện Bộ GD&ĐT nói gì?

    (ĐS&PL) - Với tinh thần cầu thị, Ban soạn thảo luôn lắng nghe ý kiến từ các nhà giáo, dư luận, cũng như các cơ quan chức năng để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo.

    Mới đây, ngày 8/10, tại phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến dự án Luật Nhà giáo.

    Dự thảo luật gây chú ý khi đề xuất chính sách hỗ trợ nhà giáo bao gồm chế độ trợ cấp theo tính chất công việc, theo vùng; chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng; chăm sóc sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp; miễn học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong thời gian công tác…

    Để thực hiện chính sách miễn học phí cho con giáo viên, giảng viên cần khoảng hơn 9.200 tỷ đồng/năm.

    Chia sẻ về đề xuất trên, theo Dân Trí, TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, việc cơ quan quản lý đưa ra đề xuất và nhận được phản hồi của dư luận là điều bình thường. Khi đưa đề xuất này, Bộ GD&ĐT mong muốn có những chính sách ủng hộ cho con nhà giáo, coi như chính sách ưu tiên của ngành.

    Ảnh minh họa

    Ảnh minh họa

    Mục đích của đề xuất nhằm tạo môi trường thuận lợi cho nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp, giúp nhà giáo có đời sống ổn định, yên tâm công tác cũng như thu hút được người giỏi vào ngành.

    Tuy nhiên, khi đưa ra đề xuất, đã có nhiều ý kiến trái chiều trong xã hội. Với tinh thần cầu thị, Ban soạn thảo luôn lắng nghe ý kiến của các nhà chuyên môn, của xã hội và các cơ quan chức năng để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo, sao cho hài hòa giữa các ngành nghề khác nhau và đảm bảo nguồn lực quốc gia.

    "Đây mới chỉ là dự thảo, chưa phải ý kiến cuối cùng đưa vào luật. Đặc biệt, khi đưa ra bất cứ chính sách nào, chúng tôi phải đánh giá tác động, chính sách nào nhận được đồng thuận cao mới đưa vào luật sao cho phù hợp. Với dự kiến miễn học phí cho con giáo viên vừa đưa ra, trên cơ sở lắng nghe ý kiến của dư luận với tinh thần cầu thị, chúng tôi sẽ rà soát các nội dung của dự thảo để có tính toán phù hợp với điều kiện thực tiễn kinh tế xã hội và công bằng với các ngành nghề khác", ông Đức nói.

    Chia sẻ trên báo Thanh Niên, GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, cho rằng ở mặt nào đó thì cũng phải đánh giá đề xuất của Bộ GD&ĐT là một nỗ lực nhằm động viên, khích lệ tinh thần GV. Nghĩa là thêm bất cứ một chính sách nào cũng cho thấy nhà giáo và nghề dạy học được trân trọng.

    Tuy nhiên, GS Đào Trọng Thi cũng cho rằng việc áp dụng trên quy mô cả nước với ngân sách lớn như vậy thì cần phải tính toán có khả thi và nhận được sự đồng thuận hay không.

    Là người từng bảo vệ quyết liệt về việc xếp lương nhà giáo cao nhất khi xây dựng luật Giáo dục 2019, GS Thi nhận định điều quan trọng là lương nhà giáo đủ sống để họ yên tâm gắn bó với nghề. Tuy nhiên, lương cao nhất trong hệ thống thang bảng lương nhưng thực chất cũng không cao hơn các ngành nghề khác là bao nếu chính sách phụ cấp nghề nghiệp không còn. Điều quan trọng là cần giữ phụ cấp thâm niên của nhà giáo như lâu nay bởi mức phụ cấp này còn được tính trong mức đóng bảo hiểm xã hội và nhờ đó nhà giáo sẽ được hưởng mức lương cao hơn khi nghỉ hưu.

    Về vấn đề học phí, GS Đào Trọng Thi cũng cho rằng giải quyết theo từng ngành nghề thì sẽ rất khó khả thi mà phải theo chính sách chung, đó là tiến tới đã là cấp học phổ cập thì cần miễn học phí toàn dân.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/e-xuat-mien-hoc-phi-con-giao-vien-ai-dien-bo-gd-t-noi-gi-a471978.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan