Đề xuất giáo viên mầm non nghỉ hưu sớm 5 năm
Bộ GD&ĐT mới đây đã thông tin một số điểm mới về dự thảo Luật Nhà giáo, dự kiến nội dung dự thảo bộ luật này sẽ trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.
Thông tin rõ thêm quy định về độ tuổi nghỉ hưu của nhà giáo, trong đó có giáo viên mầm non tại dự thảo Luật Nhà giáo, tờ Hà Nội mới dẫn thông tin từ Bộ GD&ĐT cho biết, dự thảo quy định: Tuổi nghỉ hưu của nhà giáo có quy định riêng phù hợp với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp. Trong đó, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng thì có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.
Về chế độ kéo dài thời gian làm việc đối với nhà giáo, Bộ GD&ĐT cho biết, nội dung này được quy định rõ tại dự thảo Luật Nhà giáo. Các đối tượng được áp dụng chế độ kéo dài thời gian làm việc gồm: Nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có trình độ tiến sĩ; nhà giáo làm việc trong các ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù.
Thời gian làm việc kéo dài được quy định cụ thể với từng đối tượng. Trong đó, kéo dài không quá 5 năm đối với nhà giáo có trình độ tiến sĩ; không quá 7 năm đối với nhà giáo có chức danh phó giáo sư; không quá 10 năm đối với nhà giáo có chức danh giáo sư.
Khi thực hiện chế độ kéo dài thời gian làm việc, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và không được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo. Chính phủ quy định chi tiết chế độ kéo dài thời gian làm việc đối với nhà giáo ở các ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù.
Giáo viên kỳ vọng đề xuất được thông qua
Biết đề xuất của Bộ, nhiều giáo viên khấp khởi mừng. Cô Thanh Hải, 37 tuổi, ở quận 5, TP.HCM, kỳ vọng việc này được thông qua.
Cụ thể, VnExpress dẫn lời cô Hải cho biết, công việc của giáo viên mầm non rất đặc thù. Họ phải hoạt động tay chân liên tục, đòi hỏi sức khỏe tốt, nhanh nhẹn và sáng tạo. Cô Hải ví dụ mỗi lớp có 25-30 trẻ với hai giáo viên. Có khi vừa quay lưng, trẻ đã cấu, cắn nhau, gây trầy xước. Để đảm bảo an toàn cho trẻ, cô Hải phải nhanh tay, nhanh mắt nhưng càng có tuổi, phản xạ càng chậm đi.
Thời gian làm việc của giáo viên mầm non cũng kéo dài hơn bậc học khác, thường từ 6h30 đến 17h, thậm chí hơn. Làm việc liên tục, nhưng đến giờ nghỉ trưa, các cô hầu như không được ngủ vì còn phải trông, bế và dỗ dành trẻ. Cô Mai kể ngày trẻ không thấy mệt, nhưng sau tuổi 40, cô thấy quá tải, thường đau đầu, mệt mỏi, phải uống thuốc. Nhiều đồng nghiệp của cô bị viêm dây thanh quản, đau xương khớp...
Bên cạnh đó, các giáo viên muốn rút ngắn tuổi nghỉ hưu còn vì môi trường làm việc nhiều căng thẳng, khi thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn. Họ phải kiên nhẫn khi ở trong lớp với hàng chục học sinh, có bé ngoan, khỏe mạnh nhưng cũng có trẻ nghịch hay sức khỏe yếu. Ngay cả khi hết giờ làm, áp lực vẫn chưa chấm dứt khi phụ huynh điện thoại hỏi tình hình của con.
Bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT TP.HCM, cũng tán thành. Bà nói đặc thù ở bậc mầm non, giáo viên hầu hết là nữ. Trên 50 tuổi, sức khỏe của họ suy giảm, xương khớp bắt đầu thoái hóa và nhiều chứng bệnh khác. Phụ nữ ở độ tuổi này cũng có biến động về tâm sinh lý, nhiều người tính tình thay đổi thất thường.
Trong khi đó, ở bậc mầm non, các cô giáo phải làm mẫu để trẻ theo, ví dụ múa, hát, thể dục, chưa kể vui chơi, bày trò cùng các bé. Với những bé ở độ tuổi nhỏ (6-12 tháng), giáo viên phải bế bồng liên tục.
"Năng lượng của giáo viên ảnh hưởng trực tiếp đến việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ. Khi sức khỏe cô giáo suy giảm, trẻ không được hưởng sự dạy dỗ tốt nhất", bà Điệp giải thích.