Theo báo Tuổi trẻ, Bộ Tài chính lấy ý các bộ ngành, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, UBND các tỉnh, thành phố về chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (thuế VAT) 2% áp dụng trong năm 2024.
Cụ thể: giảm 2% thuế VAT áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%).
Trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ gồm viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt không được áp dụng chính sách này.
Thời gian áp dụng từ ngày 1/1/2024 đến hết 30/6/2024.
Bộ Tài chính dự kiến sẽ giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 25.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024. Trong đó, mức giảm thu mỗi tháng đối với khâu nội địa là khoảng 2.700 tỷ đồng; giảm thu khâu nhập khẩu khoảng 1.475 tỷ đồng.
Chuyên gia đề nghị kéo dài đến hết năm 2024
Theo tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp, xoay quanh đề xuất giảm 2% thuế VAT, hầu hết các ý kiến đều đồng tình và cho rằng, trước những khó khăn từ bên ngoài và nội tại, việc tiếp tục gia hạn chính sách giảm thuế VAT là cần thiết để đẩy nhanh tiến độ phục hồi nền kinh tế. Chính sách này nên được mở rộng đối tượng và kéo dài đến hết 2024.
Theo TS Vũ Đình Ánh, Chuyên gia tài chính, năm 2024 chính sách thuế nên giảm thu để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân khi bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều bất ổn. Do đó, ông Ánh hoàn toàn đồng tình với việc Chính phủ giao Bộ Tài chính rà soát, trình Quốc hội kéo dài thời gian giảm 2% thuế VAT, nhưng chính sách này nên giảm tiếp ít nhất là hết năm 2024 cho toàn bộ các mặt hàng, dịch vụ.
“Kinh tế thế giới lại xuất hiện những biến động, rủi ro mới, xuất khẩu chưa có dấu hiệu hồi phục rõ rệt, hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước vẫn còn nhiều thách thức. Những thực tế này khiến người lao động bị cắt giảm giờ làm, thu nhập sụt giảm”, vị chuyên gia này bày tỏ.
TS Vũ Đình Ánh cho rằng, việc giảm 2% thuế VAT là rất cần thiết để chia sẻ khó khăn với đời sống người tiêu dùng trong nước. Đây là thuế đánh vào người sử dụng dịch vụ và sản phẩm nên thuế VAT giảm 2% sẽ giúp người dân được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này bởi phải trả ít tiền hơn khi mua hàng hóa, dịch vụ. Mặt khác, việc giảm thuế VAT toàn bộ hàng hóa dịch vụ còn tạo thuận lợi cho người bán hàng, cung cấp dịch vụ dễ dàng triển khai chính sách này.
“Việc giảm thuế là để hỗ trợ người tiêu dùng chứ không phải là doanh nghiệp, ngành hàng, lĩnh vực nào. Nên việc giảm thuế VAT cần giảm đồng loạt cho mọi hàng hóa, dịch vụ", TS Vũ Đình Ánh cho hay.
Đồng quan điểm đã nêu, nhìn nhận về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Thịnh, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, hiện nay triển vọng hồi phục kinh tế thế giới còn chưa rõ nét và việc thắt chặt chi tiêu tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn có xu hướng tiếp diễn sang năm 2024. Trong bối cảnh các chỉ số liên quan đến cân đối vĩ mô, nợ công, thâm hụt ngân sách đều trong ngưỡng an toàn. Do đó, việc thúc đẩy tiêu dùng trong nước sẽ tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng 2024.
“Việc Chính phủ tiếp tục giao Bộ Tài chính rà soát, để trình Quốc hội đề xuất kéo dài thời gian giảm 2% thuế VAT tới giữa năm 2024 là cần thiết, phù hợp. Bởi, nền kinh tế của chúng ta vẫn đang trong giai đoạn phục hồi và đây chính là chính sách liên quan đến thuế, tài khóa giúp giảm giá thành, chi phí cho doanh nghiệp và kích thích tiêu dùng".
Vân Anh (T/h)