Theo Thanh Niên, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội đã gửi tới đại biểu Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ. Ngoài nội dung đánh giá thực trạng đào tạo tiến sĩ hiện nay, báo cáo còn đưa ra một số đề xuất trong đó thể hiện quan điểm mới, phù hợp xu hướng hội nhập quốc tế như coi đào tạo tiến sĩ là đào tạo tinh hoa, đề xuất chính sách hỗ trợ của nhà nước cho đào tạo tiến sĩ.
Trong báo cáo cũng nhiều lần nhắc đến khái niệm liêm chính học thuật như một yêu cầu mà nền đào tạo tiến sĩ cần xây dựng, hình thành; phê phán xu hướng động cơ làm tiến sĩ lệch lạc, vì bằng cấp, không phục vụ yêu cầu chuyên môn.
Theo Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, đầu tư cho lĩnh vực GD ĐH nói chung, đào tạo tiến sĩ nói riêng còn thấp. Tỷ lệ ngân sách nhà nước chi cho GD ĐH trong 3 năm gần đây chỉ đạt từ 4,33 - 4,74% tổng chi ngân sách cho GD-ĐT (xấp xỉ khoảng 1% so với tổng chi ngân sách nhà nước).
Chi phí đào tạo một tiến sĩ tại các trường đại học công lập hiện nay trung bình khoảng 16 triệu đồng/năm (trừ lĩnh vực khoa học sức khỏe, khoảng gần 32 triệu đồng/năm), thấp hơn rất nhiều so với chi phí đào tạo tiến sĩ ở một số nước trong khu vực và thế giới. Do đó, các cơ sở đào tạo tiến sĩ trong nước gặp rất nhiều khó khăn trong bảo đảm điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu sinh thực hiện nghiên cứu, tiếp cận với tài liệu, công bố khoa học mới nhất để tham khảo và nâng cao chất lượng luận án.
Cơ chế, chính sách học bổng và hỗ trợ kinh phí đào tạo cho nghiên cứu sinh chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó ở nhiều nước trên thế giới và khu vực, nghiên cứu sinh không những không phải đóng học phí mà còn được cấp học bổng với mức đủ bảo đảm chi phí sinh hoạt hằng tháng và kinh phí hỗ trợ cho việc hoàn thiện luận án tiến sĩ, thậm chí còn được nhận lương khi tham gia trợ giảng hoặc nghiên cứu cùng người hướng dẫn (như ở Mỹ, Hàn Quốc, Singapore…). Còn ở Việt Nam, nghiên cứu sinh vừa phải đóng học phí, vừa bị hạn chế tiếp cận các nguồn tài trợ nghiên cứu từ cơ sở đào tạo.
"Nghiên cứu sinh ở Việt Nam vừa phải đóng học phí, vừa bị hạn chế tiếp cận các nguồn tài trợ nghiên cứu từ cơ sở đào tạo", báo cáo nêu. Ngoài ra, Việt Nam chưa có chính sách hỗ trợ, thu hút người học tiến sĩ ở các ngành, lĩnh vực nghiên cứu khoa học tự nhiên và công nghệ, vốn rất cần thiết nhưng kén người học.
Trong khi đó, cơ sở đào tạo cũng gặp áp lực cân đối thu chi theo cơ chế tự chủ. Những nguyên nhân này khiến việc đào tạo tiến sĩ chưa đạt được mục tiêu cả về quy mô và chất lượng.
Cho rằng đào tạo tiến sĩ là đào tạo tinh hoa, Ủy ban Văn hóa Giáo dục kiến nghị có cơ chế, chính sách ưu tiên đào tạo trình độ tiến sĩ ở các ngành, lĩnh vực phục vụ trực tiếp cho thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các ngành công nghệ cao, công nghệ cốt lõi.
Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ học bổng, kinh phí nghiên cứu khoa học cho nghiên cứu sinh có kết quả nghiên cứu, học tập xuất sắc, những đề tài, luận án có tính ứng dụng cao.
Cơ chế tài chính, phương thức cấp phát kinh phí cho đào tạo và nghiên cứu cần được đổi sang hình thức đặt hàng, đấu thầu, giao nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, Ủy ban Văn hóa Giáo dục đề xuất Quốc hội cần có nghị quyết chuyên đề về định hướng chính sách thúc đẩy, khuyến khích phát triển đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Nghị quyết làm rõ lộ trình nâng tỷ trọng ngân sách chi cho giáo dục đại học tính trên GDP đạt mức trung bình của các nước trong khu vực; tăng định mức đầu tư cho đào tạo tiến sĩ nói riêng và đào tạo sau đại học nói chung.
Đối với Chính phủ, Ủy ban Văn hóa Giáo dục kiến nghị xem xét, ban hành cơ chế hỗ trợ kinh phí cho hoạt động đào tạo tiến sĩ, hỗ trợ học bổng nghiên cứu cho nghiên cứu sinh, gắn việc giao đề tài, nhiệm vụ khoa học với đào tạo tiến sĩ. Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần nghiên cứu, đề xuất cấp học bổng đào tạo tiến sĩ trong nước, trước hết ưu tiên các ngành cơ bản, mũi nhọn.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong hai năm học 2019-2020 và 2020-2021, tổng chỉ tiêu tuyển sinh trình độ tiến sĩ là gần 10.200 nhưng số tuyển được chỉ hơn 3.000.
Hiện, nhà nước chỉ có cơ chế hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu sinh theo Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2019-2030 (đề án 89). Theo đó, nghiên cứu sinh trong nước được hỗ trợ kinh phí thực hiện đề tài luận án (13-20 triệu đồng mỗi năm và không quá 4 năm); hỗ trợ đăng bài báo khoa học quốc tế; tham dự các hội nghị, hội thảo quốc tế hoặc thực tập ngắn hạn ở nước ngoài (một lần trong cả quá trình đào tạo).
Học phí chương trình nghiên cứu sinh ở các cơ sở đào tạo công lập hiện phổ biến mức 30 triệu đồng một năm. Một số ít nơi trả lương cho nghiên cứu sinh tiến sĩ bằng cách ký hợp đồng làm việc toàn thời gian với họ, thông tin trên báo VnExpress.
Thùy Dung (T/h)