Sửa đổi 10 Điều của Luật thuế TTĐB hiện hành
Bộ Tài chính cho biết, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) số 27/2008/QH12 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2009 thay thế cho Luật thuế TTĐB năm 1998, Luật sửa đổi một số điều của Luật thuế TTĐB năm 2003, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB và Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT) năm 2005. Luật thuế TTĐB năm 2008 đã qua 04 lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2014 (02 lần), 2016 và năm 2022 để xử lý các bất cập phát sinh trong thực tiễn và phù hợp với yêu cầu quản lý thuế từng giai đoạn. Qua 16 năm thực hiện, Luật thuế TTĐB đã đạt được các kết quả quan trọng.
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, qua quá trình tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Luật thuế TTĐB trong giai đoạn qua, cùng với bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và thời gian tới, chính sách thuế TTĐB cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế:
Một là, đối tượng chịu thuế TTĐB còn hẹp so với thông lệ quốc tế. Theo Luật thuế TTĐB hiện hành có 10 nhóm hàng hóa và 6 nhóm dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB. Tham khảo chính sách các nước cho thấy, hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB của các nước rất đa dạng, ví dụ Trung Quốc thu thuế TTĐB đối với 15 nhóm hàng hóa gồm: thuốc lá, đồ uống có cồn, mỹ phẩm; đồ trang sức và đá quý, pháo hoa, sản phẩm xăng dầu, xe máy, ô tô, bóng chơi gôn (golf) và dụng cụ chơi gôn, đũa dùng một lần, du thuyền, đồng hồ đeo tay cao cấp; thuyền sử dụng trong du thuyền, sàn gỗ. Thái Lan thu thuế TTĐB đối với 17 nhóm hàng hóa và dịch vụ gồm: Dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu mỏ, nước giải khát, thiết bị điện từ, sản phẩm bằng pha lê, ô tô, du thuyền, nước hoa và mỹ phẩm, thảm sàn và vật liệu trải sàn làm bằng lông động vật, xe máy, pin, vũ trường và hộp đêm, xông hơi, các khóa học về đua ngựa, các khóa học gôn, rượu, bia, thuốc lá, bài chơi poker…
Hai là, một số quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, mô tả mặt hàng tại Biểu thuế chưa thực sự rõ ràng dẫn đến vướng mắc trong thực tế thực hiện.
Ba là, thuế suất thuế TTĐB đối với các mặt hàng thuốc lá, rượu bia, ô tô, còn thấp chưa đủ tác dụng để hạn chế tiêu dùng hoặc điều tiết thu nhập của người sử dụng có thu nhập cao trong xã hội.
Bốn là, chưa thực hiện được một số mục tiêu đề ra của chính sách thuế TTĐB nêu tại Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 là nghiên cứu áp dụng phương pháp thuế hỗn hợp đối với mặt hàng có hại cho sức khỏe và môi trường.
Năm là, chưa có quy định hoàn trả thuế TTĐB đối với số thuế TTĐB chưa được khấu trừ hết đối với một số mặt hàng cần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng sản phẩm thân thiện môi trường.
Do vậy, cần thiết ban hành Luật thuế TTĐB (sửa đổi) nhằm hoàn thiện quy định về chính sách thuế TTĐB để mở rộng cơ sở thu, bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện luật nhằm góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế, đảm bảo thu đúng thu đủ vào NSNN, đảm bảo ổn định nguồn thu NSNN.
Đồng thời đổi mới các nội dung và các điều luật theo hướng gia tăng các quy định, luật hóa các quy định đã thực hiện ổn định tại văn bản dưới luật; góp phần cải cách thủ tục quản lý thuế theo hướng đơn giản, rõ ràng, công khai, thực hiện quản lý thuế điện tử, tạo môi trường thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ pháp luật về thuế, tự giác nộp đúng, đủ, kịp thời tiền thuế vào NSNN.
Dự thảo Luật sửa đổi 10 Điều của Luật thuế TTĐB hiện hành: gồm các Điều quy định về đối tượng chịu thuế (Điều 2); đối tượng không chịu thuế (Điều 3); người nộp thuế (Điều 4); căn cứ tính thuế (Điều 5); giá tính thuế (Điều 6); thuế suất (Điều 8); hoàn thuế, khấu trừ thuế (Điều 9); giảm thuế (Điều 10); hiệu lực thi hành (Điều 11); tổ chức thực hiện (Điều 12) và bổ sung 01 Điều quy định về thời điểm xác định thuế TTĐB (Điều 7).
Đối với những nội dung sửa đổi, bổ sung, dự thảo Luật đã bám sát theo 07 nhóm chính sách tại hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án Luật thuế TTĐB (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và Quốc hội đồng ý thông qua gồm: (1) Hoàn thiện các quy định về đối tượng chịu thuế TTĐB; (2) Hoàn thiện các quy định về đối tượng không chịu thuế TTĐB; (3) Hoàn thiện quy định về căn cứ tính thuế TTĐB; (4) Hoàn thiện quy định về giá tính thuế TTĐB; (5) Hoàn thiện quy định về thuế suất thuế TTĐB; (6) Hoàn thiện quy định về hoàn thuế, khấu trừ thuế TTĐB; (7) Hoàn thiện quy định về điều khoản thi hành. Đồng thời, thực hiện ý kiến của Lãnh đạo Quốc hội, dự thảo Luật quy định luật hóa một số nội dung đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật thuộc các nhóm chính sách nêu trên.
Đối với hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB
Dự thảo sửa đổi quy định rõ mặt hàng "thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm" thành "thuốc lá theo quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, bao gồm thuốc lá điếu; xì gà; thuốc lá sợi; thuốc lào hoặc các dạng khác; chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm" để đồng bộ với Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Sửa đổi quy định rõ mặt hàng "rượu" thành "rượu theo quy định của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia, bao gồm cả các loại đồ uống có cồn thực phẩm khác được lên men từ trái cây, ngũ cốc; đồ uống được pha chế từ cồn thực phẩm" để đồng bộ với Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Sửa đổi, bổ sung quy định mặt hàng "xe ô tô dưới 24 chỗ, kể cả xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng loại có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng" thành "xe có động cơ dưới 24 chỗ, bao gồm: xe ô tô chở người; xe chở người bốn bánh có gắn 12 động cơ; xe ô tô pick-up chở người; xe ô tô pick-up chở hàng cabin kép; xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng" để đồng bộ với Tiêu chuẩn Việt Nam về ô tô và quy định về xe chở người bốn bánh có gắn động cơ của Bộ Giao thông vận tải.
Dự thảo đề xuất thay quy định "tàu bay" bằng quy định "máy bay, trực thăng, tàu lượn" và bổ sung hướng dẫn rõ các mặt hàng máy bay, trực thăng, tàu lượn và du thuyền chịu thuế TTĐB là loại sử dụng cho mục đích dân dụng để làm rõ đối tượng chịu thuế TTĐB là các loại tàu bay có động cơ và là những mặt hàng cao cấp phục vụ cho mục đích tiêu dùng cá nhân của các đối tượng có thu nhập cao trong xã hội.
Sửa đổi quy định rõ mặt hàng điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống chịu thuế TTĐB như sau: "Điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống trừ loại theo thiết kế của nhà sản xuất chỉ để lắp trên phương tiện vận tải bao gồm ô tô, toa xe lửa, tàu, thuyền, máy bay. Trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất bán hoặc tổ chức, cá nhân nhập khẩu nhập tách riêng từng bộ phận là cục nóng hoặc cục lạnh thì hàng hóa bán ra hoặc nhập khẩu (cục nóng, cục lạnh) vẫn thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như đối với sản phẩm hoàn chỉnh (máy điều hòa nhiệt độ hoàn chỉnh)" để luật hóa quy định đang thực hiện ổn định tại văn bản dưới Luật.
Sửa đổi quy định rõ mặt hàng "hàng mã" chịu thuế TTĐB không bao gồm hàng mã là đồ chơi trẻ em, đồ dùng dạy học để luật hóa quy định đang thực hiện ổn định tại văn bản dưới Luật.
Đồng thời dự thảo bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml, vào đối tượng chịu thuế TTĐB để thực hiện các chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF và Bộ Y tế về thực tế bệnh tật liên quan đến nước giải khát có đường tại Việt Nam, kịp thời ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì đáng báo động ở trẻ em và thanh thiếu niên, nhằm dự phòng giảm thiểu rủi ro bệnh tật và gánh nặng y tế đối với bệnh không lây nhiễm, nâng cao nhận thức và hạn chế tiêu thụ nước giải khát có đường, mang lại lợi ích về sức khỏe cộng đồng, đặc biệt đối với giới trẻ, thế hệ tương lai của quốc gia, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tăng mức thuế suất thuế TTĐB theo phương pháp tính thuế tỉ lệ đối với rượu, bia
Sửa đổi, bổ sung quy định về thuế suất thuế TTĐB với mặt hàng rượu bia, Bộ Tài chính cho biết, Luật thuế TTĐB hiện hành quy định thuế suất thuế TTĐB đối với rượu từ 20 độ trở lên 65 %; Rượu dưới 20 độ: 35%; và Bia: 65%.
Qua nghiên cứu sức mua và phản hồi, đánh giá của các tổ chức quốc tế và các bộ ban ngành, Bộ Tài chính cho rằng cần thiết tăng mức thuế suất thuế TTĐB theo phương pháp tính thuế tỉ lệ đối với rượu, bia để tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị tăng thuế của WHO và lộ trình tăng theo mức tăng thu nhập và lạm phát.
Bộ Tài chính đề xuất phương án điều chỉnh tăng thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng rượu từ 20 độ trở lên theo lộ trình như bảng dưới đây.
Tuy nhiên, qua đánh giá, Bộ Tài chính nghiên về phương án 2 vì giá bán năm 2026 sẽ tăng 20% so với năm 2025, và các năm tiếp theo mỗi năm giá bán sẽ tăng 2-3% so với năm trước để đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo mức độ lạm phát và gia tăng thu nhập của các năm tiếp theo.
Đối với rượu dưới 20 độ, Bộ Tài chính nghiên về phương án 2 như tại Bảng liệt kê 2 phương án như dưới đây. Lý do tương tự như trên.
Còn mặt hàng bia, phương án điều chỉnh tăng thuế suất thuế TTĐB như bảng dưới đây và Bộ tài chính cũng nghiêng về phương án 2.