(ĐSPL) - Không được dễ dàng như với đề Địa lý buổi sáng, các thí sinh dự thi khối C khá hoang mang và bất ngờ với đề Lịch sử năm nay.
Đề thi môn Lịch sử năm nay khiến không ít thí sinh bị bất ngờ. |
Theo ghi nhận của phóng viên báo Đời sống và Pháp luật tại Hội đồng thi trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Hà Nội), phản ánh chung của các thí sinh là đề Lịch sử năm nay khó hơn nhiều với năm trước và bao gồm nhiều phần mở rộng. Đề thi có 4 câu đòi hỏi lượng kiến thức lịch sử dàn trải và bao quát.
“Bọn em đều được cảnh báo là đề Sử năm nay sẽ có mở rộng, nhưng không ngờ lại mở rộng nhiều đến thế, ngay từ câu 1 đã khiến em bối rối, từ phần các cột mốc kháng chiến cho tới vai trò của nhân dân trong kháng chiến, đòi hỏi cần phải tư duy cao và khả năng khái quát tốt mới làm được” - thí sinh Phạm Thanh Phương (THPT Hưng Yên) cho biết.
Sinh viên tình nguyện tại điểm thi trường ĐH KHXH&NV bàn luận về đề thi với thí sinh. |
Nhiều thí sinh cho biết, mặc dù cũng nằm trong phần kiến thức được ôn luyện, nhưng ý kiến chủ quan của các em đều dự đoán sẽ không thi vào phần kiến thức hoàn cảnh đất nước sau năm 1975, nhưng câu đó thực tế lại chiếm 2 điểm trong đề thi. Sở dĩ có sự dự đoán như vậy, vì các thí sinh này đã luyện qua đề thi vài năm trở lại đây thì thấy đề thi tuyệt đối không có phần kiến thức này.
Thí sinh Phạm Thảo thi vào khoa Lịch sử của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nhận xét: “Đề Lịch sử năm nay rất hay, nhưng cũng rất khó. Cảm giác của em là vừa hào hứng vừa lo lắng, bởi vì đề thi đúng theo tiêu chí vận dụng kĩ năng và kiến thức thực tiễn kết hợp với kiến thức sách giáo khoa, không yêu cầu thí sinh phải học thuộc lòng nhiều, mà cần phải có khả năng tư duy logic và kĩ năng tổng hợp kiến thức. Em đã làm một dàn ý cơ bản và viết lại theo hình thức một bài văn phân tích. Mặc dù câu hỏi về hoàn cảnh đất nước sau 1975 khiến em bất ngờ nhưng vì những câu khác em làm tốt nên vẫn chắc chắn khoảng 70-80\%. Hơn nữa, câu hỏi về Asean rất hay, có thể liên hệ với tình hình thời sự hiện nay”.