“Đệ nhất danh cầm” Nguyễn Vĩnh Bảo là một “báu vật của đờn ca tài tử” còn sót lại khi GS.TS Trần Văn Khê và NSND Bảy Bá (Viễn Châu) ra đi. Tiếng đàn của ông không chỉ thuộc hàng đẳng cấp mà đến hôm nay vẫn là độc nhất vô nhị dẫu bước sang tuổi 103 vào dịp Tết Canh Tý 2020.
Cuộc đời nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo hơn 100 năm đã có nhiều thăng trầm cùng niềm đam mê âm nhạc dân tộc. |
Tiếng đàn thăng trầm cùng cuộc đời
Thời thơ ấu của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo trôi qua khá êm đềm trong một gia đình điền chủ đất Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Theo Nho học nên ông cũng yêu thích “cầm, kỳ, thi, họa”, sành nhạc lễ, nhạc tài tử và hát bội. Lâu lâu, cha ông lại mời bạn bè họp mặt bàn chuyện văn chương, đờn ca. Có lẽ hạt giống nghệ thuật đã nảy mầm trong ông từ đó.
Đến năm 12 tuổi, ông được chính thức thọ giáo đàn tranh với một số thầy đờn có tiếng trong vùng. Tuổi trẻ của ông trôi qua với đủ các cung bậc cảm xúc, khi thì bay bổng trong những buổi hòa nhạc với bạn bè của mình hoặc bạn bè của cha, lúc lại rất hiếu động, dám tự viết, rải truyền đơn chống Pháp để rồi bị đuổi học và có lúc cũng rất lãng mạn khi thường tơ tưởng đến cô học trò Trâm Anh, bạn của cô em gái.
Kinh tế gia đình đến hồi sa sút, Vĩnh Bảo muốn sống tự lập để đỡ gánh nặng cho cha mẹ nên theo người cậu học nghề thợ bạc. Thế nhưng, nghề thợ bạc cũng chẳng dễ kiếm sống. Sau đó, Vĩnh Bảo quyết định sang Nam Vang (Campuchia) mưu sinh. Ở đó, ông làm thu ngân trong hãng nước đá Le Sud Industry của một ông chủ người Pháp, rồi làm thư ký đánh máy cho sở Trường Tiền. Trong thời gian ở đây, những lúc rảnh rỗi, ông lại tụ họp bạn đồng hương yêu thích văn nghệ lập “gánh hát tự phát”. Năm 1938, ông quay lại Sài Gòn, được hãng đĩa Béka - thuộc công ty John Keller (Đức) mời thu thanh một số bản đờn.
Năm 1946, ông quay về Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Chính trong chuyến trở về này, hạnh phúc đã đến với ông thật bất ngờ, mối tình thầm kín đã có cái kết tuyệt đẹp, ông và cô thiếu nữ Trâm Anh mà ông thầm thương trộm nhớ ngày xưa nên duyên vợ chồng. Từ năm 1955, ông cùng một số người bạn (Michel Nguyễn Phụng, Nguyễn Hữu Ba...) trở thành những người thầy đầu tiên của trường Quốc gia Âm nhạc (nay là Nhạc viện TP.HCM) từ thuở mới khai sinh. Ông dạy đàn tranh và được giao chức vụ Trưởng ban cổ nhạc miền Nam. Từ đây, ông bắt đầu hoạt động nghệ thuật thường xuyên hơn, chuyên nghiệp hơn.
Cuộc đời hơn một thế kỷ của ông với bao biến đổi, thăng trầm. Người ta có thể biết ông như một nghệ sĩ nhưng ít ai biết đến ông là một nhà giáo, một công chức, một nhà đấu thầu, nhà kinh doanh ô tô... Điều đặc biệt giúp ông vẫn tinh tường cho đến tuổi “bách niên” là chỉ sống bằng tiếng nhạc và hiểu người qua tiếng đàn. Hiểu nghề, hiểu người, hiểu đời một cách tinh tường nên tiếng đàn cũng như cách ứng xử của ông với cuộc đời mới có được sự sâu sắc, tinh tế mà không dễ gì ai cũng có được.
Tuổi cao nhưng tình yêu truyền dạy tiếng đàn dân tộc cho thế hệ trẻ vẫn đau đáu trong lòng nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo. |
Chưa thôi day dứt
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo là một trong những người hiếm hoi đa năng trên nhiều mặt như là nhạc sĩ diễn tấu, giảng dạy, đóng đàn, ngoại ngữ nói được năm thứ tiếng: Pháp, Anh, Nhật, Trung và Campuchia. Ánh mắt tinh anh, miệng cười rất hóm, ông thiết tha, nhiệt tình khi bàn đến tương lai của âm nhạc truyền thống nhưng lại rất đỗi khiêm nhường khi nói về mình. Dù tuổi cao nhưng nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo vẫn rất minh triết, vẫn miệt mài làm việc. Hiện ông đang dạy đàn qua Internet cho một số môn sinh ở Hà Lan, Thụy Sĩ, Úc, Pháp, Mỹ.
Năm 2003, một người học trò ở Mỹ tặng ông một dàn máy vi tính. Sau đó, ông bắt đầu học cách gửi và nhận email và nảy ra ý định dạy đàn qua Internet. “Việc làm này bất luận nhạc sĩ nào cũng làm được, với điều kiện là nắm vững truyền thống của âm nhạc, có sư phạm. Bài bản chép rõ ràng, biết ngoại ngữ, đồng thời có một số vốn liếng về âm nhạc phương Tây. Cách chép bản đàn của tôi là theo hò, xự, xang, xế, cống với những ký hiệu riêng”, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo nói.
Có hàng trăm học trò nhưn nhạc sư Vĩnh Bảo vẫn cảm thấy day dứt khi là giới trẻ quay lưng lại với âm nhạc dân tộc. “Điều khiến tôi buồn nhất là có những người thay vì tìm cách cứu sống âm nhạc dân tộc thì lại đang phá hoại bằng sự nhiệt tình thiếu suy nghĩ của mình. Những nghệ sĩ kéo violon thường nghiêng vai để lấy thế. Vậy mà có một số người biểu diễn đàn cò cũng nghiêng ngả, để... làm dáng. Học đòi như vậy trước là tự hạ thấp mình, sau là tự hạ thấp âm nhạc của dân tộc mình. Chuyện này lặp lại hoài không khéo người nước ngoài họ tưởng trình tấu đàn cò cũng phải lấy thế như kéo vio- lon. Thậm chí có người còn cải biến cây đàn tranh để chơi nhạc Tây phương. Nếu là lãnh đạo ngành văn hóa, tôi sẽ hỏi piano, violon, guitar... có nhất thiết phải đàn nhạc Việt Nam không? Chưa kể sự cải tiến này khi trình tấu nhạc Tây phương không ra nhạc Tây phương, quay lại đàn nhạc dân tộc thì lại không tới”, vị nhạc sư đánh giá.
Nhìn lại cuộc đời mình, nhạc sư Vĩnh Bảo vẫn khẳng định, âm nhạc là niềm đam mê, gắn liền với cuộc sống sâu kín của ông. Nhạc sư Vĩnh Bảo trải lòng: “Âm nhạc cho tôi thấy cuộc sống phức tạp nhưng lại vô cùng phong phú, giúp tôi có nghị lực thắng được chính mình để biết bằng lòng với những gì mà cuộc sống mang lại. Phản đối cũng không có lợi ích gì. Bởi vì cuộc sống chỉ đãi ngộ những người biết phục tùng và ít đòi hỏi. Tôi là người chết đứng, chứ không sống quỳ. Khi đàn là lúc tôi ở trong trạng thái tĩnh lặng, thấy mình gần gũi với thiền”.
“Cây đàn là người bạn trung thành, kiên nhẫn và vô tư. Tôi vui thì tiếng đàn vui, tôi buồn tiếng đàn cũng buồn, khi cảm hứng dồi dào thì tiếng đàn bay bổng, lúc tinh thần cạn cợt thì tiếng đàn dở. Nghe tiếng nhạc có thể biết được lòng người. Những bản nhạc hay không bao giờ xuất phát từ một tâm hồn bệnh hoạn, có lời nói khinh suất, hành xử tàn ác. Cũng như cái lu dơ, làm sao chứa được nước sạch”, ông cảm thán.
HÀ NHÂN
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời Sống & Pháp Luật số 10