(ĐSPL) – Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII kết thúc với nhiều vấn đề quan trọng của đất nước được bàn thảo và quyết nghị. Công chúng ghi nhận sự tích cực, công tâm của ĐBQH với những ý kiến và câu hỏi chất vấn sâu sắc, thẳng thắn, trong đó nhiều ý kiến được cho là “gây bão” dư luận.
Sao Đại biểu Quốc hội dốt thế nhỉ?
Tại phiên thảo luận dự thảo sửa đổi Nghị quyết 35 lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm, Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền – tỉnh Lâm Đồng không ngại ngần nhắc lại câu hỏi của cử tri: Sao Đại biểu Quốc hội dốt thế nhỉ?
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền – tỉnh Lâm Đồng |
Câu hỏi được đưa ra khiến không ít ĐBQH “giật mình”. Ông Thuyền cho biết, việc cử tri phê bình ĐBQH là do sự phức tạp hóa vấn đề lấy phiếu tín nhiệm, theo họ: phiếu cao thì tín nhiệm cao, còn phiếu thấp thì đương nhiên là thấp. Nếu một nhiệm kỳ chỉ lấy phiếu tín nhiệm một lần như dự thảo thì ít, không đánh giá được và chẳng giải quyết được gì cả… Lấy phiếu tín nhiệm ở ba mức như hiện nay cũng không hợp lý, chỉ nên để ở hai mức “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”.
Ăn lương của dân mà vô dụng thì phải thay
Cũng về vấn đề lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm, Đại biểu Đỗ Văn Đương – đoàn TP.HCM cho rằng việc bỏ phiếu có thể bị chi phối bởi các yếu tố khác ngoài yếu tố năng lực của người được lấy phiếu tín nhiệm. Ví dụ, người có đạo đức tốt, được lòng người xung quanh có thể được bỏ phiếu cao. Tuy nhiên, như cụ Hồ đã nói có đức mà không có tài là vô dụng. Anh ăn lương của dân mà vô dụng thì phải thay thôi. Khi người ta xả thân vì công việc thì có thể có khuyết điểm này khuyết điểm kia, nhưng những người đấy xã tắc cần.
Đại biểu Đỗ Văn Đương – đoàn TP.HCM |
Ông Đương cũng chỉ ra rằng người thực sự có năng lực và tâm huyết sẽ bộc lộ rõ khi đứng trước áp lực của tiền bạc và công việc. Những vị lãnh đạo này gần như là tấm gương phải chiếu của xã hội, nếu họ tích cực thì xã hội chuyển động nhanh, nhân dân được nhờ. Tôi cho rằng nên trọng uy tín, mà con người lãnh đạo phải có uy tín chứ không chỉ có uy quyền, đừng mượn quyền lực nhà nước để điều hành, lãnh đạo.
30\% người Việt trưởng thành mang thể trạng của một tuổi thơ suy dinh dưỡng
Đại biểu Dương Trung Quốc - tỉnh Đồng Nai đã bày tỏ sự trăn trở đối với thể trạng và vóc dáng người Việt. Ông cho biết, nước ta là quốc gia đông dân thứ 13 thế giới thì cũng lại đứng thứ 13 trong số các quốc gia có gánh nặng về suy dinh dưỡng lớn nhất thế giới.
Đại biểu Dương Trung Quốc - tỉnh Đồng Nai |
Chúng ta đang có 2,5 triệu trẻ suy dinh dưỡng mãn tính trong đó có 1/10 suy dinh dưỡng cấp tính. Con số thống kê cho thấy trẻ em suy dinh dưỡng không chỉ có ở vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa mà ngay cả ở đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM cũng có. Nói một cách đơn giản thì 30\% người Việt Nam trưởng thành mang thể trạng của một tuổi thơ suy dinh dưỡng.
Về nguyên nhân của tình trạng này, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng đó là hậu quả của sự thiếu hiểu biết chứ không đơn thuần là do điều kiện kinh tế của người dân và đất nước còn khó khăn.
Bill Gates làm việc ở Việt Nam cũng không được cấp giấy phép
Trong khi đất nước đang nỗ lực cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài thì Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đã chỉ ra tình trạng chậm trễ và những hạn chế trong công tác này ở Việt Nam. Cụ thể, ở các nước người ta chỉ cần 3 ngày là thành lập được công ty, ở Việt Nam có khi phải 3 tháng, thậm chí lâu hơn.
Đại biểu QH Trương Trọng Nghĩa |
Thậm chí ông còn đưa ra một ví dụ minh họa mang nhiều ý nghĩa: Có người nói rằng, nếu mà Bill Gates xin lao động ở Việt Nam thì theo điều kiện của Việt Nam cũng không được cấp giấy phép lao động vì không có bằng đại học, không có tối thiểu 5 năm kinh nghiệm...
Như vậy tình trạng văn bản hướng dẫn luật tạo ra những rào chắn, tạo ra những cái bẫy, gây ra sự nhũng nhiễu, tiêu cực và vô hiệu hóa các hành lang pháp lý, các quyền luật định. Nhiều cử tri rất bức xúc trước tình trạng ban hành văn bản hướng dẫn sai, có văn bản ban hành sai đã phải rút lại, phải thu hồi lại, phải sửa chữa dẫn đến tốn kém, lãng phí hàng trăm tỷ đồng hoặc hàng ngàn tỷ đồng của xã hội.
Chỉ có thể khớp được giữa đào tạo với việc làm trong thời kỳ bao cấp
Đào tạo đại học, cao đẳng và vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động là vấn đề thường xuyên được đặt ra tại các kỳ họp Quốc hội. Đó là vấn đề sát sườn, thiết thực được cả xã hội quan tâm. Tuy nhiên Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phạm Vũ Luận đưa ra con số thống kê tỷ lệ cử nhân, kỹ sư thất nghiệp chỉ vào khoảng 3,6\%.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phạm Vũ Luận |
Mỗi năm chúng ta có khoảng 400.000 người tốt nghiệp đại học và cao đẳng. Như thế trong 5 năm chúng ta có 2.000.000 người tốt nghiệp, nếu con số thống kê 72.000 người có bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng chưa có việc làm là đúng thì tỷ lệ là 3,6\%.
Bộ trưởng cũng cho biết, chúng ta chỉ có thể khớp được giữa đào tạo với việc làm trong thời kỳ bao cấp khi mà anh học ngành gì, nghề gì do Nhà nước phân công, sau tốt nghiệp anh làm ở đâu do Nhà nước chỉ định, phân công.
Đi sang kinh tế thị trường, cơ sở đào tạo không chỉ đáp ứng nhu cầu của biên chế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước mà cho mọi thành phần kinh tế. Và khi thị trường lao động xuất hiện, đã hình thành, ngày càng phát triển thì sự không khớp giữa cung và cầu lao động là một thực tế khách quan.