(ĐS&PL) Ngày 28/3/2019, Bộ Công Thương đã ra Quyết định số 755/QĐ-BCT ban hành “Chương trình tổng thể về sử dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm hỗ trợ phát triển một số ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018-2020, xét đến 2025”.
Theo đó, ngành Công thương sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng vệ thương mại tới các doanh nghiệp; tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp về vấn đề pháp lý nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp khi tham gia vào các vụ việc phòng vệ thương mại. Hiện, Bộ Công Thương thực hiện Đề án tăng cường sử dụng hệ thống cảnh báo sớm để dự báo, cảnh báo sớm nguy cơ các nước áp dụng phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của nước ta, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường các nước cũng như nghiên cứu và nắm bắt thị trường Việt Nam.
Trước áp lực từ các vụ kiện phòng vệ thương mại, sự chủ động của doanh nghiệp sẽ là yếu tố quyết định để đối mặt và đứng vững trên thị trường. Phòng vệ thương mại là nội dung quan trọng trong ứng phó hỗ trợ cho nền kinh tế và cho doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế. Các nội dung về phòng vệ thương mại đã được đưa vào Luật Quản lý ngoại thương có hiệu lực từ 1/1/2018, tạo ra khuôn khổ pháp lý để triển khai thực hiện các hoạt động phòng vệ thương mại nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong các tranh chấp thương mại quốc tế.
Nhằm bảo vệ doanh nghiệp trước những tác động của hội nhập kinh tế quốc tế, ngành Công thường trong những năm gần đây đã tổ chức nhiều buổi hội thảo hỗ trợ cho doanh nghiệp về thông tin, kiến thức về phòng vệ thương mại, tập huấn giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về quy trình, tác động của công cụ phòng vệ thương mại đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, phát hành cuốn sổ tay Cẩm nang Hội nhập cho doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội.
Một số chuyên gia cho rằng, phòng vệ thương mại không phải là việc của từng doanh nghiệp riêng lẻ mà là chiến lược hành động của cả một ngành sản xuất sản phẩm nội địa liên quan. Do đó, để sử dụng công cụ phòng vệ thương mại hiệu quả, doanh nghiệp phải tập hợp với nhau thành một lực lượng đủ sức đại diện cho một ngành sản xuất nội địa. Doanh nghiệp Việt Nam hơn lúc nào hết cần phải liên kết chặt chẽ trong sản xuất kinh doanh, trong vận động chính sách cho ngành...
Thực tế, các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam là một xu thế khó tránh khỏi trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Có thể nói, phòng vệ thương mại giống như một cơn bão mà doanh nghiệp phải bắt buộc vượt qua bằng cả phòng vệ lẫn tấn công để tự bảo vệ mình.
Để phòng vệ thương mại hiệu quả, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về quy trình, tác động của công cụ phòng vệ thương mại đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành hàng mình; tự bảo vệ bằng cách trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại; nắm bắt thông tin cảnh báo sớm về khả năng bị khởi kiện tại thị trường xuất khẩu, từ đó lên phương án điều chỉnh hoạt động kinh doanh để tránh bị khởi kiện.
Cùng với đó, mỗi doanh nghiệp xuất khẩu cần nâng cao ý thức, tự khắc phục những hạn chế của mình cũng như tự giác thực hiện đầy đủ các quy định, yêu cầu của đối tác và thị trường nhập khẩu; có sự phù hợp với thông lệ quốc tế. Cùng với đó, cần xác định rõ hội nhập, đẩy mạnh xuất khẩu là đúng đắn, nhưng luôn đan xen giữa thuận lợi và thách thức; từ đó xem xét, giải quyết vấn đề từ ngành hàng cụ thể đến toàn cục.
Theo Sức Khỏe 365