74 năm sau Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9, chúng ta đã có những thành tựu về kinh tế- xã hội, nâng tầm vị thế của Việt Nam, được bạn bè quốc tế biết đến, đúng với di nguyện của Bác Hồ. Hoà chung trong không khí của những ngày lịch sử trọng đại của đất nước, PV báo ĐS&PL đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS. Nguyễn Thị Báo, Giảng viên cao cấp, viện Nhà nước và Pháp luật học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về sự kế tiếp cũng như việc thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thưa bà, thành tựu về kinh tế- xã hội những năm qua cho thấy sự kế tiếp như thế nào sau 74 năm xây dựng và khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh?
Tâm nguyện của Bác Hồ về xây dựng và phát triển đất nước được thể hiện rõ trong Di chúc của Người là “Phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Nhìn lại 74 năm qua, chúng ta đã kế tiếp vinh quang; tiếp nối truyền thống yêu nước nồng nàn, phát huy tinh thần Cách mạng tháng Tám, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế và nhân dân tiến bộ thế giới, Việt Nam đã nỗ lực, sáng tạo thực hiện di nguyện của Người, đã đạt được những thành tựu đáng tự hào là: Tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; Xây dựng chỉnh đốn đảng; phòng, chống quan liêu tham nhũng, lãng phí; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; kinh tế tăng trưởng, tạo bầu không khí dân chủ, tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân ngày càng tốt hơn; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng... tạo vị thế và uy tín của đất nước trước cộng đồng quốc tế.
PGS.TS Nguyễn Thị Báo cho rằng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. |
Bà ấn tượng về những thành tựu nổi bật nào của đất nước?
Những thành tựu nổi bật của đất nước hiện nay cho ta thấy sức mạnh của nhân dân, sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc, sự tài tình của Đảng ta đã vững vàng chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua nhiều bão tố để cập bến bờ hạnh phúc. Dù cho có những lúc, những nơi, những đảng viên thực hiện chưa tốt, chưa đúng di nguyện của Bác Hồ, nhưng quan trọng là Đảng ta đã nhận thức và sửa chữa, khắc phục kịp thời để đem lại niềm tin cho nhân dân về con đường cách mạng do Bác, Đảng và nhân dân ta đã chọn.
Bà đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực, vấn đề nào của đất nước trong thời kỳ đổi mới?
Là một đảng viên, giảng viên trường Đảng, điều tôi quan tâm nhất hiện nay là tình trạng lười học lý luận, thiếu tu dưỡng, không gương mẫu, suy thoái đạo đức, tha hóa quyền lực của một bộ phận cán bộ có chức, có quyền dẫn đến tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực lãng phí, đã đang và vẫn là vấn nạn của quốc gia (Bác coi tham nhũng là giặc nội xâm); dù đã có nhiều nỗ lực nhưng chúng ta còn gặp nhiều hạn chế trong bảo đảm quyền bình đẳng cho mọi người trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Tình trạng cán bộ khinh dân, xa dân, hành dân vẫn còn xảy ra. Vì vậy, mong muốn Đảng tiếp tục chỉnh đốn, chuẩn bị nhân sự đủ đức, đủ tài theo lời dạy của Bác tham gia cấp ủy, cơ quan dân cử nhiệm kỳ tới, để dân tin, dân ủng hộ và dân cùng Đảng kế tiếp sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với các thế hệ cha anh và niềm tin của Bác.
Về vấn đề cải cách thủ tục hành chính, phải chăng chúng ta chưa làm kiên quyết hay còn vướng mắc gì? Phải làm gì để cải cách thủ tục hành chính bớt rườm rà?
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị chưa đồng bộ, còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, còn chịu tác động ảnh hưởng của tư duy bao cấp, còn len lỏi “lợi ích nhóm” nên có tình trạng có lúc, có nơi “chưa muốn/không muốn cải cách”. Vì cải cách hành chính, sẽ làm cho bộ máy vận hành hanh thông, minh bạch, hiệu quả, sẽ hạn chế “cơ hội” của những kẻ luôn muốn “đục nước, béo cò”; muốn quy trình rườm rà để “hành dân là chính” vì mục đích vụ lợi để “nhũng nhiều, đòi ăn của đút”; để hưởng “chi phí bôi trơn” cho quá trình người dân, doanh nghiệp khi tiếp xúc với công quyền.
Bên cạnh đó, cải cách hành chính trong bối cảnh cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 đòi hỏi đội ngũ công chức, viên chức hành chính phải có tri thức, kỹ năng tiếp cận, ứng dụng các công nghệ hiện đại, nhưng thực tế nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa đáp ứng yêu cầu nên không muốn, không thể điều hành các hoạt động theo công nghệ hiện đại.
Vì vậy, muốn cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt cải cách thủ tục hành chính trong bối cảnh cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, cần phải khắc phục các nguyên nhân kể trên. Trước hết, phải xây dựng được đội ngũ công chức có tính chuyên nghiệp cao với cơ cấu hợp lý, đặc biệt phải nâng cao trình độ, năng lực để đảm bảo sử dụng tốt các công nghệ hiện đại vào giải quyết công việc. Hai là, cần tích cực rà soát, hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính, tạo hành lang pháp lý; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu công nghệ hiện đại vào hoạt động quản lý của các cơ quan hành chính Nhà nước; ngăn chặn “lợi ích nhóm”, tham nhũng, lãng phí.
Công tác tại học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cá nhân bà có suy nghĩ gì về tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh?
Không chỉ Việt Nam mà cộng đồng quốc tế đều ghi nhận và đánh giá cao tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên “Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng: Chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, bè phái, lợi ích nhóm, nói không đi đôi với làm.
Xây dựng đội ngũ lãnh đạo là bài học mà Bác đã nêu rất nhiều. Trong thời gian gần đây, chúng ta đã tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh. Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước ta cũng đã xem xét kỷ luật nhiều cán bộ, để làm sao xây dựng chỉnh đốn Đảng. Theo bà, điều này có phải chúng ta tiếp thu bài học tư tưởng của Bác Hồ và mấu chốt xây dựng bộ máy, đội ngũ lãnh đạo trong các cấp, chính quyền là gì?
Chúng ta đã và phải tiếp thu bài học tư tưởng của Bác Hồ và mấu chốt xây dựng bộ máy, đội ngũ lãnh đạo trong các cấp, chính quyền là: Nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác cán bộ- “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hay thất bại đều là do cán bộ tốt hay kém”; Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phải vừa có đức, vừa có tài, vừa có năng lực vừa có phẩm chất; Biết đặt quyền lợi của Đảng, của Tổ quốc lên trên hết và lên trước hết, phải kiên quyết “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, phải trung thành, tận tụy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, “phải hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”, “việc gì có lợi cho dân, dù nhỏ, cũng gắng sức làm, việc gì có hại cho dân, dù nhỏ, cũng hết sức tránh; đạo đức là “cái gốc”, luôn làm cho tài năng phát triển; bổ nhiệm, đề bạt cán bộ còn phải chú ý chọn người có một đời tư trong sáng, phải là một tấm gương sáng trong cuộc sống; cán bộ phải “vừa hồng, vừa chuyên” mới có đủ “Tâm, Tầm, Tài” đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ đổi mới của đất nước.
Xin trân trọng cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!
Hoàng Bích
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 141