Mùa lễ hội Chuseok (Tết Trung Thu) năm nay ở Hàn Quốc kéo dài tới tận 10 ngày, là dịp vui chơi lớn đối với trẻ nhỏ, người già hoặc những người đàn ông. Tuy nhiên, với những phụ nữ ngoại quốc về làm dâu xứ Hàn, đây này thời gian căng thẳng nhất.
Gánh nặng đến từ sự khác biệt văn hóa và rào cản ngôn ngữ
Kể từ khi về làm dâu ở Hàn Quốc, cô Nagre, 34 tuổi, người Campuchia, lấy chồng Hàn Quốc từ năm 2007 và hiện đang sống ở Seoul, luôn ám ảnh mỗi khi Trung Thu về bởi nỗi sợ mang tên Chuseok.
“Khi còn ở Campuchia, tôi mong đợi đến các dịp lễ truyền thống vì vào ngày đó, chúng tôi được mặc quần áo đẹp, ăn các món ngon và đi lễ chùa cùng với gia đình. Nhưng ở Hàn Quốc, lễ hội là quãng thời gian đáng sợ và vô cùng căng thẳng. Đôi lúc, tôi cảm giác như mình là một cái máy. Tôi mặc tạp dề cả ngày để nấu nướng chuẩn bị đồ ăn và rửa bát", Nagre, hiện sống với bố mẹ chồng chia sẻ.
Gánh nặng làm việc nhà phục vụ cho kỳ nghỉ này của cô nhiều hơn những người phụ nữ khác bởi chồng cô là con cả. Điều này đồng nghĩa với việc cô phải gánh vác trách nhiệm với phần lớn các công việc của gia đình. Trong khi thật tệ là cô còn không nói được tiếng Hàn.
Lớp học nấu nướng dành cho các phụ nữ ngoại quốc lấy chồng Hàn Quốc chuẩn bị cho dịp lễ Trung Thu. |
"Khi mới tới đây và không nói được tiếng Hàn, tôi không biết phải làm gì và vô cùng lo lắng rằng mình sẽ mắc lỗi. Tôi và cả nhà giao tiếp bằng ngôn ngữ hình thể", cô Nagre cho hay.
Ở Hàn Quốc, trong khi đàn ông được hoàn toàn nghỉ ngơi trong những dịp lễ, Tết thì người phụ nữ phải nắm giữ vai trò chủ đạo trong công việc nội trợ, chăm sóc gia đình. Vì lẽ đó nên phụ nữ Hàn thường xuyên rơi vào cảnh căng thẳng mỗi dịp gia đình đoàn tụ.
Theo công ty nghiên cứu thị trường M-Brain Trend Monitor với 1.000 nam và nữ trong độ tuổi từ 19 tới 59, thì có 88% cho rằng, Tết Trung Thu là thời điểm phụ nữ rất vất vả. 69% cho rằng đó là ngày lao động khổ sai với phụ nữ.
Đa phần phụ nữ ngoại quốc chưa quen với văn hóa gia trường ở Hàn Quốc, các dịp lễ, Tết là một gánh nặng với họ.
"Ở Campuchia, phụ nữ và đàn ông cùng chuẩn bị đồ ăn. Trong khi đó, ở Hàn Quốc, đàn ông hầu như không bao giờ giúp phụ nữ làm việc gia đình", cô Nagre kể.
Cũng giống như Nagre, cô Nena, một phụ nữ Philippines, 44 tuổi, sống cùng người chồng Hàn Quốc và hai con trong độ tuổi thiếu niên rất sợ mỗi dịp Trung Thu về khi ở xứ Hàn. Với cô, thách thức nhất trong lễ Chuseok là việc chuẩn bị đồ ăn cho "charye" (nghi thức cổ truyền với việc chuẩn bị rất nhiều món ăn để tưởng nhớ tổ tiên).
Phụ nữ nước ngoài tìm hiểu để làm bánh gạo hình bán nguyệt trước kỳ nghỉ Chusok ở Hàn Quốc. |
"Chúng tôi đi mua sắm và bắt đầu chuẩn bị ít nhất là một tuần trước khi Tết Trung Thu bắt đầu. Trước đây, tôi thường bị la mắng vì không biết làm, chuẩn bị mọi việc theo đúng chuẩn nghi lễ ở đây", cô Nena, người yêu cầu giấu tên thật kể lại.
Trong kỳ nghỉ lễ Chuseok, có nhiều quy định nghiêm ngặt xung quanh mâm cúng tổ tiên buộc các bà nội trợ phải tuân thủ. Trong đó, có nghi thức sử dụng gạo mới được gặt trong vụ thu hoạch năm nay để chế biến nhiều món ăn cầu kỳ.
“Việc phải ngồi làm bánh nhiều tiếng khiến tôi như thể sắp gãy lưng. Tôi đã quen với cảnh đó trong nhiều năm nhưng không thể tránh khỏi cảm giác ám ảnh, tress mỗi khi kỳ nghỉ Chuseok đến gần”, bà Nena chia sẻ.
Và nỗi lo bị bạo lực
Theo dữ liệu của Chính phủ Hàn Quốc, tính đến cuối năm 2016, có 152.000 phụ nữ ngoại quốc kết hôn với chồng người Hàn Quốc và về làm dâu xứ Hàn. Trong số này, 84,3% (tương đương 128.000) là phụ nữ châu Á. Đa số là phụ nữ người Trung Quốc, chiếm 35,2%, tiếp theo là Việt Nam 31,5%, Nhật Bản 9,3%, Philippines 8,8% và Campuchia 3,4%.
Tuy nhiên, cuộc sống của những phụ nữ ngoại quốc về làm dâu xứ Hàn thật nhiều thách thức. Không chỉ phải chịu cảnh cô đơn vì xa nhà, những trở ngại trong ngôn ngữ hay văn hóa, các cô dâu ngoại quốc có thể còn phải đối mặt với nạn bạo lực gia đình.
Tính riêng năm 2013, ở Hàn Quốc có tổng cộng 123 phụ nữ bị chính chồng hay người yêu sát hại, theo số liệu từ đường dây nóng của Phụ nữ Hàn Quốc, một nhóm hoạt động nhằm ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình.
Chuyên gia từ các tổ chức Chính phủ và phi Chính phủ đều đồng tình cho rằng, phụ nữ nhập cư là những đối tượng đặc biệt dễ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình. Kết luận này được đưa ra dựa trên con số tương đối cao những vụ chết người liên quan đến phụ nữ nước ngoài ở quốc gia này những năm gần đây.
Theo một quan chức cấp cao của bộ Bình đẳng giới và Gia đình, ngôn ngữ và rào cản văn hóa là một phần nguyên nhân quan trọng gây ra tình trạng bạo hành gia đình.
Minh Minh (Theo koreaherald, Diplomat)