(ĐSPL) - Mùa mưa bắt đầu, tình trạng xâm nhập mặn tại các tỉnh miền Tây đã được cải thiện, nhiều diện tích đất nông nghiệp được rửa mặn và trồng trọt trở lại.
Thế nhưng, tại huyện Cù Lao Dung, vùng nguyên liệu mía lớn nhất tỉnh Sóc Trăng, tình trạng xâm nhập mặn vẫn diễn biến bất thường. Thực trạng này đang khiến người nông dân lao đao, khi hàng ngàn diện tích trồng mía liên tục chết. Bên cạnh đó, lợi dụng tình trạng mía chết hàng loạt, nhiều thương lái, cơ sở ươm giống đẩy giá mía giống lên cao, để bán cho nông dân nhằm trục lợi.
Nhiều diện tích mía của người dân bỏ chết khô dù niên vụ mía mới đã bắt đầu |
Mía xuống giống liên tục chết
Chiều 2/7, khi PV báo ĐS&PL có mặt tại huyện Cù Lao Dung, vùng nguyên liệu mía lớn nhất tỉnh Sóc Trăng, hiện ra trước mắt là hàng trăm diện tích trồng mía của nông dân đều chết khô. Khi dọc các ruộng mía, PV ghi nhận hàng đống cây mía được nông dân chặt bỏ, vứt trên ruộng.
Đi sâu vào các ruộng mía, PV thấy, tại nhiều mảnh ruộng, mía giống được nông dân mới chỉ trồng vài tuần cũng chết khô. Một điều dễ nhận ra, tại mảnh ruộng trồng mía này, không cây cỏ nào có thể mọc được.
Ngồi thẫn thờ trên ruộng mía hơn 1ha vừa mới giâm giống được hơn 1 tuần, anh Trần Văn Bình (ngụ xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung) ngán ngẩm nói: “Đến cỏ mọc còn không được nói gì cây mía. Trong khi các vùng khác, tình trạng xâm nhập mặn đã hết, nông dân đã trồng trọt trở lại, thì nông dân ở đây vẫn phải chịu đựng tình trạng xâm nhập mặn diễn biến bất thường”.
Ông Võ Quân (ngụ xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung) có hơn 20 năm gắn bó với nghiệp trồng mía, nhưng khi nhắc về cái nghiệp của mình, người đàn ông đã gần bước sang tuổi 60 ngậm ngùi: “Giờ mía ở đây không còn ngọt mà phải gọi là mía đắng”.
Ông ngán ngẩm: “Gia đình tôi có gần 1 ha đất trồng mía. Tính đến thời điểm hiện nay, gia đình đã xuống giống với số tiền gần 50 triệu đồng. Tuy nhiên, với tình trạng đất nhiễm mặn quá nặng như thế này thì chỉ cuối tuần này mía sẽ chết sạch”.
Ông Lê Văn Chiêu (nông dân trồng mía tại huyện Cù Lao Dung) cũng chia sẻ: “Hơn 25 năm trồng mía ở xứ này, đây là lần đầu tiên tôi thấy mặc dù mùa mưa kéo đến nhưng khi con nước ròng, thì muối đóng một lớp dọc theo bãi sình!”.
Theo lời ông Chiêu, sông Cồn Tròn là nơi cung cấp nước chính cho xứ Cù Lao Dung trồng mía. Tuy nhiên, nền đất Cù Lao Dung hiện giờ đã bằng với đáy sóng nên ở thời điểm đỉnh của đợt xâm nhập mặn vừa qua, nước mặn đã tràn với số lượng vào diện tích trồng mía của nông dân. Chính vì đất bị nhiễm mặn quá nặng, nên mới xảy ra cơ sự, dù mới vào vụ mía nhưng mía giống mới trồng đã chết hàng loạt.
Ông Chiêu cũng thú thật, những ngày qua, không chỉ ông mà hàng trăm hộ dân khác ở đây phải chấp nhận cảnh “nhìn mía chết mà không biết phải làm gì để khắc phục”. “Nếu tình trạng này còn kéo dài thì chắc chắn vùng nguyên liệu mía ở đây không còn nữa và sinh kế của hàng trăm, thậm chí của hàng ngàn hộ dân ở xứ này sẽ không còn”, ông Chiêu giãi bày.
Bỏ xứ đi làm thuê
Cũng chia sẻ với PV, ông Phạm Văn Thọ (một nông dân trồng mía tại xã An Thạnh 2) phản ánh: “Trong đợt xâm nhập mặn nghiêm trọng vừa qua, diện tích trồng mía của gia đình tôi chết sạch, gây thiệt hại gần 50 triệu đồng.
Một số hộ dân khác để cứu mía đã chặt bán sớm. Tuy nhiên, do mía không đủ trữ lượng đường, cây nhẹ nên bán với giá rẻ mạt (khoảng 500 – 700 đồng/kg). Chính vì thế, họ cũng lỗ cả chục triệu đồng cho mỗi ha mía”.
“Đầu niên vụ mía này, do đã cạn vốn, nên tôi cầm giấy tờ nhà vay 25 triệu đồng của ngân hàng để trồng mía giống với hy vọng sẽ gỡ gạc phần nào. Tuy nhiên, sau hơn 1 tuần trồng, mía giống đã chết sạch. Giờ đây, gia đình tôi lâm vào cảnh nợ nần, không biết đâu là lối thoát cho gia đình”, ông Thọ nói.
Mía dù mới xuống giống đã chết. |
Bà Nguyễn Thị Năm (ngụ xã An Thạnh 1, huyện Cù Lao Dung) chán chường: “Ngoài việc đối mặt với tình trạng mía chết do tình trạng xâm nhập mặn vào nội đồng quá nặng, các hộ trồng mía đang đối diện với tình trạng mía giống tăng cao.
Đầu niên vụ này, đa số các hộ dân trồng mía ở Cù Lao Dung đều xuống giống, với hy vọng gỡ gạc đợt thiệt hại nặng trước đó. Tuy nhiên, được vài ngày mía đều chết sạch. Trước tình trạng đó, người dân phải tiếp tục mua thêm.
Thấy nhu cầu cao nên các cơ sở, thương lái cung cấp mía giống đã đẩy giá mía giống lên cao. Hiện, để mua được mía giống, nông dân phải bỏ ra số tiền 2 – 5 ngàn đồng/kg, trong khi mía giống giá bình thường chỉ có 1 – 1,5 ngàn đồng/kg”. “Mặc dù giá cao như vậy, nhưng hiện mía giống ở Cù Lao Dung đã không còn.
Nông dân phải sang các tỉnh khác như Hậu Giang mới mua được. Tuy nhiên, giá còn cao hơn. Thực tế này đang khiến người nông dân trồng mía như chúng tôi đã khó khăn nay càng thêm khó khăn”, bà Năm buồn bã nói.
Vì không còn khả năng mua mía giống sau 2 lần thất bại, anh Hồ Văn Hải (ngụ xã Đại Ân 1) quyết định bỏ hoang mảnh đất trồng mía hơn 15 năm của mình. Anh chua chát: “Giờ gia đình tôi không trông cậy gì vào cây mía nữa. Do lỡ vay mượn tiền từ ngân hàng để trồng mía nên giờ mía giống chết nên tôi quyết định sẽ lên TP.HCM làm thuê, làm mướn kiếm tiền trả nợ. Nếu như thế này hoài, nhà cửa sẽ bị ngân hàng siết, vợ con chết đói”.
Cũng theo ghi nhận của PV, hiện, rất nhiều người trẻ vì không có công việc làm từ nghề trồng mía đã lên các tỉnh phía Nam đi làm công nhân để mưu sinh, kiếm tiền giúp cha mẹ trả nợ vì trồng mía.
Em Nguyễn Thị Thu (ngụ xã Thạnh An 2) buồn bã chia sẻ: “Giữa tuần này em sẽ lên Bình Dương làm công nhân, bởi gia đình thiệt hại quá lớn từ đợt xâm nhập mặn vừa qua. Những ngày qua, do diện tích hơn 2 ha mía giống của gia đình đã chết, không thể cứu nên bố mẹ em đã bỏ qua tỉnh khác để làm thuê, làm mướn. Do em đã trên 18 tuổi, nên quyết định theo vài người bạn tại địa phương lên Bình Dương làm công nhân. Sau lần này, em không biết là gia đình em còn theo nghiệp trồng mía nữa hay không”.
Theo thông tin ghi nhận của PV, tại huyện Phụng Hiệp – vùng trồng mía lớn nhất của tỉnh Hậu Giang với gần 7.560 ha, mía cũng bị chết do tình trạng nhiễm mặn và bệnh gỉ sắt do thiếu nước tưới. Bên cạnh đó, nhiều diện tích trồng mía tại huyện Thới Bình, một trong những nơi có diện tích trồng mía lớn nhất của tỉnh Cà Mau với hơn 400 ha, cũng đang xảy ra tình trạng mía chết do tình trạng đất trồng vẫn còn bị nhiễm mặn.
Nỗ lực tìm cách tháo gỡ cho người dân NN&PTNT huyện Cù Lao Dung cho Ông Hồ Thanh Kiệt – Trưởng phòng biết: “Trong niên vụ mía 2016 – 2017, diện tích trồng mía của tỉnh Sóc Trăng là 7.200 ha. Riêng huyện Cù Lao Dung có diện tích trồng mía với khoảng 6.500 ha. Tuy nhiên, do tình trạng xâm nhập mặn vào nội đồng diễn biến bất thường, nên khiến cho gần 200 ha mía bị thiệt hại nặng, nhiều diện tích bị mất trắng. Trước tình trạng này, ngành nông nghiệp địa phương đang tìm cách tháo gỡ cho người nông dân. Nếu tình trạng xâm ngậm mặn không cải thiện thì địa phương sẽ có phương án chuyển đổi cây trồng cho nông dân. Hiện sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng đang tìm cách tháo gỡ cho sinh kế của người nông dân” |
QUỐC HUY
Video tin tức được xem nhiều:
[mecloud]DmswNm8fjN[/mecloud]