(ĐSPL) – UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định chi hơn 3 tỷ đồng để đào tạo, bồi dưỡng cho những giáo viên THCS trong diện được điều chuyển dạy Mầm non và Tiểu học.
Theo tin tức trên báo Dân trí, nhằm trang bị cho giáo viên THCS có đầy đủ kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng lực sư phạm và phương pháp dạy học, đáp ứng được yêu cầu giảng dạy của bậc Mầm non và Tiểu học, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên THCS được điều chuyển dạy mầm non, tiểu học năm học 2016 - 2017.
Báo Thanh Hóa cũng đưa tin, hình thức đào tạo tập trung trong thời gian 6 tuần tại Trường Đại học Hồng Đức. Tổng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng là hơn 3 tỷ đồng, gồm kinh phí xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu giảng dạy (hơn 110 triệu đồng); chi phí quản lý, thù lao giảng dạy, ra đề, coi thi, chấm thi, xét cấp giấy chứng nhận (hơn 1 tỷ đồng); sinh hoạt phí, lưu trú, tài liệu, nước uống (hơn 1,9 tỷ đồng). Nguồn kinh phí này được trích từ nguồn sự nghiệp giáo dục và đào tạo trong dự toán ngân sách tỉnh năm 2016, 2017.
UBND tỉnh Thanh Hóa chi hơn 3 tỷ đồng để đào tạo giáo viên THCS về dạy Mầm non, Tiểu học. (Ảnh: Dân trí) |
Trong văn bản, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Trường ĐH Hồng Đức lập kế hoạch chi tiết thời gian tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kịp thời đáp ứng nhu cầu giáo viên tại các trường Mầm non, Tiểu học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố lập danh sách giáo viên THCS được điều chuyển dạy Mầm non, Tiểu học tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng.
Đồng thời, phối hợp với Trường ĐH Hồng Đức quản lý chặt chẽ học viên trong suốt quá trình tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng; thường xuyên tổ chức thanh kiểm tra, giám sát quá trình đào tạo, bồi dưỡng; phối hợp với Sở Nội vụ và các đơn vị có liên quan để giải quyết kịp thời những phát sinh, vướng mắc của học viên, cơ sở đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.
Trường ĐH Hồng Đức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ cho học viên theo kế hoạch và chương trình đã được phê duyệt, đảm bảo chất lượng, hiệu quả và đúng quy định hiện hành của pháp luật; phối hợp với các đơn vị liên quan lập dự toán kinh phí, quản lý học viên trong suốt quá trình đào tạo, xem xét tạo điều kiện bố trí nơi lưu trú cho học viên ở xa trong ký túc xá của nhà trường...
Điều 5. Yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục (Luật Giáo dục năm 2005) 1. Nội dung giáo dục phải bảo đảm tính cơ bản, toàn diện, thiết thực, hiện đại và có hệ thống; coi trọng giáo dục tư tưởng và ý thức công dân; kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; phù hợp với sự phát triển về tâm sinh lý lứa tuổi của người học. 2. Phương pháp giáo dục phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, tư duy sáng tạo của người học; bồi dưỡng cho người học năng lực tự học, khả năng thực hành, lòng say mê học tập và ý chí vươn lên. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |
(tổng hợp)