Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố con số “giật mình” là 72 dự án với tổng số vốn đầu tư 42.000 tỷ đồng có dấu hiệu không hiệu quả.
Trong bối cảnh các nguồn thu từ bán tài sản, tài nguyên quốc gia, từ thuế nhập khẩu, tài nguyên đang giảm dần, thì việc đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả đang gây ra nhiều tổn thất cho ngân sách Nhà nước. Cải thiện hiệu quả đầu tư công chính là một yêu cầu quan trọng trong cải cách nền tài chính công của Việt Nam.
Kỷ luật ngân sách chưa nghiêm
Các chuyên gia kinh tế đã nhiều lần cảnh báo, vấn đề kỷ luật ngân sách của Việt Nam không nghiêm ngay từ khâu lập dự toán, tổ chức thực hiện và chế độ giám sát trong suốt quá trình thực hiện là những nguyên nhân gây ra tình trạng lãng phí, thất thoát trong đầu tư công như hiện nay.
Theo PGS.TS Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình trạng lãng phí, thất thoát trong đầu tư công thể hiện ở việc chi chưa đúng chế độ, chính sách, không bố trí đủ nguồn vốn, chất lượng công trình thấp trong đầu tư xây dựng vẫn chưa được giải quyết triệt để.
“Một số bộ, ngành Trung ương và địa phương vẫn đề xuất khởi công mới các dự án, trong khi chưa cân đối đủ nguồn vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản. Hoặc mức vốn bố trí quá thấp, không bảo đảm hoàn thành dự án theo đúng thời gian và tiến độ đã phê duyệt”, PGS.TS Bùi Tất Thắng nói.
Bên cạnh đó, tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, hiệu quả thấp vẫn chưa được khắc phục. PGS.TS Bùi Tất Thắng cũng chỉ rõ, nhiều dự án dở dang, thời gian thi công kéo dài, chậm tiến độ đã tăng tổng mức đầu tư, gây lãng phí thất thoát nguồn lực tài chính nhà nước chưa được xử lý triệt để.
Một số dự án có thể kể đến như dự án xây dựng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây với tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng thêm hơn 10.700 tỷ đồng; trong đó, điều chỉnh lần đầu tăng 6.000 tỷ đồng và lần hai tăng thêm 4.738 tỷ đồng. Hay dự án xây dựng đường nối từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân điều chỉnh từ 4.956 tỷ đồng lên 6.742 tỷ đồng.
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 một số đoạn thi công dang dở, tắc nghẽn kéo dài, nguy cơ chậm tiến độ. Ảnh: Trung Nguyên/TTXVN |
Hoặc hàng loạt các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long qua hai lần điều chỉnh cũng đã tăng tổng mức đầu tư hơn gấp đôi, từ 1.318 tỷ đồng lên 2.839 tỷ đồng; dự án nâng cấp Quốc lộ 10 đoạn Ninh Phúc - cầu Điền Hộ (Ninh Bình) tăng 103,5% với việc tăng vốn từ 825,7 tỷ đồng lên 1.680 tỷ đồng.
Chuyên gia Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng đã từng ví von đầu tư công là "chùm khế ngọt" nên có tâm lý tiêu cho hết dự phòng và "ăn" cả ngoài vốn dự phòng
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng từng nhận định, vẫn còn tình trạng phân bổ vốn đầu tư cho dự án không đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chí theo quy định, thủ tục đầu tư chưa được hoàn thiện; bố trí vốn dàn trải, kéo dài thời gian thực hiện so với quy định. Bên cạnh đó, chuẩn bị phương án phân bổ vốn chậm; chưa thực hiện nghiêm nguyên tắc ưu tiên bố trí đủ vốn đối ứng cho các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi.
Đặc biệt, một số đơn vị vẫn phê duyệt dự án vượt quá khả năng cân đối vốn của ngành và địa phương, dẫn đến chậm tiến độ, phát sinh nợ đọng. Bên cạnh đó, phê duyệt dự án đầu tư không phù hợp, không đồng bộ, hiệu quả kém, nghiệm thu, thanh toán không đúng thực tế thi công, gây lãng phí vốn.
Dưới góc độ khác, ông Aaron Batten, Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức trên 6% hiện nay cao hơn mức bình quân khu vực ASEAN. Tuy nhiên, tăng trưởng của Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ vì chủ yếu dựa vào vốn đầu tư theo chiều rộng, thay vì dựa vào năng suất hay sự sáng tạo. Để có thể duy trì tăng trưởng bền vững, Việt Nam cần ưu tiên thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, hiệu quả.
Ông Aaron Batten cũng cho biết, Việt Nam là nước có tỷ lệ đầu tư công cao, ở mức từ 8 – 10% GDP đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cao gấp đôi các nước ASEAN và gấp ba lần so với nhiều nước phát triển. Tuy nhiên, chất lượng đầu tư công của Việt Nam không cao. Trong đó, vấn đề đầu tiên cần giải quyết là nâng cao hiệu quả đầu tư công. Với hệ số ICOR khoảng 5,2, nghĩa là Việt Nam phải đầu tư 5,2 đồng mới đạt được 1 đồng tăng trưởng, trong khi các nước trong khu vực chỉ đầu tư ở mức 3 – 4 đồng.
Ông Aaron cũng chỉ ra, với tình hình ngân sách hiện nay, xu hướng đầu tư công cao để thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam khó có thể tiếp tục.
Cải cách mạnh mẽ
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn chỉ rõ, đây là một thách thức với Việt Nam khi đầu tư công/GDP cao mà hiệu quả lại thấp.
PGS.TS Bùi Tất Thắng cho rằng, để tránh việc lãng phí, thất thoát trong đầu tư công thì phải cải cách mạnh mẽ quản lý đầu tư công ở tất cả các khâu của chu kỳ dự án. Theo đó, là nâng cao chất lượng công tác lập và quản lý quy hoạch phát triển làm căn cứ xây dựng các chương trình và kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đồng thời, sớm hoàn thiện và trình Quốc hội ban hành Luật Quy hoạch theo hướng đổi mới cách thức lập và quản lý, khắc phục những bất cập trong công tác quy hoạch hiện nay.
Ở khâu lựa chọn dự án, PGS.TS Bùi Tất Thắng nhấn mạnh, nhất thiết phải được tiến hành bằng hình thức đấu thầu công khai. Việc xét thầu cần thông qua cách tổ chức hội đồng xét thầu độc lập và chuyên nghiệp; trong đó, đặc biệt chú trọng khía cạnh công nghệ kỹ thuật, thời gian và tài chính. Các cơ quan quản lý nhà nước trên cơ sở kết quả thẩm định của hội đồng này để quyết định lựa chọn người thắng thầu và xác định nội dung (các điều khoản) của hợp đồng và giám sát thực hiện dự án công khai, minh bạch thông tin đối với đầu tư công.
Kinh tế trưởng ADB, ông Aaron Batten thì cho rằng, để cải thiện hiệu quả đầu tư công thì giải pháp thu hút đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng rất đáng quan tâm.
Theo ông Aaron, nên sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi để làm vốn mồi để thu hút đầu tư tư nhân. Bên cạnh đó, sử dụng bảo lãnh Chính phủ một cách có trọng tâm, trọng điểm, thay vì sử dụng thiếu kiểm soát như trước đây.
Kinh tế trưởng của ADB cũng ủng hộ việc siết chặt bảo lãnh Chính phủ và cần có quy định rõ ràng để quản lý việc bảo lãnh không gây ra nghĩa vụ dự phòng với ngân sách Nhà nước.
Đưa ra giải pháp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, việc quan trọng mà Chính phủ đã làm và sẽ làm đó là tăng cường quản lý dự án đầu tư công ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư, khắc phục tình trạng chuẩn bị sơ sài và quyết định chủ trương đầu tư theo cảm tính, gây lãng phí, thất thoát vốn. Cùng với đó, khắc phục tình trạng cố tình kéo dài thời gian bố trí vốn của các dự án dở dang, để dành vốn bố trí thêm các dự án mới trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Mặt khác, cần phải quan tâm đến bố trí vốn đầu tư tập trung, tránh phân tán, dàn trải; không để tình trạng chậm giao vốn, chậm triển khai thực hiện kế hoạch năm 2017.
"Các dự án sử dụng vốn Nhà nước lãng phí, kém hiệu quả sẽ được chỉ đạo, xử lý ngay; làm rõ và xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân gây chậm trễ việc thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2017," Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.