Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chính thức giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, đề xuất hướng sửa đổi Luật Đầu tư công. Đích thân Thủ tướng cũng sẽ chủ trì một cuộc làm việc về những vấn đề liên quan tới dự án Luật Quy hoạch trước khi trình Quốc hội thông qua.
Sáng 4/7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ tiếp tục họp phiên thường kỳ tháng 6/2017, tập trung vào công tác xây dựng thể chế, chính sách pháp luật. Một trong những vấn đề được các thành viên Chính phủ dành nhiều thời gian thảo luận là các luật cần sửa đổi, bổ sung liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư kinh doanh và quy hoạch.
Thủ tướng nhấn mạnh “tạo sự thông thoáng trong thương mại” là yêu cầu rất lớn hiện nay. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Trong báo cáo mới đây, sau khi rà soát bước đầu, Bộ Tư pháp đã đề xuất sửa đổi bổ sung 14 luật và ban hành 2 luật mới. Còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đề nghị sửa đổi, bổ sung 32 luật liên quan tới dự thảo Luật Quy hoạch.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết qua tổng hợp ý kiến các Bộ ngành, việc tiếp tục rà soát, sửa đổi toàn diện các quy định liên quan tới đầu tư kinh doanh là cần thiết. Đặc biệt, theo yêu cầu cải cách, đổi mới của các Nghị quyết Trung ương 5 vừa qua thì số lượng luật cần sửa có thể nhiều hơn, các vấn đề sửa đổi có thể mạnh mẽ hơn, thậm chí “đụng chạm hơn” tới các bộ ngành.
Chuyện “quả trứng con gà” trong Luật Đầu tư công
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, có 3 nhóm vấn đề nổi lên qua rà soát các luật cần sửa đổi, bổ sung liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư kinh doanh và quy hoạch.
“Trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng có những quy định “quả trứng con gà” trong Luật Đầu tư công. Muốn thẩm định vốn phải có quyết định đầu tư, nhưng muốn có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư thì phải có thẩm định vốn. Vậy cái gì có trước?”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề và cho rằng cần rà soát kỹ lưỡng Luật này với sự tham gia của nhiều Bộ và lấy ý kiến rộng rãi các địa phương.
Nhóm vấn đề thứ hai liên quan tới dự án Luật Quy hoạch, khi trình Quốc hội thì đại diện một số Bộ vẫn có ý kiến khác.
Nhóm vấn đề thứ ba, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, là các quy định liên quan tới điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu. Cần tiếp tục rà soát các quy định này. Hiện tỷ lệ hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành lên tới 35% là quá cao và Chính phủ đã đặt mục tiêu kéo giảm xuống còn 15%.
Trong khi đó, tỷ lệ lô hàng phát hiện vi phạm rất ít, như ở Cục Hải quan TPHCM chỉ phát hiện 0,04% lô hàng vi phạm an toàn thực phẩm. Hơn nữa, theo Bộ Tài chính, nhiều bộ đưa danh mục hàng hóa phải kiểm tra nhưng không có tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể, gây khó cho doanh nghiệp.
Cùng quan điểm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa một số ví dụ cho thấy yêu cầu phải sửa đổi các luật liên quan tới đầu tư, kinh doanh, nhất là Luật Đầu tư công. Chẳng hạn, với các di tích quốc gia đặc biệt thì dù tu sửa rất nhỏ, địa phương cũng phải lên Trung ương xin ý kiến.
Theo Phó Thủ tướng, Nghị quyết 19 năm 2017 đã giao 200 nhiệm vụ rất cụ thể để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và mới đây, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã tăng tới 12 bậc, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục cải thiện, các Bộ trưởng phải vào cuộc mạnh mẽ hơn.
Trước đó, Tổ công tác của Thủ tướng cũng đã kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư công. Vì qua các buổi kiểm tra, hầu hết các bộ, cơ quan, địa phương đều nêu một số bất cập của Luật.
Phát biểu về vấn đề này tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng Luật Đầu tư công là một bước tiến mạnh mẽ để giảm đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí, mặt tích cực là chính nhưng về thủ tục có phần chưa thật thuận lợi, thông thoáng trong thực thi.
Còn dự án Luật Quy hoạch, theo Bộ trưởng, là câu chuyện rất dài và cho đến nay các ý kiến đều thống nhất về sự cần thiết ban hành, chỉ còn một vài ý kiến khác, cần hoàn chỉnh thêm. Vấn đề là cần xem xét có bao nhiêu luật cần sửa đổi bổ sung cho phù hợp, thống nhất, bảo đảm khả thi khi Luật này có hiệu lực.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm, trong 32 luật có liên quan dự án Luật Quy hoạch mà Bộ đề xuất sửa đổi, có khoảng 7 luật chỉ cần sửa đổi 1-2 điều về từ ngữ. Có 5 luật liên quan sẽ được sửa trong một dự án luật sửa đổi các luật liên quan tới đầu tư, kinh doanh. Còn 20 luật khác, Bộ đề xuất giao các Bộ theo chức năng, nhiệm vụ của mình chủ trì rà soát, đề xuất hướng sửa đổi.
“Thể chế, thể chế và thể chế”
Kết luận nội dung thảo luận này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc xây dựng thể chế, luật pháp là vấn đề rất quan trọng. “Thể chế, thể chế và thể chế. Nếu thể chế cứ ràng buộc, không tạo điều kiện theo cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN thì xã hội không phát triển được. Thể chế do người ta nghĩ ra nhưng người ta lại sợ nó nếu không có tư duy đổi mới sáng tạo, đi vào lạc hậu”, Thủ tướng nói.
Đi vào cụ thể các quy định về đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư kinh doanh, nhấn mạnh “tạo sự thông thoáng trong thương mại” là yêu cầu rất lớn hiện nay, Thủ tướng chỉ đạo rà soát lại các điều kiện kinh doanh. Trừ các lĩnh vực mà Quốc hội, Chính phủ có ý kiến chính thức về điều kiện kinh doanh, còn lại không được đặt ra những điều kiện kinh doanh để ràng buộc sự phát triển của thương mại và đầu tư.
Còn thủ tục kiểm tra chuyên ngành nếu có thì phải tạo môi trường kinh doanh tốt nhất, không gò bó, trói buộc trong phát triển. “Các đồng chí phải bám vào Nghị quyết 19, bám vào 200 loại công việc để nâng môi trường kinh doanh Việt Nam lên”, Thủ tướng nêu rõ. Tinh thần là cái gì liên quan đến đất đai, sản xuất, kinh doanh mà còn ràng buộc thì phải sửa đổi.
Thủ tướng cũng có kết luận về 2 vấn đề được thảo luận nhiều tại phiên họp là dự án Luật Quy hoạch và việc thực hiện Luật Đầu tư công.
Về dự thảo Luật Quy hoạch, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không được chủ quan, duy ý chí để quy hoạch rối rắm. Không thể bỏ việc quy hoạch như quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch hạ tầng cứng như điện, giao thông…, nhưng cũng cần chọn cái gì cần quy hoạch để giảm số lượng quy hoạch, không thể để tình trạng đất nước có tới 20.000 quy hoạch mà tốn kém, hiệu quả thấp.
Yêu cầu các thành viên Chính phủ, các Bộ phải chấp hành các nội dung đã được Chính phủ quyết nghị, “không vì quyền lợi của đơn vị nào, cá nhân nào mà phát biểu ý kiến khác”, Thủ tướng nêu rõ về cơ bản không xem lại nội dung dự án Luật Quy hoạch. Song còn một số vấn đề vướng mắc, đích thân Thủ tướng sẽ chủ trì buổi làm việc với các Bộ để xử lý với tinh thần hết sức cầu thị, lắng nghe, tiếp thu tối đa trước khi trình Quốc hội thông qua dự án Luật này.
Về Luật Đầu tư công, Thủ tướng đánh giá về cơ bản tốt nhưng khi thực hiện thì có những vướng mắc gây chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công.
“Hôm nay, Thủ tướng chính thức giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ liên quan rà lại, báo cáo Chính phủ trước 30/7 về những vướng mắc trong Luật Đầu tư công để trình Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét chỉnh sửa”, Thủ tướng nêu rõ. Tinh thần là tạo điều kiện phân cấp, quản lý, giao quyền và trách nhiệm rõ hơn cho bộ, ngành, địa phương.