Theo báo Dân trí, khảo sát biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm hơn 30 ngân hàng thương mại, tính đến ngày 1/1, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tiền gửi tại quầy trung bình ở mức 5%/năm, giảm 0,2 điểm % so với đầu tháng 12/2023 và giảm 3,4 điểm % so với đỉnh của năm trước.
Lãi suất huy động vẫn tiếp tục trong xu hướng giảm từ đầu năm 2023 đến nay. Đến đầu tháng 1, trung bình lãi suất kỳ hạn 1 tháng ở mức 3,1%/năm; 3 tháng là 3,3%/năm; 6 tháng là 4,4%/năm; 9 tháng là 4,5%/năm.
Tính riêng kỳ hạn 12 tháng tiền gửi tại quầy, VietBank đang là "quán quân" lãi suất tiền gửi với mức 5,6%/năm. Theo sau là 5 đơn vị khác cùng có mức lãi 5,5%/năm là BaoVietBank, HDBank, KienlongBank, Nam A Bank và BVBank.
Một số ngân hàng khác như Dong A Bank, OCB, Eximbank, SHB, Bac A Bank... niêm yết lãi suất kỳ hạn 12 tháng quanh mốc 5,3 - 5,1%/năm.
Ở hướng ngược lại, nhiều nhà băng hạ lãi suất kỳ hạn 12 tháng về mức dưới 5%/năm. Nếu như đầu tháng 12, có 6 đơn vị niêm yết mức lãi suất dưới 5% thì sang đến đầu tháng 1 đã tăng lên 10 đơn vị.
Trong đó, ABBank đang có mức lãi thấp nhất chỉ với 3,8%/năm. MSB và ACB cùng có mức lãi 4,6%/năm. Techcombank niêm yết tại 4,75%/năm.
Nhóm ngân hàng quốc doanh (Agribank, BIDV, VietinBank và Vietcombank) từ cuối tháng 12 đã đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất huy động ở các kỳ hạn dưới 12 tháng, đưa lãi suất về thấp nhất từ trước tới nay.
Cụ thể, hiện lãi suất huy động thấp nhất vẫn thuộc về Vietcombank với 1,9%/năm, kỳ hạn 1 - 2 tháng. Lãi suất huy động cao nhất tại Vietcombank chỉ 4,8%/năm đối với kỳ hạn 12 - 24 tháng.
Theo báo Tiền Phong, Chứng khoán VNDirect nhận định, lãi suất huy động sẽ tiếp tục xu hướng giảm trong năm 2024. Lãi suất huy động đã xuống thấp hơn giai đoạn COVID-19 do thanh khoản hệ thống dư thừa, nhu cầu tín dụng yếu.
“Chúng tôi kỳ vọng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng sẽ duy trì ở mức thấp khoảng 5%/năm từ cuối năm 2023 đến cuối năm 2024", VNDirect nhìn nhận.
Báo cáo chiến lược mới nhất của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, so với cuối năm 2022, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn trung bình toàn hệ thống giảm từ 2 - 2,9 điểm %, tùy từng kỳ hạn.
Với diễn biến này, VCBS cho rằng, hiện mặt bằng lãi suất huy động đã giảm sâu về mốc trước dịch COVID-19 và còn ít dư địa để giảm thêm. Tuy nhiên, trong giai đoạn nền kinh tế đang phục hồi, việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp sẽ được ưu tiên. Đồng thời, việc duy trì lãi suất huy động thấp trong thời gian đủ lâu cũng là điều kiện cần để kéo mặt bằng lãi suất cho vay đi xuống.
VCBS kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay có thể giảm thêm khoảng 1 - 1,5 % trong năm 2024. Trong đó, các ngân hàng sẽ cân nhắc hạ lãi suất cho một số nhóm doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh tốt để tái cấu trúc nợ, hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn.
Vân Anh(T/h)