Nhồi máu cơ tim cấp là hiện tượng hoại tử bất kỳ một lượng cơ tim nào đó do nguyên nhân thiếu máu cục bộ. Việc điều trị nhồi máu cơ tim cấp cần thực hiện khẩn trương và đúng cách nhằm làm giảm tối đa tỷ lệ tử vong và các biến chứng do bệnh lý này gây ra.
Nhồi máu cơ tim cấp |
Dấu hiệu nhồi máu cơ tim cấp là gì?
Bác sĩ Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn cho biết người bệnh có thể nhận biết cơn nhồi máu cơ tim cấp qua các dấu hiệu đặc trưng như:
- Cơn đau thắt ngực điển hình: triệu chứng đau như bóp nghẹt ở phía sau xương ức hoặc vùng trước tim, đau lan lên vai trái và mặt trong tay trái cho đến tận ngón đeo nhẫn và ngón út.
- Cơn đau thường xuất hiện đột ngột, kéo dài hơn 20 phút và không giảm ngay cả khi dùng nitroglycerin.
- Đau có thể lan lên cổ, vai, cằm, sau lưng, tay phải hoặc vùng thượng vị.
- Có trường hợp bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim mà không có hoặc ít cảm giác đau (thường hay gặp ở bệnh nhân sau mổ, người già, người bị đái tháo đường hoặc bị tăng huyết áp).
- Các triệu chứng khác: vã mồ hôi, khó thở, hồi hộp trống ngực, nôn hoặc buồn nôn, lú lẫn, tái nhợt da, lạnh đầu chi, ... Các triệu chứng này phản ánh tình trạng tụt áp hay trụy tim mạch.
Điều trị nhồi máu cơ tim cấp như thế nào?
Nhồi máu cơ tim cấp là một siêu cấp cứu, người bệnh cần được đưa ngay đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được xử trí đúng, nhanh. Với các điều trị ban đầu, người bệnh được nằm bất động tại giường, thở oxy, dùng các thuốc cần thiết như thuốc giảm đau, thuốc chống ngưng kết tiểu cầu, nitroglycerin, thuốc chống đông. Bên cạnh đó, người bệnh còn được thực hiện các biện pháp như tiêu huyết khối, can thiệp động mạch vành qua da, phẫu thuật bắc cầu nối chủ - vành cấp cứu để tái tưới máu cơ tim. Sau khi được cấp cứu thành công, người bệnh tiếp tục được theo dõi, dùng thuốc cùng với chế độ ăn uống, luyện tập phù hợp.
Bác sĩ Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn |
Điều trị ban đầu
Khẩn trương đánh giá tình trạng bệnh nhân và chuyển ngay đến những cơ sở có thể điều trị tái tưới máu. Các biện pháp chung, ban đầu cho mọi bệnh nhân là:
Bệnh nhân phải được bất động tại giường.
Thở oxy: với liều 2 - 4 lít/phút qua đường mũi vì nhồi máu cơ tim cấp thường kèm theo thiếu oxy. Một số trường hợp suy hô hấp nặng cần phải đặt nội khí quản và cho thở máy phù hợp.
Thuốc giảm đau: Morphin sulphat là thuốc được lựa chọn hàng đầu, liều dùng từ 2 - 4 mg tiêm tĩnh mạch, nhắc lại sau 5 - 10 phút nếu bệnh nhân vẫn đau. Chú ý nhịp thở của bệnh nhân và nhịp tim.
Nitroglycerin (0,4 mg) ngậm dưới lưỡi, có thể nhắc lại sau mỗi 5 phút. Cần chú ý huyết áp: nếu huyết áp tối đa còn > 90 mmHg là tốt. Tiếp theo thiết lập ngay đường truyền tĩnh mạch và truyền Nitroglycerin với tốc độ 10 mcg/phút, có thể chỉnh liều theo con số huyết áp của người bệnh. Lưu ý là Nitroglycerin có thể gây nhịp chậm và không dùng khi có nhồi máu cơ tim thất phải.
Thuốc chống ngưng kết tiểu cầu: Theo Dược sĩ giảng viên Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn cho ngay Aspirin bằng đường uống dạng không bọc, với liều nạp từ 160 - 325 mg hoặc có thể cho bằng đường tiêm tĩnh mạch 500mg, có thể bằng dạng gói bột Aspegic. Nếu bệnh nhân có tiền sử loét dạ dày tá tràng đang tiến triển thì có thể thay bằng Ticlopidine (Ticlid) 250 mg x 2 viên/ngày hoặc Clopidogrel (Plavix) cho ngay 300 mg sau đó duy trì 75 mg/ngày.
Thuốc chống đông: Heparin tiêm tĩnh mạch liều 65 - 70 đơn vị/kg sau đó duy trì liều 15-18 đơn vị/kg/giờ.
Thuốc chẹn beta giao cảm: Thuốc hay dùng là Metoprolol tiêm tĩnh mạch 5mg, nhắc lại mỗi 5 phút cho đến tổng liều là 15mg, tiếp tục cho uống 25 - 50 mg. Các thuốc khác có thể dùng là Atenolol, Esmolol. Không dùng các thuốc này khi bệnh nhân có dấu hiệu suy tim nặng, nhịp tim chậm <60 lần/phút, huyết áp tâm thu <90 mmHg, blốc nhĩ thất độ cao, bệnh phổi tắc nghẽn, bệnh mạch ngoại vi nặng.
Điều trị tái tưới máu
Can thiệp động mạch vành trong giai đoạn cấp cứu (nong, đặt Stent) chỉ định trong trường hợp bệnh nhân có chống chỉ định của thuốc tiêu huyết khối hoặc có tình trạng huyết động không ổn định (sốc tim) hoặc có rối loạn nhịp tim. Can thiệp khi dùng thuốc tiêu huyết khối thất bại: tức là sau khi dùng thuốc tiêu huyết khối mà bệnh nhân vẫn còn đau ngực, lâm sàng không ổn, đoạn ST vẫn chênh lên trên điện tâm đồ thì có chỉ định can thiệp động mạch vành. Khi can thiệp động mạch vành cấp cần dùng phối hợp với các thuốc:
- Aspirin liều 325mg/ngày: thời gian dùng kéo dài, phối hợp với Ticlopidine (Ticlid) 250mg x 2 lần/ngày trong nửa tháng hoặc Clopidogrel (Plavix) 75 mg/ngày;
- Các thuốc ức chế thụ thể GP IIb/IIIa (ReoPro, Aggrastat, ...) là những thuốc chống ngưng kết tiểu cầu triệt để. Khi dùng cùng với can thiệp động mạch vành cấp làm giảm đáng kể tỷ lệ tai biến do can thiệp và tỷ lệ tắc mạch sau can thiệp.
- Heparin là cần thiết trong khi can thiệp. Nếu can thiệp kết quả thành công có thể xét dừng Heparin sau can thiệp.
Mổ làm cầu nối chủ - vành cấp cứu
Chỉ định trong trường hợp bệnh nhân đau ngực tái phát sau dùng tiêu huyết khối hoặc động mạch vành không thích hợp cho can thiệp (tổn thương nhiều thân, tổn thương thân chung, tổn thương phức tạp, ...) hoặc can thiệp thất bại, bệnh nhân có những biến chứng cơ học, ...
Trên đây là những chia sẻ về bệnh học nhồi máu cơ tim cấp của Bác sĩ giảng viên Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn, chúc các bạn có một sức khỏe tốt.
Linh Lan