Trẻ lớn lên có hiếu thuận hay không là do sự dạy dỗ của bố mẹ từ khi còn nhỏ, bởi vậy nếu con có các dấu hiệu không hiếu thuận thì bạn cần chỉnh ngay từ bây giờ kẻo muộn.
4 tín hiệu trẻ sau này không hiếu thuận
Nếu trong cách hành xử của con có một trong 4 dấu hiệu sau đây, bố mẹ hãy dành nhiều thời gian hơn nữa để sửa cho trẻ càng sớm càng tốt!
"Con à, đồ gì ngon trong nhà đều là của con" hay "Con yêu, vì con bố mẹ có thể hi sinh tất cả!", "Con chỉ cần học cho thật tốt, những việc khác cứ để mẹ lo"... Đó là những câu nói cửa miệng của rất nhiều các bậc phụ huynh hiện nay.
Họ cho rằng điều này sẽ tốt cho con mà không biết rằng làm như vậy con trẻ sẽ ngày càng tùy tiện, vòi vĩnh, không thấu hiểu và thương xót bố mẹ.
Việc nuôi dưỡng, hình thành nên một đứa trẻ hiếu thuận có liên quan mật thiết đến lời nói, hành động của mỗi bậc phụ huynh.
Một số hành vi của bố mẹ có thể trực tiếp dẫn đến sự hư hỗn, bất hiếu ở trẻ. Họ vận dụng nhiều cách khác nhau để giúp trẻ thành tài nhưng vô tình lại đưa con đến những cách hành xử thiếu tôn trọng, yêu thương bố mẹ.
Nếu phát hiện trẻ có 4 hành vi dưới đây, mỗi bậc phụ huynh cần ngay lập tức bỏ thời gian ra uốn nắn con.
1. Vô cớ cãi lời bố mẹ, khiến bố mẹ giận
Dùng những lời lẽ khó nghe phản bác lại, khiến bố mẹ giận, đó chính là biểu hiện thường gặp nhất ở trẻ chưa hiếu thuận với người sinh thành.
Hiện nay, không ít trẻ là con một. Các gia đình cũng không đông con nên người lớn thường nuông chiều, luôn cố gắng đáp ứng những mong muốn của trẻ, đặc biệt là ông bà nội ngoại. Đôi lúc không thỏa mãn yêu cầu của trẻ, các bé sẽ lập tức vùng vằng, giận dỗi để đòi cho bằng được.
Có những trẻ không hiểu chuyện, về mặt nói năng, giao tiếp, chúng thậm chí không dành cho bố mẹ sự tôn trọng tối thiểu, cố tình làm trái lại ý người lớn, bố mẹ nói một đằng, con nhất định làm một nẻo, mục đích duy nhất là khiến bố mẹ tức giận.
Đương nhiên, nói như vậy không có nghĩa là những đứa trẻ hiếu thuận nghe lời bố mẹ răm rắp.
Khi trẻ bắt đầu cãi lời, tỏ thái độ giận dữ với mình, các bậc phụ huynh cũng nên tự suy nghĩ lại, liệu bản thân mình đã sai ở điểm nào đó.
Nếu đúng là trẻ bắt đầu nóng nảy, tỏ thái độ chống đối, bố mẹ nên nhanh chóng hướng dẫn, dẫn dắt trẻ.
Khi bình tĩnh trở lại, cần nói chuyện nhẹ nhàng với con, hỏi con tại sao không vui, tại sao lại cãi lời người lớn. Hãy nhẫn nại để bảo ban con, giúp con điều chỉnh lối ứng xử, suy nghĩ đúng đắn hơn.
2. Không biết cảm ơn
Chúng ta thường xuyên nhìn thấy một bức tranh như thế này:
Sau khi ăn cơm xong, trẻ đẩy bát cơm ra và bỏ đi xem ti vi hoặc đi chơi, để mặc bố mẹ bận rộn thu dọn bát đũa.
Trong nhà có đồ ăn ngon, bố mẹ đều dành cho con thưởng thức, nhưng con rất ít khi mời bố mẹ ăn trước.
Con ốm, bố mẹ lo lắng quan tâm không rời mắt. Nhưng khi bố mẹ không khỏe, con rất ít khi hỏi thăm hoặc coi như không thấy...
Những đứa trẻ lớn lên trong bầu không khí như vậy, sẽ quen với việc đón nhận tình yêu thương, chăm sóc mà mọi người dành cho mình và sẽ cho rằng tình yêu mà mọi người dành cho mình là nghĩa vụ.
Theo lối suy nghĩ đó, trẻ không biết cách làm thế nào để chia sẻ yêu thương, hiếu thuận với những người sống bên mình.
Hãy dạy trẻ lối sống biết tri ân, cảm ơn, trân trọng những gì nhận được từ bố mẹ và người khác. Thái độ sống biết ơn sẽ hình thành nên đức tính tốt đẹp trong suốt cuộc đời trẻ.
Là bố mẹ, chúng ta nên dạy trẻ học cách biết ơn và việc này, cần phải uốn nắn ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Hãy bắt đầu từ những việc như:
Đừng hi sinh cho trẻ quá nhiều, cũng đừng can dự quá nhiều, tốt nhất là không nên giúp trẻ làm tất cả mọi việc.
Không cho trẻ "ăn độc", không duy trì kiểu trẻ "đòi là được", càng không nên để trẻ "chưa đòi đã được đáp ứng". Các bậc phụ huynh không nên để trẻ có được mọi thứ một cách dễ dàng.
Bố mẹ có thể thường xuyên nói chuyện với con, kể cho con nghe những vất vả trong công việc. Song song với đó, bố mẹ cũng cần là tấm gương cho con, để cho trẻ có cơ hội "báo đáp" mình.
3. Chiếm lĩnh đồ đạc
Nhiều trẻ nhỏ nghĩ rằng mình là "công chúa", "hoàng tử" trong gia đình. Đồ ăn, đồ chơi... tất cả đương nhiên phải thuộc về mình mới đúng.
Thế nên bất kể là thứ gì đó trong nhà mà trẻ thích, trẻ nhất định sẽ độc chiếm. Thực ra đây cũng là một biểu hiện, tiềm ẩn dấu hiệu bất hiếu ở trẻ trong tương lai.
Trên thực tế, nếu biểu hiện này duy trì lâu dài sẽ hình thành nên một thói quen rất xấu. Sau này, trẻ không chỉ không dành những thứ tốt đẹp nhất trong nhà cho bố mẹ mà thậm chí chúng có thể chiếm lĩnh mọi thứ một cách không khiêm nhượng.
Nhiều trẻ chỉ cần thấy trên bàn ăn có món mình thích là không cho bất cứ ai động đũa vào món đó; có những tiết mục mình thích xem đang chiếu trên ti vi là không cho ai động vào điều khiển; có đồ chơi mình thích, đến bố mẹ cũng không được động vào...
Lối suy nghĩ trong mắt chỉ có bản thân, không có người khác, kể cả bố mẹ một khi ăn sâu vào tiềm thức sẽ biến trẻ thành kẻ ích kỷ, khó có thể trở thành một đứa con hiếu thuận.
Trẻ cần được dạy cách sống sẻ chia, tránh hình thành nên lối sống ích kỷ cá nhân sau này.
4. Trẻ lì lợm, không biết nhận lỗi
Rất nhiều việc, trẻ biết rõ mình đã sai nhưng khi bị bố mẹ nói, trẻ lạnh lùng thoái thác, phủi sạch trách nhiệm, thậm chí còn đổ lỗi sai lên người lớn. Nói thêm câu nữa, trẻ sẽ lăn đùng ngã ngửa ra nhà khiến người lớn... hết cách.
Những đứa trẻ này đã quen với việc coi mình là trung tâm và điều này đến từ sự nuông chiều của bố mẹ. Nếu không kịp thời sửa đổi, sau này trưởng thành trẻ sẽ khó có thể trở nên đĩnh đạc, sống chuẩn mực.
Thói quen từ nhỏ có ý nghĩa quyết định đến cuộc đời của trẻ sau này. Tục ngữ Trung Quốc có câu: "3 tuổi nhìn nhỏ, 7 tuổi nhìn già" nghĩa là từ thói quen của nhỏ có thể đoán được tương lai sau này khi trẻ trưởng thành.
Có nhiều lúc, người làm bố mẹ chỉ nghĩ được rằng phải làm thế nào để con xuất sắc mà vô tình quên đi việc phải dạy trẻ hiếu thuận. Một đứa bé từ nhỏ đã hiếu thuận với người sinh thành, may mắn nhất định sẽ đến, tương lai nhất định sẽ tốt đẹp.
Thói quen từ nhỏ có ý nghĩa quyết định đến cuộc đời của trẻ sau này.
Phương pháp nào dạy con hiếu thảo?
Nhiều bậc cha mẹ than phiền việc con cái thờ ơ với gia đình, không biết tôn kính cha mẹ, không hiếu thảo mà ích kỷ.
Có một nghịch lý: Xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất ngày càng nâng cao thì dường như con người ngày càng trở nên vô cảm.
Giải thích điều này, các chuyên gia tâm lý cho rằng, khi kinh tế gia đình thăng tiến thì việc cha mẹ lo cho con cái một cuộc sống no đủ sung túc là điều hợp lý. Tuy nhiên, bên cạnh việc lo cho con ăn no mặc ấm, cho con tiền tiêu xài, mua sắm cho con quần áo, đồ chơi..., thì các bậc phụ huynh cũng cần phải thường xuyên giáo dục con về lòng hiếu thảo. Muốn con cái chúng ta có lòng hiếu thảo, cần phải dạy chúng từ khi còn thơ bé. Sau đây là vài gợi ý của các chuyên gia tâm lý.
Không bao bọc, cưng chiều thái quá
Bao bọc, cưng chiều con quá mức, những đứa trẻ sẽ cảm nhận việc chúng được như vậy là đương nhiên. Không ít những ông bố bà mẹ tuy nghèo nhưng vì thương con, vẫn cố hết sức chiều chuộng, khiến bọn trẻ điềm nhiên hưởng thụ mà không biết đến sự hi sinh của cha mẹ.
Chị Thơm - mẹ bé Sa xóm tôi chỉ là người mua bán ve chai. Nhưng thấy bé Ly con ông chủ điện máy nhà bên cạnh có gì là chị sẽ mua cho Sa thứ đó, từ quần áo đến đồ chơi, từ giày dép đến cặp sách đi học… Hôm rồi, thấy Ly đi học bằng xe đạp điện, Sa đòi mẹ mua cho bằng được. Nhưng dạo này hàng ve chai ế ẩm nên chị Thơm không có tiền. Thế là Sa khóc lóc, hờn dỗi. Đã thế, khi chị Thơm bị cảm, nằm nhà, Sa cũng bỏ đi chơi, dù mẹ nhờ nấu cho bát cháo. Tâm sự với tôi, chị Thơm nói: “Không hiểu sao con bé Sa không biết thương mẹ gì cả, dù nó muốn gì được nấy”.
Dạy trẻ làm việc nhà
Nhiều cha mẹ vừa phải kiếm sống cho gia đình, lại vừa lo toan mọi việc trong nhà, không để con cái động chân động tay đến bất cứ việc gì. Họ cho rằng như thế là thương con. Nhưng chính điều đó làm cho bọn trẻ ỷ lại, lười biếng và ích kỷ.
Ngay từ nhỏ, cha mẹ nên phân công công việc cho các con, tập cho chúng biết làm mọi việc trong nhà theo lứa tuổi và khả năng, qua đó giáo dục chúng về lòng hiếu thảo và ý thức trách nhiệm, góp phần lo cho gia đình.. Ví dụ, khi còn nhỏ, tập cho con biết thu dọn đồ chơi sau khi chơi xong, để giày dép vào nơi quy định, tự gấp quần áo của mình… Lớn hơn, biết giúp cha mẹ làm các việc nhà như: quét nhà, lặt rau, lau chùi bàn ghế, bưng cơm, bày bàn… Sau bữa cơm, biết thu dọn chén đĩa từ bàn ăn xuống bếp, lau bàn, lấy tăm… Lớn hơn nữa, biết rửa chén, nấu ăn…
Hôm rồi đến thăm cô em họ tên Tấm, thấy cô ấy vừa lau nhà vừa nấu ăn. Còn đứa con gái 16 tuổi đang vắt chân trước ngũ bấm điện thoại. Tôi hỏi Tấm sao không nói con lau nhà. Cô nói, nó còn phải học bài. Tôi gọi cháu gái xuống giúp mẹ. Nó lắc đầu nguây nguẩy: “Đó là việc của mẹ mà!”. Chắc chắn cháu gái tôi không thể hiếu thảo với mẹ vì nó quá vô tâm, không hề biết đến sự vất vả của mẹ khi vừa còng lưng lau nhà, vừa canh chừng nồi cá kho kẻo cháy, nồi canh không bị trào…
Dạy trẻ biết quan tâm đến người khác
Dạy trẻ hiếu thảo qua những việc nhỏ như biết chào hỏi, hỏi thăm khi thấy ai ốm, mệt. Ngồi vào mâm, không chọn gắp miếng ngon, món nào ngon nhất để dành cho ông bà… Hôm rồi, đến ăn cơm tại nhà chị bạn, tôi ngạc nhiên thấy đứa con trai 5 tuổi của chị cứ thoải mái lục tung đĩa thịt gà. Thay vì bảo cháu không nên làm thế, chị lại cười tươi: “Từ nhỏ, cháu bác đã háu ăn lắm! Thôi thì ăn nhiều cho chóng lớn, bác nhỉ!”. Tôi cười lảng nhưng lại nghĩ, làm sao hi vọng sau này thằng bé sẽ có hiếu với cha mẹ?
Dạy trẻ tinh thần trách nhiệm:
Tùy theo khả năng, chúng ta giao việc cụ thể cho bọn trẻ. Sau đó, cần chú ý theo dõi chúng làm việc để khen ngợi, khuyến khích khi làm tốt, bày vẽ, chỉ bảo khi chúng lơ là.. Đừng bao giờ làm thay, cũng không cho phép chúng bỏ công việc nửa chừng. Bằng cách đó, trẻ sẽ thấy được niềm vui trong công việc và nỗi vất vả của người lớn khi phải lao động kiếm tiền, để biết yêu thương và hiếu thảo với ông bà, cha mẹ.
Làm gương cho trẻ:
Cha mẹ phải nêu gương sáng cho con cái trong cách ứng xử với ông bà nội ngoại. Nếu ông bà ở xa thì cha mẹ thường xuyên gọi điện hỏi thăm sức khỏe, đến ngay khi ông bà có việc gì cần. Bất cứ ở đâu, người được chào hỏi, biếu quà đầu tiên là ông bà. Kể cho con cháu nghe về công lao của ông bà đã vất và nuôi dạy cha mẹ...
Khi người lớn hiếu thảo, lễ phép với ông bà, thì con cái cũng sẽ tôn kính cha mẹ. Nếu chúng ta lạnh nhạt, thờ ơ, bỏ mặc cha mẹ thì sau này, con cái cũng sẽ đối xử với chúng ta như vậy.
Tổng hợp