(ĐSPL) - Game Flappy Bird, xuất khẩu phần mềm, hay robot TOSY... là những cột mốc nổi bật nhất mà làng công nghệ thế giới luôn nhắc đến mỗi khi nói về Việt Nam.
Bất ngờ nổi tiếng với game "chim mặt ngu" Flappy Bird
Từ đầu năm 2014 đến nay, câu chuyện đình đám nhất của làng công nghệ Việt chắc chắn thuộc về Flappy Bird và tác giả của nó, Nguyễn Hà Đông.
Flappy Bird - một tựa game được đánh giá vô cùng đơn giản về đồ họa nhưng lại mang đến cho chàng lập trình viên trẻ tuổi, Nguyễn Hà Đông sự thành công vượt bậc cả về danh tiếng cũng như tiền bạc.
Game Flappy Bird và tác giả Nguyễn Hà Đông. |
Ra mắt từ tháng 5/2013 nhưng phải đến tháng 1/2014, Flappy Bird mới thực sự gây chú ý cho toàn thế giới khi tựa game này đều đứng đầu 2 bảng xếp hạng ứng dụng di động hàng đầu là App Store và Google Play. Cũng từ thời điểm đó, tên tuổi Nguyễn Hà Đông và Flappy Bird đã trở thành tâm điểm của giới công nghệ và báo chí của cả trong và ngoài nước.
Sự thành công của Flappy Bird ấn tượng đến nỗi đã giúp cho cha đẻ của nó có được một cuộc gặp riêng với Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam, điều chưa từng xảy ra với một lập trình viên độc lập của Việt Nam trước đây. Theo Phó Thủ tướng, Nguyễn Hà Đông là nhân tố mới cần được cổ vũ và tin rằng cần người giỏi, người tài như Đông để đưa đất nước giàu mạnh.
Bên cạnh danh tiếng, Flappy Bird còn giúp cho Nguyễn Hà Đông bỗng nhiên trở thành tỷ phú với doanh thu qua quảng cáo ước tính lên đến 50.000 USD/ngày.
Mặc dù vậy Flappy Bird đã bị khai tử vào ngày 10/2 với lý do được tác giả đưa ra "nó đã trở thành sản phẩm gây nghiện". Điều này đã để lại rất nhiều tiếc nuối với đông đảo người hâm mộ trên toàn thế giới. Minh chứng cụ thể là ngay sau đó, ước tính mỗi ngày trên kho ứng dụng App Store vẫn xuất hiện gần 90 tựa game nhái lại chú chim nổi tiếng này.
Tuy nhiên, mới đây trên Twitter của mình, Nguyễn Hà Đông cho biết anh sẽ "tái sinh" lại Flappy Bird với một phiên bản hoàn toàn mới trong thời gian sắp tới.
FPT và giấc mơ Việt trên thị trường phần mềm thế giới
Không cần phải bài cãi nếu nói trong số các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam FPT là số 1. Không chỉ dẫn đầu ngành về doanh thu mà đây còn là đơn vị đã trực tiếp giúp đất nước hình chữ S ghi danh trên bản đồ gia công phần mềm thế giới.
Bước chân vào lĩnh vực phần mềm từ năm 1998, tại thời điểm đó chiến lược "mang chuông đi đánh xứ người" của FPT bị đánh giá là quá viển vông và xa vời. Ngoài người của FPT, không mấy ai tin rằng trình độ của kỹ sư Việt Nam có thể cạnh tranh được với đồng nghiệp đến từ các nước phát triển như Mỹ, Nhật hoặc ngay cả Ấn Độ, một cường quốc phần mềm sau này.
FPT điền tên Việt Nam vào bản đồ phần mềm thế giới. |
Trung thành với mục tiêu đề ra, trong vòng 10 năm tiếp theo (1998-2008) doanh số xuất khẩu phần mềm của FPT đã tăng tới 90 lần cùng đội ngũ lập trình viên tăng 120 lần lên 2.000 người, qua đó trở thành trở thành công ty phần mềm có đội ngũ nhân lực đông nhất Đông Nam Á.
Tới năm 2012, FPT lần đầu lọt vào Top 100 nhà cung cấp dịch vụ toàn cầu, cùng những tên tuổi lớn như: Infosys, Unisys, ChinaSoft, CSC, Neusoft... với doanh số hơn 1.700 tỷ đồng. Chính điều này đã giúp FPT nâng cao rất nhiều vị thế trong mắt khách hàng Âu - Mỹ.
Ngay trong năm 2013, FPT cũng có đóng góp lớn vào việc đưa ngành phần mềm Việt Nam vượt qua Ấn Độ chiếm vị trí thứ 2 trong lĩnh vực gia công phần mềm tại thị trường Nhật Bản, cũng như đứng trong top 10 nước xuất khẩu phần mềm trên thế giới.
Kết thúc năm 2013, hoạt động xuất khẩu phần mềm của FPT đã đạt doanh thu 2.154 tỷ đồng, vượt ngưỡng 100 triệu USD, tăng trưởng 24\% so với 2012. Qua đó giúp FPT lọt vào danh sách 10 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới về dịch vụ gia công phần mềm của hãng thống kê A.T.Kearney.
Robot "made in Viet Nam" xâm nhập thị trường thế giới
Nói về lĩnh vực đồ chơi công nghệ cao, Việt Nam chỉ là cái tên vô danh trên bản đồ thế giới. Tuy nhiên với điểm sáng mang tên TOSY, người Việt có thể tin rằng chúng ta hoàn toàn có cơ hội để tham gia thị trường trị giá hàng chục tỷ USD này cùng với các cường quốc như Mỹ, Nhật ...
Thành lập vào năm 2002, TOSY đã chọn lĩnh vực kinh doanh cực kỳ táo bạo là chuyên chế tạo robot công nghiệp, robot dịch vụ và đồ chơi công nghệ cao. Hướng đi mà ngay cả tới bây giờ, sau hơn 10 năm, vẫn được cho là không thực tế.
TOPIO, mẫu robot đến từ Việt Nam khiến cả thế giới chú ý. |
Tuy nhiên tới năm 2005, với sản phẩm robot TOPIO biết đánh bóng bàn, TOSY đã khiến cả thế giới phải kinh ngạc. Tại thời điểm đó, rất nhiều hãng đồ chơi công nghệ cao đều không thể tin nổi một quốc gia như Việt Nam có thể chế tạo ra sản phẩm chất lượng tương đương với những robot dẫn đầu trên thị trường nhưng có giá chỉ rẻ bằng 1/4.
Không dừng lại ở đó, tới năm 2011, "con quay Tosy" một sản phẩm của TOSY kết hợp giữa công nghệ và món đồ chơi dân gian đã được vinh danh trong sách kỷ lục Guinness. Theo đó món đồ chơi này đã lập kỷ lục quay hơn 24 giờ liên tục, vượt xa mốc hơn 7 giờ từng được lập hồi năm 2006 bởi một chuyên gia người Mỹ.
Tới năm 2013, tại triển lãm công nghệ CES (Mỹ), TOSY lại tiếp tục làm cộng đồng công nghệ phải chú ý đến mình khi đạt được thành công trong việc mời hoàng tử nhạc pop thế giới Justin Bieber giới thiệu cho mẫu đồ chơi "mRobo" mới của mình.
Cũng trong năm qua, sản phẩm robot có tên DiscoRobo của TOSY đã được tạp chí danh tiếng CNN bình chọn là 1 trong 8 món đồ chơi không thể thiếu của dịp Giáng sinh 2013. Đây là lần đầu tiên một món đồ chơi có xuất sứ từ Việt Nam được vinh danh như vậy.