+Aa-
    Zalo

    Đất công đang bị “biến tướng”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Viện nghiên cứu dầu và cây có dầu sở hữu hơn 3 hécta đất công vào mục đích phục vụ nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, diện tích đất công này nhiều năm qua đã bị "biến tướng"

    Viện nghiên cứu dầu và cây có dầusở hữu hơn 3 hécta đất công vào mục đíchphục vụ nghiên cứu khoa học,trồng cây có dầu... Tuy nhiên, mục dích sử dụng đất này từ nhiều năm quađã bị biến tướng thành bãi giữ xe, sân bóng đá, phim trường, quán cafe, quán nhậu…

    Đất côngchuyển thành đất dịch vụ?

    Đã từ lâu, tại khu đất số 1143 đường Bình Quới (phường 28, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) được biết đến là địa điểm của một số dịch vụ như bãi giữ xe, quán nhậu, cafe, phim trường, sân bóng đá... mọc lên san sát, rất ít người biết đó là địa điểm để nghiên cứu khoa học của Viện nghiên cứu Dầu và cây có Dầu. Bởi văn phòng nghiên cứu của Viện nằm "chìm" giữa các dịch vụ ẩm thực vui chơi giải trí này, đặc biệt không hề có một dòng bảng biển chỉ dẫn nào về khu thực nghiệm khoa học của Viện nghiên cứu.

    Phòng thí nghiệm của Viện NC dầu và cây có dầu nằm lọt thỏm giữa các khu dịch vụ quán ăn, giải trí 

    Được biết, Viện nghiên cứu dầu và cây có dầu được UBND TPHCM giao và quản lý khu đất hơn 8ha. Trong đó, diện tích 3,1ha (tại số 1143 Bình Quới) từ thông báo số 70/TB-UB ngày 29/5/1991 và quyết định 133/QĐ-UB ngày 07/05/1987 của UBND quận Bình Thạnh được chấp thuận việc sử dụng khu đất trên để trồng, phát triển vườn dừa và vườn cây thực nghiệm.  

    Khu đất mà Viện giao cho Trạm thực nghiệm Bình Thạnh (đơn vị trực thuộc Viện quản lý), thực hiện nhiệm vụ: Phối hợp với các đơn vị, bộ môn thuộc Viện nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để sản xuất các giống cây có dầu, cây tinh dầu và các loại cây trồng khác... nhằm phục vụ sản xuất và tiêu dùng.

    Tuy nhiên, qua tìm hiểu của Phóng viên ĐS&PL cho thấy, hiện tại diện tích đất này đang được sử dụng vào việc kinh doanh các dịch vụ giải trí có nguồn thu như phim trường, sân phóng, quán cà phê...

    Các dịch vụ nhà hàng mọc lên trong khu đất công do Viện cây có dầu quản lý 

    Lý giải vấn đề này, TS Lê Công Nông – Viện trưởng viện nghiên cứ dầu và cây có dầu cho rằng: “Tổng diện tích đất mà UBND TP giao cho Viện tại quận Bình Thạnh là 8ha đất, trong đó có 4,9 ha đất thường xuyên ngập nước hiện đang trồng dừa. Riêng diện tích 3,1ha tại số 1143 Bình Quới, là khu đất trũng".

    Viện trồng cây ăn trái thì úng thối, trồng hoa Lan thì bị ngập nước, ẩm thấp... nên hơn 10 năm qua, diện tích đất nói trên khai thác không đạt hiệu quả. Việc cho kinh doanh những dịch vụ như ẩm thực, giải trí hiện đang chỉ là hình thức để Viện kết hợp làm mô hình sinh thái. Ông Nông phân bua.

    Còn phần diện tích làm bãi giữ xe ngay mặt tiền (số 1143, đường Bình Quới), ông Nông cho rằng: “Viện tạo điều kiện cho anh em cán bộ nhân viên có thu nhập thêm”.

    Đất công phục vụ trồng cây nghiên cứu khoa học "biến" thành bãi giữ xe, rửa xe

    Qua tìm hiểu của Phóng viên, phần diện tích hơn 3.000m2 đất mà Viện nghiên cứ dầu và cây có dầu đã cho cty TNHH Vườn Hòa Thuận (TPHCM) thuê đất với giá 7 triệu đồng/tháng vào ngày 20/4/2018. Sau đó, cty TNHH Vườn Hòa Thuận lại cho một cá nhân khác thuê lại 1/3 diện tích trên với giá 3 triệu đồng/tháng. Cá nhân này đã dùng 2 container làm thành nhà 2 tầng tại vị trí thuê.

    Ngày 26/6/2018 phòng quản lý đô thị của quận Bình Thạnh có quyết định số 4438/QĐ-XPVPHC đã xử phạt vi phạm hành chính về việc xây dựng công trình tại khu đất thuộc một phần thửa số 01, tờ số 07/BĐĐC đường Bình Quới, phường 28, quận Bình Thạnh do không có giấy phép xây dựng nằm trong phần diện tích sử dụng đất của Viện.

    Hơn thế nữa, ngày 23/8, UBND quận Bình Thạnh đã ban hành quyết số 6344/QĐ-CCXP về việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính đối với Viện này.

    Tuy nhiên, đến ngày 29/8/2018, theo công văn số 3116/UBND-QLĐT của UBND quận Bình Thạnh cung cấp thông tin đến Báo ĐS&PL, hiện Viện nghiên cứu dầu và cây có dầu vẫn chưa chấp hành, thực hiện quyết định xử phạt trên.

    Rà soát các trường hợp sử dụng đất công sai mục đích

    Từ các vụ việc đất công bị "xẻ thịt" tại TP.HCM, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM vừa rà soát lại tình hình sử dụng đất công trên địa bàn, phát hiện hàng loạt khu đất đang bỏ hoang, lãng phí nhiều năm, cho thuê giá rẻ hoặc sử dụng không đúng mục đích nhưng chính quyền vẫn chưa có hướng xử lý.

    Đơn cử, từ câu chuyện Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận (100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy TP.HCM) bán khu đất 32ha ở Phước Kiển cho Quốc Cường Gia Lai với giá 1,29 triệu đồng/m2, câu chuyện đất công trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh hiện đang bị khai thác hoặc chuyển nhượng với mức giá rẻ, gây thất thoát nguồn ngân sách lớn của Nhà nước, vấn đề này đang trở nên “nóng” hơn bao giờ hết.

    Sân bóng đá mini bên trong khu đất phục vụ nghiên cứu khoa học của Viện cây có dầu

    Ngoài ra, theo báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, nhiều quỹ đất công trên địa bàn thành phố hiện cho các doanh nghiệp thuê, đang bị sử dụng lãng phí hoặc các đơn vị này cho thuê lại để kiếm lời, mang tư lợi cá nhân...

    Gần đây nhất, HĐND TP.HCM phối hợp với Đài truyền hình TP.HCM tổ chức chương trình lắng nghe và trao đổi với chủ đề “Quản lý nguồn tài nguyên đất, thực trạng và giải pháp”.

    Trước tình hình chung, Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng nhìn nhận có tình trạng đất công sử dụng không đúng mục đích, lãng phí. Từ năm 2004 đến nay, TP.HCM đã thu hồi 191 dự án chậm triển khai; hủy bỏ và chấm dứt 479 dự án với diện tích trên 4.380ha; cắt giảm quy mô 9 dự án với diện tích trên 10ha.

    Với diện tích đất công phục vụ cho trồng cây nghiên cứu khoa học, nhiều năm qua Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu đang sử dụng vào mục đích phục vụ kinh doanh có thu, đúng hay sai? Câu trả lời thuộc về cơ quan chức năng!

    Nhóm PV

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dat-cong-dang-bi-bien-tuong-a242715.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.