Ngày 15 và 16/9, các trường đại học trên cả nước công bố điểm chuẩn trúng tuyển cho các thí sinh xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT. Không ít thí sinh ngỡ ngàng khi điểm chuẩn các trường top đầu tăng ngoài sức tưởng tượng.
Đạt 26,8 điểm thi ở tổ hợp A00, L.P.A. (Hà Nội) đã đăng ký 20 nguyện vọng xét tuyển, trong đó 14 nguyện vọng đầu là các ngành thuộc ĐH Kinh tế Quốc dân. Nữ sinh này cũng cho biết, em đã lựa chọn nhiều ngành có điểm chuẩn năm 2020 thấp hơn điểm xét tuyển của mình.
"Em mong muốn học tập ở ĐH Kinh tế Quốc dân. Sau khi thi xong, em dự đoán điểm chuẩn có thể tăng do đề thi Tiếng Anh quá dễ nhưng không ngờ điểm cao chót vót như vậy. Nhiều ngành của trường năm ngoái lấy 26, năm nay thấp nhất là 26,85. Em trượt hết 14 nguyện vọng đầu tiên vì thiếu 0,05 điểm", A. chia sẻ với Tri thức trực tuyến.
Cũng theo nữ sinh này, việc nhà trường lấy chung một điểm chuẩn cho các tổ hợp xét tuyển và chỉ có 50% chỉ tiêu ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 là nguyên nhân điểm chuẩn tăng cao ngoài dự đoán.
Không chỉ có P.A., sau khi các trường đại học công bố điểm chuẩn, nhiều thí sinh sốc nặng khi đạt 9 điểm, thậm chí 10 điểm/môn vẫn trượt các nguyện vọng yêu thích.
Trong mùa tuyển sinh năm nay, phần lớn các trường đều tăng mạnh ở hầu hết các nhóm ngành, có trường tăng 9 điểm, 11 điểm so với năm ngoái.
Đáng chú ý, ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao trường ĐH Hồng Đức, Thanh Hóa có điểm chuẩn kỷ lục khi lấy 30,5/30 điểm. Tương tự, ngành ngành Xây dựng lực lượng Công an Nhân dân của Học viện Chính trị Công an Nhân dân đối với nữ có điểm chuẩn là 30,34 điểm.
Như vậy, thí sinh khu vực 3 (khu vực không có điểm ưu tiên đối tượng) sẽ không có cơ hội trúng tuyển.
Chia sẻ với Tiền Phong, GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, điểm chuẩn các ngành đều tăng đã được dự báo ngay từ khi có kết quả kỳ thi THPT. Phổ điểm năm nay có xu hướng tăng nhiều hơn ở các tổ hợp xét tuyển thuộc khối C và khối D truyền thống.
Cũng theo thầy Tuấn, các trường ĐH gia tăng các hình thức xét tuyển ngoài kết quả thi THPT đã khiến chỉ tiêu các trường ĐH dành cho xét tuyển từ kết quả thi THPT giảm xuống. Phổ điểm thi THPT tăng lên trong khi chỉ tiêu dành cho xét tuyển kết quả thi THPT giảm xuống nên điểm chuẩn tăng lên là điều có thể hiểu được.
Ngoài ra, GS.TS Hoàng Anh Tuấn còn nhận định, diễn biến dịch bệnh phức tạp khiến kế hoạch du học của nhiều thí sinh bị đình trệ nên các em chọn giải pháp học tập trong nước. Các em đều có ngoại ngữ tốt nên điểm thi vào các tổ hợp khối D cao.
Bạch Hiền (t/h)