Năm 2014, tại ngoại ô thành phố Bảo Kê, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, các nhà khảo cổ học đã tình cờ phát hiện một hiện tượng kỳ lạ khi xem xét ảnh chụp từ trên không về đất nông nghiệp của một ngôi làng. Một phần ruộng lúa mì hiển thị sự phát triển vượt trội, xanh tốt hơn hẳn so với phần còn lại của cánh đồng.
Sự phát triển bất thường của lúa mì đã thôi thúc các nhà khảo cổ tiến hành khai quật khu vực này. Và phần thưởng cho họ thật xứng đáng: Một cỗ chiến xa bằng đồng được khảm hàng trăm miếng ngọc lam quý giá đã được khai quật. Các nhà nghiên cứu xác định niên đại của cổ vật này vào khoảng 2.800 năm tuổi, có khả năng đây là một trong những phương tiện xa xỉ nhất từng được chế tạo trong thế giới cổ đại.
Cỗ xe có chiều rộng khoảng 3 mét, được chế tác vào khoảng năm 800 trước Công nguyên, thuộc thời Tây Chu. Vị trí phát hiện ra nó nằm gần kinh đô đầu tiên của triều đại này, ngày nay thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.
Cỗ xe được chế tác tinh xảo với cặp bánh xe bằng gỗ, khung xe bọc đồng và được trang trí lộng lẫy từ trong ra ngoài bằng các tác phẩm điêu khắc kim loại cùng đá quý.
Giáo sư Wang Liqin và các cộng sự tại trường di sản văn hóa, đại học Northwest (Mỹ) nhận định: "Đây là cỗ xe xa hoa nhất mà chúng tôi từng biết đến từ thời Tây Chu".
Đặc biệt thu hút sự quan tâm của nhóm nghiên cứu là sự hiện diện của 10.000 miếng ngọc lam trên cỗ xe. Ngọc lam là một trong những loại đá quý được ưa chuộng nhất thời kỳ đồ đồng, đồng thời cũng là món đồ trang sức yêu thích của hoàng gia Ai Cập cổ đại.
Giáo sư Wang Liqin và các cộng sự đã dành hàng giờ nghiên cứu, kết hợp với việc sử dụng các thiết bị khoa học tiên tiến, để khám phá quy trình chế tác phức tạp đằng sau việc trang trí cỗ xe lộng lẫy này.
Cỗ xe là minh chứng cho kỹ thuật chế tác vô cùng tinh xảo và khéo léo của người thợ thủ công thời xưa. Toàn bộ chiến xa được gắn kết bởi 400 chi tiết bằng đồng, điểm xuyết thêm 10.000 viên ngọc lam được cắt gọt, đánh bóng tỉ mỉ để khớp hoàn hảo với từng chi tiết đồng.
Không chỉ dừng lại ở cỗ xe, các nhà khảo cổ học còn khai quật được nhiều di tích và hiện vật cổ đại quan trọng khác trong khu vực, bao gồm giáp cốt văn (chữ viết khắc trên mai rùa và xương thú), xưởng thủ công và nền móng của những công trình kiến trúc đồ sộ. Những phát hiện này càng khẳng định sự tồn tại của một nền văn minh phồn thịnh dưới thời nhà Chu, điều đã được ghi chép trong sử sách Trung Quốc.
Tuy nhiên, vào khoảng năm 700 trước Công nguyên, thời kỳ cuối của triều đại Tây Chu, cuộc xâm lược của các bộ lạc du mục từ phía tây đã buộc người đứng đầu nhà Chu phải rời bỏ kinh đô, rút lui về phía đông. Hậu quả là nhiều thành phố bị tàn phá, bị bỏ hoang, bao gồm cả nơi cỗ chiến xa được chôn cất.
Hiện tại, nhóm nghiên cứu của Giáo sư Wang Liqin vẫn đang nỗ lực tìm kiếm danh tính chủ nhân của cỗ xe. Tuy nhiên, dựa vào sự xa hoa và tinh xảo của cổ vật, họ tin chắc rằng chủ nhân phải là một người có địa vị cực kỳ cao quý trong xã hội thời bấy giờ, thuộc tầng lớp quý tộc hoặc thậm chí là hoàng tộc.
Bên cạnh cỗ chiến xa tráng lệ, các nhà khảo cổ còn phát hiện hài cốt của 4 con ngựa đen và 1 đội 4 con ngựa màu đỏ gần đó. Điều này cho thấy chủ nhân của cỗ xe chắc hẳn đã phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để sở hữu và nuôi dưỡng những con ngựa này. Có lẽ chúng được sử dụng để kéo cỗ chiến xa, phục vụ cho việc di chuyển hàng ngày hoặc trong các trận chiến. Hiện tại, các nhà khảo cổ đang tích cực tìm kiếm thêm bằng chứng để có thể xác định được danh tính của vị chủ nhân bí ẩn này.
Trước đó, cỗ xe cổ nhất được tìm thấy ở Trung Quốc có niên đại hơn 3.000 năm tuổi. Nó được làm chủ yếu từ gỗ và gần như không có bất kỳ đồ trang trí nào. Cỗ xe này được khai quật từ một hố tế lễ ở di chỉ Ân Khư, kinh đô cuối cùng của nhà Thương, ngày nay thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Trong hố tế lễ này, người ta còn tìm thấy hài cốt của 4 người và 2 con ngựa.