+Aa-
    Zalo

    Đào tạo nhân lực y tế: Cần cả chất lẫn lượng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng công tác đào tạo nhân lực y tế của Việt Nam phải khắc phục được tình trạng yếu về trình độ, thiếu về số lượng.

    Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng công tác đào tạo nhân lực y tế của Việt Nam phải khắc phục được tình trạng yếu về trình độ, thiếu về số lượng.

    Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh yêu cầu đổi mới công tác đào tạo y tế để đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng. Ảnh: VGP/Đình Nam

    Trao đổi với các chuyên gia nghiên cứu tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về đào tạo nhân lực y tế, sáng 23/9, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Tỉ lệ bác sĩ/vạn dân ở Việt Nam hiện mới đạt 7,8, cán bộ y tế/vạn dân khoảng 20 người trong khi mức trung bình của thế giới lần lượt là 20 và 50 cho thấy Việt Nam đang thiếu nghiêm trọng số lượng lẫn chất lượng cán bộ y tế.

    “Thực tế này đặt ra yêu cầu phải đổi mới đào tạo nhân lực y tế. Trước hết là nâng số lượng bác sĩ và phân bổ người giỏi kèm người kém hơn”.

    Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện nay công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế của Việt Nam đang đứng trước không ít những khó khăn thách thức từ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân, dân số tăng và già hóa, đòi hỏi chuẩn mực chăm sóc sức khỏe cao hơn cả về số lượng đến mô hình bệnh tật thay đổi theo xu hướng tỉ lệ các bệnh không lây nhiễm gia tăng liên tục ở mức cao.

    Ngoài ra, Việt Nam đã ký thỏa thuận khung công nhận lẫn nhau giữa các nước trong khu vực ASEAN về các lĩnh vực Y khoa, Nha khoa và Điều dưỡng đòi hỏi Nhà nước phải công bố chuẩn năng lực cơ bản cho từng đối tượng và tổ chức cấp chứng chỉ hành nghề.

    Trong khi đó, thực trạng đào tạo nhân lực y tế của Việt Nam hiện bộc lộ nhiều bất cập.

    “Tại Nhật Bản, sau 40 năm mới có thêm một trường đại học được đào tạo bác sĩ dù trường đào tạo điều dưỡng, kỹ thuật viên rất nhiều, trong khi ở nước ta cả trường đại học đa ngành cũng được đào tạo bác sĩ. Chưa kể với nguồn tài chính hiện nay, các trường y chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư trang thiết bị phòng thí nghiệm, cơ sở thực hành đáp ứng yêu cầu học tập của sinh viên”, Bộ trưởng nêu ví dụ.

    Ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) cho biết từ năm 2008 đến nay số lượng các cơ sở đào tạo trình độ ĐH y khoa tăng nhanh, từ 8 lên 24 trường, nhưng nhiều tiêu chí đối với chuyên ngành đào tạo này chưa được chú trọng đúng mức như cơ sở thực hành, chuyên môn của giảng viên.

    Cơ chế kiểm soát chất lượng đào tạo y khoa chưa rõ ràng, mới ở mức kiểm định cơ sở đào tạo mà chưa tiếp cận đến chương trình đào tạo; đánh giá sinh viên nặng về kiến thức thay vì năng lực, kỹ năng thực hành. Công tác đào tạo sau đại học đang tồn tại hai hệ thống song song về nghiên cứu (theo học vị thạc sĩ, tiến sĩ) và khám chữa bệnh (bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II). Trong lĩnh vực cấp chứng chỉ hành nghề chưa có cơ chế rõ ràng để kiểm soát chất lượng khi không thi sát hạch; cấp một lần được sử dụng vĩnh viễn; cơ chế giám sát đào tạo liên tục kém hiệu quả, không rõ ràng, không kiểm định…

    GS. Lincoln C. Chen, ĐH Harvard (Hoa Kỳ) cho rằng điều quan trọng nhất là cần xác định mục tiêu đào tạo y khoa theo hướng nghiên cứu (hàn lâm) hay khám chữa bệnh.

    “Nếu là định hướng khám chữa bệnh thì cơ sở thực hành cho sinh viên y khoa tại Việt Nam là vấn đề đáng lưu tâm và cần phải được chuẩn hóa về người giảng dạy cũng như khả năng tiếp nhận sinh viên thực hành”, GS. Chen nhận xét.

    Đồng tình với quan điểm này, GS. Gabriel M. Leung (ĐH Hong Kong) và TS. Piya Hanvoravongchai (ĐH Chulalongkorn, Thái Lan) cùng trao đổi về mô hình đào tạo bác sĩ nội trú; tiêu chuẩn chức danh giảng viên lâm sàng; bổ nhiệm, sử dụng cán bộ y tế từ các loại hình đào tạo khác nhau ở bệnh viện, cơ quan quản lý nhà nước; cấp chứng chỉ hành nghề y; cơ chế tài chính trong đào tạo ngành y...

    Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những kinh nghiệm các chuyên gia quốc tế đã chia sẻ đồng thời cho biết Việt Nam tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của quốc tế trên nền tảng thực tế của Việt Nam.

    Trong bối cảnh dân số gia tăng và già hóa dân số cũng như mô hình bệnh tật đã thay đổi theo xu hướng tỉ lệ các bệnh không lây nhiễm gia tăng đòi hỏi Việt Nam cần tập trung tăng nhanh số bác sĩ, dược sĩ và điều dưỡng…

    Theo Phó Thủ tướng, việc đổi mới công tác đào tạo nhân lực y tế của Việt Nam là một quá trình lâu dài, cần sự chỉ đạo thống nhất của cơ quan quản lý như Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế cũng như sự đồng thuận, tham gia tích cực của cả hệ thống đào tạo nhân lực y tế.

    Phó Thủ tướng nhấn mạnh tới sự linh hoạt trong công tác đào tạo để không xảy ra tình trạng thiếu bác sĩ và cần chỉ định hệ thống các bệnh viện tham gia công tác đào tạo.

    Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ phối hợp chặt chẽ trong xây dựng các văn bản quy định liên quan đến đặc thù đào tạo nhân lực y tế để nâng cao chất lượng đào tạo cũng như bảo đảm quyền lợi về ngạch, bậc lương cho nhân lực ngành y tế với quan điểm tôn trọng lịch sử về phần bằng cấp nhưng năng lực đi theo bằng cấp cần được tiếp tục điều chỉnh, bổ sung...

    Đình Nam
    Nguồn: baochinhphu.vn

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dao-tao-nhan-luc-y-te-can-ca-chat-lan-luong-a162992.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.