+Aa-
    Zalo

    Hội Luật gia tỉnh Lai Châu quyết tâm bài trừ mê tín dị đoan

    (ĐS&PL) - Là địa bàn vùng sâu, vùng xa, dân trí của nhiều người dân còn thấp, tỉnh Lai Châu thường xảy ra các vụ án giết người do mê tín dị đoan. Hội Luật gia tỉnh đã và đang phải triển khai mạnh công tác đẩy lùi thực trạng này.

    Những vụ án đau lòng vì mê tín dị đoan

    Luật gia Nguyễn Huy Thắng - Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Lai Châu cho biết, trong những năm qua công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số và gia đình chính sách, những người yếu thế trong xã hội trên địa bàn luôn được các cấp Hội Luật gia trong tỉnh đặc biệt quan tâm.

    Điều này xuất phát từ những khó khăn thực tiễn của địa phương. Do là địa bàn vùng sâu, vùng xa với nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, dân trí của nhiều người dân còn thấp dẫn đến việc thiếu hiểu biết pháp luật và kiến thức cuộc sống đã dẫn đến xuất hiện các vụ án mạng thương tâm, hay tin vào mê tín dị đoan mà tán gia bại sản.

    Luật gia Nguyễn Huy Thắng nêu dẫn chứng, vụ án Giàng A Mình xảy ra năm 2021 (tại bản Hua Cưởm, xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên) là ví dụ điển hình. Nguyên nhân chỉ vì Mình nghi ngờ ông Giàng A Chơ (trú cùng bản) thả ma làm hại gia đình.

    Chi Hội luật gia VSKND tỉnh và Công an tỉnh Lai Châu là một trong những đơn vị chủ lực trong tuyên truyền pháp luật đẩy lùi mê tín dị đoan, đồng thời cũng là đơn vị chủ chốt trong công tác giáo dục pháp luật với phạm nhân.

    Chi Hội luật gia VSKND tỉnh và Công an tỉnh Lai Châu là một trong những đơn vị chủ lực trong tuyên truyền pháp luật đẩy lùi mê tín dị đoan, đồng thời cũng là đơn vị chủ chốt trong công tác giáo dục pháp luật với phạm nhân.

    Sau một lần uống rượu, Mình cầm theo 3 quả lựu đạn ném thẳng vào nhà ông Chơ. Khi đó nhà ông Chơ có 6 người đang sinh sống, nhưng rất may mắn cả 3 quả lựu đạn đều không phát nổ.

    Hay, vụ án ra tại bản Sèng Lảng, xã Tả Phìn, huyện Sìn Hồ cũng vào năm 2021 cũng vậy. Cụ thể, Triệu Vạn Phúc (trú huyện Tam Đường) tự xưng là thầy cúng. Phúc biết bà Chẻo Mý Nải (trú huyện Sìn Hồ)muốn tìm thầy cúng để giải hạn tranh chấp đất.

    Phúc yêu cầu bà Nải chuẩn bị lễ cúng gồm 15 kg bạc trắng, 3,6 chỉ vàng tiền để làm lễ cúng tại khu rừng thuộc bản Sèng Lảng, xã Tả Phìn, huyện Sìn Hồ. Trong quá trình làm lễ, Phúc đã đổ nước nấu từ cây lá ngón đã chuẩn bị từ trước ra chén để bà Nải uống và tử vong.

    Xuất phát từ mê tín dị đoan, một bộ phận nhân dân thiếu sự định hướng về văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh nên nhận thức chưa đúng đắn dẫn đến phạm tội trở thành vấn đề "nhức nhối" tại địa phương.

    Để triển khai công tác tuyên truyền, Hội Luật gia tỉnh và cấp Hội như VKSND tỉnh, Công an tỉnh… trở thành những đơn vị tiên phong "hướng về cơ sở", trực tiếp tổ chức các buổi tuyên truyền tại địa phương.

    Cùng với đó, Hội cũng tận dụng tốt các hình thức gián tiếp như: tư vấn qua điện thoại, trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã tiếp cận tới hàng nghìn lượt người. Qua mỗi buổi tuyên truyền, người dân dần nâng cao nhận thức, trang bị thêm kiến thức về pháp luật.

    "Tuy hành trình còn gian nan, phức tạp nhưng những đóng góp của Hội Luật gia tỉnh Lai Châu đã góp phần đáng kể giúp giảm thiểu các vụ án do mê tín dị đoan thời gian qua. Từ đó, đóng góp chung vào công cuộc ổn định kinh tế xã hội của tỉnh", Luật gia Nguyễn Huy Thắng - Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Lai Châu.

    Tập trung giải quyết từ gốc tới ngọn 

    Luật gia Tô Thị Hồng Lê - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Lai Châu cho biết thêm, xuất phát từ thực tiễn trên, nhằm giải quyết vấn đề "từ gốc tới ngọn", Hội Luật gia tỉnh còn tập trung trợ giúp pháp lý miễn phí cho người đã chấp hành xong án phạt tù trở về tái hòa nhập cộng đồng.

    Hội Luật gia tỉnh xác định đây là đối tượng đặc biệt, cần được quan tâm để họ gạt bỏ mặc cảm, tự ti để sớm hòa nhập cùng cộng đồng, chấp hành tốt quy định của địa phương hạn chế tái phạm tội và góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội.

    Theo đó, Hội Luật gia tỉnh đã phối hợp với trại tạm giam công an tỉnh và cơ quan thi hành án hình sự và công an cấp huyện tổ chức phổ biến, tư vấn pháp luật được 29 cuộc cho gần 1.000 phạm nhân đang chấp hành án. Thực hiện 34 cuộc phổ biến, tư vấn lưu động cho 1.500 người tái hòa nhập cộng đồng.

    Các em học sinh Trường THPT Bình Lư (Tam Đường, tỉnh Lai Châu) tham gia giải quyết tình huống pháp luật do Hội Luật gia tỉnh tổ chức.

    Các em học sinh Trường THPT Bình Lư (Tam Đường, tỉnh Lai Châu) tham gia giải quyết tình huống pháp luật do Hội Luật gia tỉnh tổ chức.

    Để công tác "đi sâu, lan rộng, giải quyết từ sớm vấn đề", Hội Luật gia tỉnh cũng thường xuyên tổ chức đưa pháp luật vào trường học. Trong 5 năm qua, Hội đã thực hiện việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho hơn 7.000 học sinh của 12 trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh và xin nhà tài trợ được 1.500 tờ rơi có hình ảnh minh họa làm phong phú hoạt động trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.

    Tại buổi tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, các em học sinh đã được nghe các báo cáo viên pháp luật truyền đạt những kiến thức bổ ích giúp các em có nhận thức đúng về tầm quan trọng của việc chấp hành pháp luật, nhận diện được quy tắc ứng xử chấp hành pháp luật khi tham gia vào các quan hệ xã hội để có thái độ tích cực đối với việc học tập.

    Các kiến thức pháp luật liên quan đến học sinh về phòng, chống bạo lực học đường - các biện pháp phòng chống, cách xử lý khi xảy ra bạo lực học đường; Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá; Luật phòng, chống bạo lực gia đình; các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình; Luật phòng, chống mua bán người,… cũng được truyền tải một cách sinh động, hấp dẫn đến các em.

    Qua đó, mỗi học sinh sẽ là "những tuyên truyền viên" tiếp tục phổ biến đến mỗi gia đình. Trong thời gian tới, công tác "đưa pháp luật vào trường học" tiếp tục được Hội Luật gia tỉnh Lai Châu tập trung triển khai.

    Luật gia Tô Thị Hồng Lê - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Lai Châu.

    Luật gia Tô Thị Hồng Lê - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Lai Châu.

    Luật gia Lê cho biết thêm, công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân tộc thiểu số và gia đình chính sách và những người yếu thế trong xã hội được Hội Luật gia các cấp trong tỉnh quan tâm.

    Hội Luật gia tỉnh đã triển khai nhiều hình thức như: bào chữa, tham gia tố tụng, tư vấn trực tiếp, tư vấn qua điện thoại, trên các phương tiện thông tin đại chúng cho 2.389 lượt người; trợ giúp pháp lý 1.077 vụ việc cho 1.082 người liên quan đến các vấn đề về hôn nhân gia đình, đất đai, hợp đồng dân sự,…

    Hội Luật gia tỉnh Lai Châu cũng tham mưu giải quyết 727 đơn kiến nghị, phản ánh phối hợp với các cơ quan và các tổ chức hòa giải cơ sở tham gia hướng dẫn, hỗ trợ công tác hòa giải ở cơ sở được 1.053 vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai, hôn nhân và gia đình.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/hoi-luat-gia-tinh-lai-chau-quyet-tam-bai-tru-me-tin-di-oan-a497462.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan