Ví dụ, giáo dục Phần Lan đặt trọng tâm vào “sự đồng đều của các học sinh” Nghĩa là: Họ đặt trọng tâm vào những học sinh yếu để giúp các em đạt ngưỡng trung bình khá. Còn Singapore đặt ra yêu cầu “dạy ít, học nhiều”, khuyến khích sự tự học.
Nhật Bản đặt trọng tâm vào sức sáng tạo của nhà trường, có một số nơi ở Nhật có nguy cơ người học không đến trường vì ở nhà đã có đầy đủ sách điện tử, sách hướng dẫn, công nghệ hướng dẫn về vấn đề đánh giá, tự học, học liệu. Vấn đề đặt ra là đến trường để làm gì nếu không có gì mới, hấp dẫn hơn tự học ở nhà?
Người Úc đặt trọng tâm vào chương trình “vì sự cận bằng trong các lĩnh vực học tập”, nhằm tạo ra những lĩnh vực nền tảng (giáo dục số, giáo dục ngôn ngữ-văn hóa, giáo dục môi trường, thể chất). Trong quá trình phát triển, các nước trước khi bước vào công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã chuẩn bị rất sớm, căn cốt về nguồn nhân lực từ giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học để tạo ra một hệ thống nhân lực năng động, sáng tạo. Điều quan trọng là nhân lực phải thích nghi ngay với thị trường luôn luôn thay đổi.
Còn tại Việt Nam, đào tạo nguồn nhân lực xuất phát từ giáo dục phổ thông gắn với tư tưởng quan điểm công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khát vọng phát triển đất nước vào năm 2030-2045 thì giáo dục phổ thông và giáo dục tiểu học phải được đặc biệt coi trọng. Bên cạnh những học vấn nền tảng, phẩm chất con người cần được tiếp cận yêu cầu của công dân toàn cầu.
Trước đây, mục tiêu của giáo dục là đào tạo con người toàn diện, khái niệm đào tạo dẫn đến cách hiểu của mọi người rằng giáo dục chỉ là trong nhà trường, lớp học chỉ cần một ông thầy, môi trường là một lớp học, một chương trình, một SGK, đánh giá bằng điểm số về kết quả học tập.
Mục tiêu phải nhấn mạnh đào tạo ra những con người thông minh. Người học sinh với 3 yêu cầu: Năng lực tư duy sáng tạo; năng lực ngoại ngữ; năng lực công nghệ. Ba trụ cột này được đặt trên nền tảng là học vấn chắc chắn, bổ sung thêm những nội dung mà trong chương trình giáo dục phổ thông hiện nay chưa trở thành lĩnh vực quan trọng đó là giáo dục kinh tế và giáo dục tài chính. Đó là giáo dục môi trường phát triển bền vững. Đây là nội dung cần phải bổ sung trong chương trình giáo dục phổ thông.
Đối với giáo dục đại học, đặc biệt coi trọng giáo dục nền tảng cũng như khả năng thích ứng của sinh viên khi đứng trước toàn cầu hóa, tiếp cận vào doanh nghiệp lớn. Sinh viên phải có năng lực tiếp cận sớm và nhanh hơn với hệ thống phát triển doanh nghiệp lớn, đặc biệt doanh nghiệp công nghệ. Công nghệ thay đổi từng giờ, do vậy đòi hỏi năng lực của sinh viên là năng lực nền tảng, học vấn rộng, khả năng thích nghi sớm với sự thay đổi của công nghệ. Nếu chỉ đi sâu vào vấn đề kỹ thuật nhỏ lẻ, đơn ngành sẽ dẫn đến hiện tượng sinh viên không thích ứng được với thị trường lao động.
Phải kết hợp giữa doanh nghiệp và trường đại học, viện nghiên cứu với trường đại học. Đối với giáo dục phổ thông tăng cường trải nghiệm và giáo dục thông minh, cùng với năng lực sáng tạo, khả năng tự học, công nghệ, ngoại ngữ thì học sinh sớm trở thành công dân toàn cầu, đáp ứng nhân lực của khu vực và thế giới.
Những năm gần đây, trong chương trình giáo dục phổ thông mới của chúng ta về mục tiêu cũng đã bám sát được những thay đổi.
Đặc biệt trong Luật Giáo dục, cũng đã có sự thay đổi rất quan trọng đó là mục tiêu của giáo dục là “phát triển toàn diện con người”. Đây là điểm nhấn cực kỳ quan trọng của luật.
Từ sự thay đổi trên, giáo dục trở lại một thiết chế rất quan trọng quan hệ giáo dục gia đình, nhà trường, xã hội. Giáo dục nhà trường chỉ là định hướng, kết nối giữa giáo dục nhà trường và xã hội. Lúc này không phải chỉ một thầy giáo trong lớp mà nhiều thầy trên bục giảng, thậm chí có thầy ảo, thầy giáo số.
Lúc này không phải không gian lớp học trong 4 bức tường mà là không gian rộng, không gian toàn cầu. Lúc này giáo dục không phải chỉ là điểm số mà là sự khuyến khích, động viên, thúc đẩy. Giáo dục không phải chỉ là một chương trình, nhiều SGK nữa mà là thế giới của điện toán đám mây.
Khái niệm giáo dục ở đây là mọi hành vi hành động của con người có mục tiêu, có định hướng, được tổ chức khoa học để khai phóng năng lực sẵn có của người học.
Năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Thư gửi học sinh”, Bác viết: "Một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người lực sẵn có ...””. Đây là tư tưởng lớn, tiến bộ của giáo dục khai phóng. Chính từ sự đổi mới này, giáo dục phổ thông của chúng ta đang đi đúng định hướng.
Giáo dục đại học có điểm nhấn là được giao quyền tự chủ về tổ chức, tài chính và học thuật cho các trường. Trong thời gian tới, giáo dục đại học sẽ trở lại cái gốc của vấn đề là trung tâm đổi mới sáng tạo.
Vậy, tư duy và cách tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời đại 4.0 như nào cho phù hợp?
Theo quan điểm của tôi phải có 3 vấn đề:
Thứ nhất, công nghiệp hóa, hiện đại hóa muốn bền vững, và trở thành chiến lược thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước thì điều căn cốt phải chuẩn bị nguồn nhân lực người, chất lượng giáo dục từ phổ thông đến giáo dục đại học.
Cốt lõi của nguồn nhân lực là vấn đề tư duy sáng tạo, ngoại ngữ và vấn đề công nghệ. Để học sinh, sinh viên tiếp cận nhanh với công nghệ, thị trường lao động thì trọng tâm của các trường phổ thông và đại học phải tiếp cận một chương trình giáo dục sáng tạo, chương trình kích thích tư duy từ quá trình học các khoa học cơ bản.
Do vậy, về hình thức tổ chức giáo dục phổ thông phải tập trung vào vấn đề trải nghiệm sáng tạo. Giáo dục đại học phải được tiếp cận với thị trường đặc biệt là những doanh nghiệp lớn. Bởi vì đích cuối cùng, theo Luật Giáo dục là phát triển toàn diện con người - con người thông minh, con người có kiến thức nền tảng và con người có khả năng thích ứng.
Thứ hai, phát triển nhân lực, chúng ta lưu ý định nghĩa của tổ chức phát triển LHQ đã xác định, phát triển nguồn nhân lực là: “Phát triển nhân tính và khả năng của con người, sử dụng có hiệu quả khả năng ấy”.
Nếu phân tích khái niệm này, thì khái niệm phát triển nguồn nhân lực phải gắn liền với sử dụng nguồn nhân lực. Chính sách sử dụng nguồn nhân lực thế nào sẽ kích hoạt trở lại năng lực đào tạo của hệ thống đào tạo.
Vấn đề đặt ra, tốc độ xây dựng chính sách sử dụng nhân lực phải đi trước, thậm chí nhanh hơn tốc độ đào tạo. Điều này được xác định trong ba đột phá ở Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó có đột phá về chính sách, thể chế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thứ ba, để công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công và bền vững, cần có cách tiếp cận văn hóa, cách tiếp cận văn hóa để thay đổi thói quen xã hội.
Với cách tiếp cận văn hóa, muốn khẳng định giá trị đặc sắc của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bản sắc Việt Nam với định hướng XHCN.
Ở nội dung này, đây là cách tiếp cận mềm có giá trị bền vững, mặc dù đòi hỏi phải có thời gian nhưng hiệu quả sẽ bền lâu. Ở đây ta dùng công nghệ để tiếp cận công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì cũng đồng thời phải có cách tiếp cận văn hóa lâu bền. Làm sao để giá trị năng lực con người Việt Nam gắn với động lực phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hướng theo bản sắc Việt Nam.
Với cách tiếp cận văn hóa và thay đổi thói quen xã hội, ví dụ đứng trước dịch bệnh Covid-19 đã làm thay đổi cách quản lý xã hội. Phải lược bỏ bệnh hình thức, những bệnh cố hữu làm kìm hãm sự phát triển của xã hội. Lối tương tác xã hội mang tính chất bày biện, không đi vào bản chất của vấn đề, bệnh hình thức, quan liêu.
Điều này đồng thời đặt ra chúng ta phải có cách tiếp cận văn hóa, thay đổi thói quen của xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Có quan điểm của các nhà đạt giải Nobel ở thế kỷ XX đã nói: “Chúng ta thám hiểm những vì sao xa xôi, thăm dò những đại dương sâu thẳm, nhưng người láng giềng gần cửa lại là người xa lạ”. Ở đây, muốn nói đến việc mất cân bằng trong việc nghiên cứu về con người, không quan tâm đến nghiên cứu năng lực người trong thế kỷ XX.
Nhưng đến thế kỷ XXI, chúng ta đã thấy hiện tượng một con vi-rút siêu nhỏ, không trông thấy được, nhưng nó đã làm khuynh đảo cả thế giới. Lý do, chúng ta ít hiểu biết về nó. Như vậy, sự “đứt gãy” (nếu có) trong chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đáng lo ngại nhất là vấn đề hiểu biết.
Tóm lại, nếu tiếp cận nguồn nhân lực từ vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước có ba vấn đề trụ cột: Nền tảng (kiến thức nền tảng, khoa học nền tảng, hiểu biết xã hội nền tảng); Tốc độ (tốc độ công nghệ, tốc độ hoàn thiện chính sách, tốc độ sự phát triển); và Văn hóa.
Ba trụ cột này kết hợp, bổ sung để chúng ta chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng để đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa bền vững nhất.
Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số Thứ 2 (183)
GS.TS Phạm Hồng Quang – Giám đốc Đại học Thái Nguyên
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!