Không có một định nghĩa nào cụ thể cho phạm trù đạo đức nghề nghiệp, bởi mỗi công ty, doanh nghiệp sẽ có những quy định, văn hoá riêng.
Tuy nhiên, nếu bạn là người thật sự có tâm với công việc bạn sẽ tự đặt ra cho mình những quy tắc riêng, những điều không nên và không được làm trong quá trình làm việc như: lừa dối, làm việc không trách nhiệm, lơ là, lợi dụng của công… Vậy để được đồng nghiệp, cấp trên đánh giá là người có đạo đức nghề nghiệp bạn cần phải làm thế nào?
Làm việc có nguyên tắc
Bạn đừng nghĩ mình không làm khó dễ, không nói xấu đồng nghiệp nghĩa là bạn là người có đạo đức trong nghề nghiệp. Bởi đạo đức nghề nghiệp được thể hiện cả trong thái độ làm việc của bạn ở công ty mỗi ngày. Bạn không thể thích thì làm, không thích thì nghĩ, làm việc theo cảm hứng mà hãy tuân thủ theo nguyên tắc, giờ giấc công ty đã quy định, đó là cách bạn đang tự nâng cao đạo đức nghề nghiệp nơi công sở đó.
Mối quan hệ với đồng nghiệp
Hãy biết mình đang ở đâu và làm chủ được các mối quan hệ, tình cảm của mình đối với đồng nghiệp, nhất là những đồng nghiệp đã có gia đình. Đừng tỏ ra qua dễ dãi hay tán tỉnh, có tình cảm đặc biệt với những đồng nghiệp này, cho dù đó là chuyện riêng tư nhưng bạn cũng đang vi phạm đạo đức nghề nghiệp với đồng nghiệp và sẽ bị đánh giá không hay về lối sống, cách ứng xử với đồng nghiệp khác.
Tính trung thực
Trong công việc không chỉ đòi hỏi sự nhiệt tình mà cần phải có tính trung thực. Bạn không nên nói quá, khoa trương cá nhân mình với các đồng nghiệp khác, đặc biệt là nối dối khách hàng về vị trí của mình trong công ty, phô trương sự hiểu biết của mình trước mặt khách hàng mà thực tế thì bạn không biết nhiều đến như thế, điều đó không chỉ làm trái với lương tâm nghề nghiệp mà tệ hại hơn nếu bị phát hiện bạn bị đánh giá là người thiếu khiêm tốn và không có tâm đối với công việc của mình.
Làm việc qua loa
Thời gian làm việc của bạn là 8 tiếng mỗi ngày, nhưng ngày nào bạn cũng đến muộn, về sớm, lên công ty chỉ lo lướt web, đọc báo, chat với bạn bè mà không chú tâm vào công việc, khi được giao nhiệm vụ mới thì làm qua loa cho có rồi để đó, nhưng cuối tháng vẫn lĩnh lương và còn hy vọng lương thưởng sẽ tăng. Nếu bạn là người làm việc với thái độ như vậy, cần phải chỉnh đốn lại ngay, nếu không sớm muộn bạn cũng sẽ bị thay thế, sa thải vì không có tinh thần trách nhiệm đối với công việc.
Lạm dụng của công
Bạn không nên lấy tài sản của công ty mang về nhà sử dụng hoặc quá lạm dụng của công như máy in, photo, các tài sản nhỏ như bút, sổ ghi chép… Bạn lấy một lần sẽ không ai để ý, nhưng nếu lấy nhiều lần bạn sẽ bị đánh giá là lợi dụng của công, ý thức kém và thiếu đạo đức trong việc sử dụng tài sản chung. Nếu bạn đang là người như thế thì hãy dừng lại ngay nhé, đừng vì một chút tài sản nhỏ mà bị đánh giá không tốt.
Hãy là tấm gương sáng
Dù là nhân viên hay lãnh đạo bạn cũng cần luôn thể hiện mình là người công bằng, minh bạch trong mọi việc. Là người luôn cố gắng và có chí tiến thủ, mọi việc làm đều vì mục đích cuối cùng là vì sự phát triển của công ty, doanh nghiệp.
Đạo đức nghề nghiệp là tài sản quý giá nhất đối với mỗi người và doanh nghiệp. Đó là điểm tựa giúp mỗi cá nhân đứng vững được trong môi trường làm việc với nhiều cạnh tranh nơi công sở và tiền đề cho sự thăng tiến trong sự nghiệp. Vì vậy, hãy làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất và trung thực, luôn đề cao đạo đức nghề nghiệp trong mọi hoàn cảnh, bạn sẽ luôn được đồng nghiệp và công ty coi trọng.
Nguồn: viec lam quang ngai - viec lam dong thap -viec lam
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dao-duc-nghe-nghiep-noi-cong-so-a87761.html