+Aa-
    Zalo

    Danh ca Phương Dung: “Tôi không xem Lệ Quyên là ca sĩ của dòng nhạc Bolero”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Danh ca Phương Dung được mệnh danh là “Nhạn trắng Gò Công” sở hữu sắc đẹp mảnh mai.

    Danh ca Phương Dung được mệnh danh là “Nhạn trắng Gò Công” sở hữu sắc đẹp mảnh mai. Bà cho hay, ngày trẻ bà thường xuyên trình diễn trong tà áo dài trắng tinh khôi nên nhiều người ưu ái gọi bà bằng biệt danh trên. Mới đây, bà đã có những chia sẻ về cuộc đời, về âm nhạc với PV báo ĐS&PL.

    Đi hát trở lại sau khi ... sinh 8 người con

    Chia sẻ với PV, danh ca Phương Dung cho hay: “Năm 1976, tôi đã sang Mỹ định cư. Ở Mỹ, tôi có 2 nhà hàng nên vừa chăm con, vừa buôn bán. Đến khi cực quá, không kham nổi nên tôi bán nhà hàng và năm 1986 đi hát trở lại vì lúc này các con đã lớn. Mà buồn cười lắm, khi lập gia đình,nhiều người hỏi tôi có mấy đứa con, tôi bảo 8 đứa thì họ liền hỏi “con chung hay con chồng”. Tôi bảo 8 đứa đều là con mình, họ tiếp tục hỏi “chúng có mấy cha”. Tôi nói chúng đều một cha một mẹ, vì vợ chồng tôi sống với nhau trong52 năm”. Danh ca Phương Dung tiết lộ ông xã lớn hơn bà 13 tuổi. Với bà, sự nghiệp ca hát là trên hết nhưng sau khi lập gia đình, bà đã bước lùi lại để chăm lo cho chồng con. May mắn, ông xã hiểu được hy sinh của vợ nên sau này cùng con động viên “Nhạn trắng Gò Công” đi hát trở lại. Bà tiết lộ chồng thích thức ăn Pháp như bít tết, súp củ hành, vịt nấu cam, mình thì“mê mệt” cá kho tộ, canh chua, cà pháo, mắm tôm. 

    Dù nhiều sở thích khác nhau nhưng khi lập gia đình cả hai luôn lùi một bước để nhường nhịn nhau. “Tôi lập gia đình hay theo đuổi âm nhạc, đã quyết định thì phải đi đến cùng, sống chết với nó dù khó khăn, gian nan. Bởi hạnh phúc gia đình không như một bài thơ, được trải gấm hoa, có những khó khăn thăng trầm mà người phụ nữ thường đứng phía sau cổ vũ sự thành công của chồng”, Phương Dung cho biết cha bà đã dạy như thế. 

    Danh ca Phương Dung được mệnh danh là “Nhạn trắng Gò Công”.

    “Mỗi khi vợ chồng giận nhau, tôi không nói chuyện. Ông ấy liền gọi bạn đến nhà họp mặt, tôi sẽ vui vẻ tiếp chuyện quên luôn cơn giận. Nhiều khi tôi cảm thấy bị ông ấy “gài” nhưng trên hết ông ấy hiểu tính tôi, dù giận hờn nhưng phải giữ thể diện cho chồng”, Phương Dung chia sẻ bí quyết để sống với người chồng hơn nửa thế kỷ. Tuy nhiên, chồng bà đột ngột ra đi ở tuổi 88 do nhồi máu cơ tim. Và bà cũng quyết định về Việt Nam để ca hát. Sau khi trở về Việt Nam, danh ca Phương Dung cùng một số tên tuổi như Thái Châu, Giao Linh, Thanh Tuyền, BảoYến, Đông Đào lần lượt trở thành giám khảo của nhiều cuộc thi bolero rộ lên trong vài năm gần đây như Tình Bolero,Solo cùng Bolero, Kịch cùng Bolero,Hãy nghe tôi hát, Người kể chuyện tình... Danh ca Phương Dung chia sẻ: “Tôi được người bạn thân thập niên 1960 là danh ca Hoàng Oanh khuyên đi hát trở lại. Cô ấy nói khán giả của chúng ta lớn tuổi, mất đi từ từ, không có trẻ hoài đâu. Phương Dung muốn gặp lại những khán giả từng làm nên sự vinh quang cho “Nhạn trắng Gò Công”.

    Về Việt Nam, tôi như sống lại không khí những năm 1960. Tôi không ngờ dòng nhạc Bolero trở lại như một cơn sóng thần. Dù đứng sân khấu hay ngồi ghế nóng nghe thí sinh hát, tôi mường tượng hình ảnh bản thân ngày xưa. Tôi xúc động vì qua bao năm họ nhớ những bài hát tôi thể hiện. Đi đâu, khán giả cũng nhắc nhớ những kỷ niệm xưa, rồi còn được mời làm giám khảo với nhiều cuộc thi Bolero nữa”.

    “Ở Việt Nam, tôi chưa thấy ca sĩ nào hát tốt dòng nhạc Bolero cả”

    Chia sẻ về công việc làm giám khảo các cuộc thi Bolero, “Nhạn trắng GòCông” tiết lộ có những hôm bản thân ngồi chấm thi từ 5, 6h sáng đến tận ngày hôm sau. Tuy cực nhưng bà lại thấy hạnh phúc, hãnh diện vì Bolero vẫn giữ được sức sống mãnh liệt. Chính sự đam mê từ các thí sinh và tình cảm yêu mến nồng nhiệt nơi khán giả giúp bà quên hết bao mệt mỏi. Dẫu vậy, danh ca Phương Dung tâm sự để đảm nhận vị trí giám khảo - huấn luyện viên, bà lẫn các đồng nghiệp phải tập “sống chung với lũ” khi bất kỳ lúc nào cũng có thể bị ném đá, chửi mắng thậm tệ.

    Bà kể: “Trong quá trình cầm cân nảy mực, tôi gặp không ít tình huống dở khóc dở cười. Nhưng tựu trung lại, 10 thí sinh đi thi thì hết 5 em là... ham danh vọng. Có nhiều em hát còn kém nhưng vẫn nghĩ mình giỏi, tỏ vẻ ngôi sao. Tôi góp ý thì các bạn từ chối nghe nên bản thân không nói nữa. Trên ghế nóng, đôi khi tôi còn bị thí sinh mắng, rồi cả người nhà họ cũng dùng những lời lẽ thật nặng để xúc phạm mình. Song, tôi không sỗ sàng hay đáp lời lại. 

    Chê thẳng nhiều em sẽ đau nên đôi lúc tôi cũng cân nhắc khuyên nhủ sao cho nhẹ nhàng. Tuy nhiên, tôi không thảo mai được. Thí sinh hát trật nhịp,chênh phô thì làm sao khen bạn hát tốt, hát hay được. Có bạn thi xong còn đến gặp tôi thắc mắc rằng vì sao mình tham gia chương trình A, cuộc thi B giám khảo khen quá trời mà qua đây lại bị chấm rớt”.

    Kể về kỷ niệm khi làm giám khảo, Phương Dung tâm sự: “Tôi còn nhớ một hoa hậu có tiếng trong showbiz lên hát bài Nỗi buồn hoa phượng nhưng lại mặc chiếc đầm ngắn ngủn. Tôi nói thẳng mình không chấm phần thi của bạn. Bởi, tôi chấm là chấm cái thanh trước. Thành ra, việc tập trung cho giọng hát vẫn là điều quan trọng nhất. Cố gắng nghiên cứu để cũng bài đó mà mình hát là ăn liền, hơn những người khác. Không phải tự cao nhưng bạn thử nhìn lại bài Ai cho tình yêu, có ai ngâm thơ ngoài “Nhạn trắng” này. Vì bài đó rất ngắn nên mình làm sao cho không vướng vào tình trạng câu nào cũng đều đều rồi mọi thứ trôi tuột, chẳng đọng lại gì. Bản thân phải có cái lạ, cái hay thì mới mong người ta nhớ tới mình được”.

    Khi được hỏi: Trong những người trẻ hát Bolero hiện nay ở thị trường âm nhạc Việt Nam, bà đánh giá cao ai nhất? Danh ca Phương Dung cho hay: “Ở Việt Nam, tôi chưa thấy ca sĩ nào hát tốt dòng nhạc Bolero cả. Họ chỉ hát ở tầm trung bình thôi. Theo tôi, Lệ Quyên không phải là ca sĩ dòng nhạc Bolero. Quyên thích thì Quyên hát dòng nhạc này thôi chứ không phù hợp với dòng nhạc Bolero. Bolero có những luyến láy riêng, chỉ cần một chữ được người nghệ sĩ xử lý kỹ thì đã khác rồi. Tôi phải khắt khe mà, với kinh nghiệm của mình, tôi thấy thực tế là vậy.

    Trả lời câu hỏi một người hát tốt một dòng nhạc khác, họ có thể hát tốt dòng nhạc Bolero không, Phương Dung bộc bạch: “Khó lắm, nghe cái luyến láy của Bolero tưởng có vẻ dễ nhưng thực ra rất khó. Năm 11 tuổi, tôi đã đi hát rồi nên có ít nhiều kinh nghiệm về dòng nhạc Bolero. Họ chỉ có thể hát và tự tin ở dòng nhạc mà mình theo đuổi, còn Bolero thì lại khác”.

    LẠC THÀNH
     Bài đăng trên báo in Đời Sống & Pháp Luật số 111
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/danh-ca-phuong-dung-toi-khong-xem-le-quyen-la-ca-si-cua-dong-nhac-bolero-a284115.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan