Thời gian gần đây, tại một số địa phương xuất hiện các đối tượng gọi điện thoại giả danh là cán bộ, chiến sĩ cảnh sát PCCC để gợi ý các cá nhân, đơn vị mua các loại trang thiết bị, phương tiện PCCC và trực tiếp bán tài liệu tuyên truyền về PCCC. Hành vi giả danh trên là vi phạm pháp luật, gây bức xúc trong dư luận.
Đủ chiêu lừa đảo “móc túi” người dân
Gần đây, một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn TP.Hà Tĩnh vừa phản ánh đến Công an TP.Hà Tĩnh về việc bị người lạ gọi điện xưng cảnh sát PCCC để bán tài liệu, phương tiện PCCC với giá “cắt cổ”.
Bộ tài liệu và phương tiện PCCC mà kẻ giả danh cảnh sát phòng cháy đã bán cho một người ở Hà Tĩnh. |
Theo đó, ngày 19/5, Công an TP.Hà Tĩnh đã phát đi thông tin cảnh báo về việc thời gian qua, cơ quan này nhận được nhiều phản ánh về tình trạng lừa đảo nêu trên.
Thủ đoạn của các đối tượng là mạo danh cán bộ cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (CNCH) của Công an tỉnh Hà Tĩnh và bộ Công an, chủ động gọi điện thoại cho người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để thông báo kế hoạch tổ chức kiểm tra, tập huấn nghiệp vụ PCCC, sau đó yêu cầu cơ sở mua tài liệu, phương tiện PCCC bằng hình thức giao dịch qua đường bưu điện hoặc chuyển tiền trước qua số tài khoản.
Một nạn nhân bị lừa công tác tại một cơ sở giáo dục trên địa bàn Hà Tĩnh kể lại, chị nhận được điện thoại của một người giọng Bắc xưng công tác tại cục Cảnh sát PCCC nói có một lớp tập huấn về PCCC. Nếu không đi được, chỉ cần lấy tài liệu giá tiền 600.000 đồng bằng hình thức nhận và thanh toán qua đường bưu điện.
Tuy nhiên, khi nhận tài liệu xong, mấy ngày hôm sau có cán bộ cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP.Hà Tĩnh xuống kiểm tra thì mới biết tập tài liệu PCCC trên in nhiều văn bản pháp luật về PCCC đã hết hiệu lực, giá tài liệu cao hơn thị trường.
Trước tình trạng trên, Công an TP.Hà Tĩnh khẳng định, phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Hà Tĩnh không có chủ trương cử cán bộ gọi điện cho các cơ quan, doanh nghiệp để hướng dẫn mua tài liệu. Tất cả các trường hợp trên đều là giả danh lực lượng cảnh sát PCCC để lừa đảo, thu lợi bất chính. Hành vi này là vi phạm pháp luật, gây phiền hà, khó khăn cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh.
Để ngăn chặn tình trạng trên, Công an TP.Hà Tĩnh khuyến cáo, khi phát hiện các đối tượng giả danh thực hiện các hành vi như trên, đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và người dân kịp thời phản ánh ngay cho cơ quan công an địa phương nơi gần nhất hoặc qua đường dây nóng 114 của phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Hà Tĩnh, trực ban Công an TP.Hà Tĩnh theo số điện thoại 069. 2928. 258 hay 069. 2928. 600 để có biện pháp phối hợp, xử lý kịp thời.
Thủ đoạn này diễn ra khá phổ biến tại các địa phương, trước đó, tháng 1/2019, Công an tỉnh Thanh Hóa cũng nhận được thông tin từ một số người dân, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về việc một số đối tượng gọi điện bằng số máy lạ mạo danh cán bộ cảnh sát PCCC để bán tài liệu, phương tiện PCCC.
Thủ đoạn của các đối tượng là chủ động gọi điện thoại cho người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp mới thành lập... để thông báo kế hoạch tổ chức kiểm tra, huấn luyện nghiệp vụ PCCC, sau đó yêu cầu cơ sở mua tài liệu, phương tiện PCCC bằng hình thức giao dịch qua đường bưu điện và chuyển tiền vào tài khoản cho đối tượng.
Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH khẳng định không có chủ trương gọi điện cho các cơ quan, doanh nghiệp để hướng dẫn mua tài liệu. Tất cả các trường hợp trên đều là giả danh lực lượng cảnh sát PCCC để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Tháng 11/2018, tại An Giang cũng xảy ra tình trạng tương tự. Thượng tá Võ Phúc Thọ, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh An Giang khẳng định, đơn vị không cử cán bộ, chiến sĩ gọi điện thoại, fax... thực hiện các nội dung nêu trên.
Theo quy định, cán bộ, chiến sĩ trước khi đến cơ sở, cơ quan, doanh nghiệp kiểm tra thì phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh An Giang sẽ có kế hoạch và gửi thông báo nội dung kiểm tra đến cơ sở, cơ quan, doanh nghiệp trước 3 ngày làm việc. Đồng thời, khi đến cơ sở, cán bộ, chiến sĩ có mang theo giấy giới thiệu và mặc trang phục Công an Nhân dân theo quy định.
Nội dung thông báo thời gian gần đây có nhiều người giả danh Cảnh sát PCCC bán tài liệu PCCC ở An Giang. |
Cảnh giác để không bị “sập bẫy”
Nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân, các đối tượng lừa đảo đã nghĩ ra đủ chiêu dụ người dân “sập bẫy”. Đặc biệt, thời gian qua liên tiếp xảy ra những vụ hỏa hoạn lớn gây hậu quả nghiêm trọng. Đại diện Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, trước đó, tại địa phương cũng xảy ra tình trạng tương tự. Để không bị phát hiện, các đối tượng này không trực tiếp lộ mặt, chỉ sử dụng điện thoại di động gọi điện đến người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp yêu cầu chuyển tiền qua bưu điện theo nội dung đề nghị của đối tượng.
Theo tài liệu của Công an tỉnh Hòa Bình, trong tháng 3/2018, anh Trần Văn Hiếu, chủ cửa hàng kinh doanh gas ở tổ 12, phường Chăm Mát, TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, nhận được cuộc gọi của một người đàn ông tư xưng là cán bộ phòng Cảnh sát PCCC, đưa ra thông tin phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh sắp tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC, yêu cầu anh mua các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC và thiết bị, phương tiện PCCC kèm theo.
Tin tưởng đó là sự việc có thật, hơn nữa số tiền không lớn, anh Hiếu đã chuyển 800 nghìn đồng vào tài khoản của chúng. Trước đó, khoảng tháng 12/2017, cũng thủ đoạn trên, các đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt 1 triệu đồng của chi nhánh xăng dầu Hòa Bình.
Theo Công an tỉnh Hòa Bình, đây là hành vi có dấu hiệu lừa đảo, ảnh hưởng xấu đến uy tín, hình ảnh của lực lượng Cảnh sát PCCC. Theo một cán bộ điều tra Công an tỉnh Hòa Bình, sở dĩ người dân dễ bị sập bẫy là do tâm lý cả tin, không nắm vững các quy định pháp luật khiến một số cá nhân dễ thực hiện hành vi lừa đảo.
Bên cạnh đó, một số cá nhân mặc dù không hề liên quan đến hoạt động của các loại tội phạm nhưng vẫn tin vào lời đe dọa của đối tượng, sau đó chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng cung cấp, dẫn đến việc lừa đảo, chiếm đoạt một số tiền lớn.
Để ngăn chặn tình trạng trên, vị cán bộ này khuyến cáo, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và người dân cần đề cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa, đấu tranh và tố giác các hành vi, thủ đoạn mạo danh lừa đảo nêu trên. Khi phát hiện các trường hợp nghi vấn, có dấu hiệu lừa đảo thì kịp thời báo về cơ quan công an gần nhất để phối hợp, đấu tranh, xử lý.
Với các thủ đoạn này, thời gian qua, lực lượng Công an đã tăng cường thông tin tuyên truyền, phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh, xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với nhiều trường hợp có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Nhóm PV
Bài đăng báo giấy Đời sống & Pháp luật số 81