+Aa-
    Zalo

    Đăng Khôi kiện Zing MP3 vi phạm bản quyền gần 10.000 ca khúc HQ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Vấn đề bản quyền sở hữu trí tuệ lâu nay vẫn chỉ là chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" tại Việt Nam.

    (ĐSPL) - Vấn đề bản quyền sở hữu trí tuệ lâu nay vẫn chỉ là chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" tại Việt Nam.

    Vấn đề không phải các cá nhân, đơn vị kinh doanh không ý thức được những rắc rối nếu liên quan đến việc tranh chấp, vi phạm bản quyền. Mà bởi Luật Bản quyền vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Thêm vào đó, số tiền phải bỏ ra nếu bị khởi kiện, thấp hơn nhiều so với lợi nhuận thu về. Với tư tưởng làm ăn kiểu "tiểu nông làng xã", không ít người Việt vẫn tiếp tục vi phạm bản quyền, mặc cho Luật Bản quyền Việt Nam đang từng ngày nhọc nhằn phát huy hiệu lực.

    Tuyên chiến với vấn nạn vi phạm bản quyền

    Ngày 30/7, ca sỹ Đăng Khôi, Giám đốc công ty Việt Giải trí cho biết, đã nộp đơn lên TAND TP. HCM, kiện công ty Cổ phần VNG (chủ quản trang Zing MP3), về việc vi phạm bản quyền gần 10.000 ca khúc của khoảng 700 nghệ sỹ Hàn Quốc, do Việt Giải trí được ủy quyền sử dụng hợp pháp tại Việt Nam.

    Theo đó, số tiền và công ty Việt Giải trí đòi bồi thường là 4 tỉ đồng, cho thời gian sử dụng từ tháng 8/2013 đến tháng 7/2014. Trước đó, Việt Giải trí đã có buổi làm việc với Zing MP3, cung cấp bằng chứng vi phạm của Zing MP3 với nguồn nhạc K-pop. Nhưng, cho đến nay Zing MP3 vẫn tiếp tục im lặng.

    Vụ Zing MP3 tiếp tục bị kiện vi phạm bản quyền:

    Ca sỹ Đăng Khôi- Giám đốc công ty Việt Giải trí đòi bồi thường 4 tỉ đồng cho những sai phạm bản quyền của Zing MP3.

    Theo tìm hiểu của PV, K-pop (nhạc trẻ Hàn Quốc) đang có những bước đi mới trong việc chinh phục thị trường Việt Nam. Thông qua kênh thông tin phim, ảnh, K-pop đã có những cuộc "tấn công" khá thành công vào thị trường châu á nói chung và Việt Nam nói riêng từ đầu những năm 2000. Thay vì bỏ tiền mua vé xem sô biểu diễn trực tiếp, hoặc mua đĩa gốc, giới trẻ Việt vẫn có thói quen nghe nhạc Hàn từ những kênh "miễn phí" như internet, truyền hình. Nắm bắt được thị hiếu này, các kênh nhạc số tại Việt Nam cũng không bỏ qua cơ hội "vàng", sở hữu và cung cấp gần như "miễn phí" thể loại âm nhạc này. Điển hình có thể kể đến Zing MP3, Nhaccuatui, Nhacso, Chacha,...

    Trong các trang nhạc số Việt, Zing MP3 là đơn vị đang nắm gần 70\% thị phần nhạc số tại Việt Nam. Đây cũng là trang mạng từng dính dáng đến vụ kiện tụng vì vi phạm bản quyền. Cuối tháng 2/2014, trung tâm Sản xuất phát hành nhạc Làng Văn (có trụ sở tại California, Mỹ), cáo buộc trang Zing MP3 sử dụng trái phép hơn 3.000 bài hát và hơn 600 album nhạc mà Làng Văn có bản quyền. Theo lý giải của Zing MP3, thì do cộng đồng người sử dụng tự đưa lên hệ thống. Và chính người tiêu dùng sẽ phải chịu trách nhiệm cho việc vi phạm bản quyền.

    Những vụ kiện vi phạm bản quyền như thế này, không thể nói trước thời gian sẽ kéo dài bao lâu, có thể là nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Với tấm giấy phép mạng xã hội đang có trong tay, theo đánh giá của nhiều người am hiểu Luật Bản quyền, Zing MP3 hiện đang có ưu thế khá lớn trong cuộc chiến pháp lý, chống lại các cáo buộc. Bởi mạng xã hội là nơi người dùng có quyền tự do đăng tải và chia sẻ nội dung bất kỳ. Với thao tác này, trách nhiệm pháp lý phần lớn sẽ được đẩy về phía người tiêu dùng, vốn là những người ẩn danh trên mạng xã hội. Khi có khiếu nại, Zing MP3 sẽ lập tức xác minh và tiến hành gỡ bỏ tác phẩm, hoặc khóa tài khoản người dùng.

    Với tình hình âm nhạc tại Việt Nam, nhiều người nhận định rằng, những vụ kiện tụng vi phạm, tranh chấp bản quyền, không chỉ đơn giản là khoản tiền bồi thường vi phạm. Theo một chuyên gia trong làng nhạc số, những vụ kiện tụng kiểu này, nhiều khi chỉ như một "chiêu trò" để bán nhạc, hoặc PR cho sản phẩm âm nhạc của mình. Bởi đơn giản, theo một vụ kiện tụng bản quyền, không những tốn thời gian, tiền bạc, mà khả năng thắng kiện cũng rất mong manh. Điều có ý nghĩa nhất, mà nhiều người tâm huyết hy vọng, là thông qua cuộc chiến với việc vi phạm bản quyền này, Việt Nam sẽ phải nghiêm túc hơn trong việc thực thi Luật Bản quyền.

    Vụ Zing MP3 tiếp tục bị kiện vi phạm bản quyền:

    Trang nhạc số Zing MP3 bị "tố" vi phạm bản quyền.

    Gây thiệt hại lớn về kinh tế?

    Có lẽ, sự vi phạm bản quyền về âm nhạc của Zing MP3 là khá nhiều. Song, đơn vị này vẫn tiếp tục sai phạm dù việc công ty này đã bị nhắc nhở vì tình trạng vi phạm bản quyền. Ca sỹ Đăng Khôi, Giám đốc công ty Việt Giải trí chia sẻ: "Vào tháng 8/2013, bên Khôi được công ty Viettel cho phép độc quyền khai thác bản quyền nhạc số, nhạc chuông, nhạc chờ.... của Hàn Quốc tại Việt Nam. Trong đó, có bản quyền 10.000 bài hát của các ca sỹ nổi tiếng của Hàn Quốc.

    Tuy nhiên, trong quá trình làm, thì bên công ty Khôi nhận thấy Zing MP3 đã vi phạm bản quyền nghiêm trọng. Công ty Việt Giải trí yêu cầu Zing MP3 thực hiện việc tôn trọng bản quyền, cũng như có trách nhiệm trả tiền bản quyền. Đồng thời, phía công ty Việt Giải trí đã gửi 13 công văn, và có đến ba lần đến Zing MP3, song, đơn vị này vẫn đưa ra lý do để chậm trả tiền và không có ý định hợp tác bản quyền. Đã hơn một năm, nhưng Zing MP3 vẫn chưa có động thái nào, nên chúng tôi buộc phải lên tiếng".

    Được biết Zing MP3 là một đơn vị trung gian, lấy các bài hát của ca sỹ, nhạc sỹ phân phối đến người nghe. Tuy nhiên, điều đáng nói là dù người nghe có trả tiền cho các bài hát, song Zing MP3 lại không trả tiền này cho một số nghệ sỹ Hàn Quốc, thông qua các đơn vị được ủy quyền tại Việt Nam. Chính cách làm này đã khiến cho Hàn Quốc thiếu sự tin tưởng vào Việt Nam. Ca sỹ Đăng Khôi cho biết thêm: "Phía Hàn Quốc cho rằng, Zing MP3 là một đơn vị lớn, chiếm 2/3 thị trường nghe nhạc tại Việt Nam, nhưng lại vi phạm bản quyền, dù họ đã gửi trực tiếp các công văn đến Zing MP3. Chính cách làm này của Zing MP3 phần nào đã khiến cho hình ảnh của Việt Nam trở nên không được đẹp trước mắt bạn bè quốc tế là một điều đáng buồn".

    Là một công ty lớn nhưng sự vi phạm của Zing MP3, đã khiến Hàn Quốc thật sự nổi giận. Ca sỹ Đăng Khôi cho biết thêm: "Phía Hàn Quốc cho rằng, họ đã chi một số tiền lớn để tạo ra các sản phẩm âm nhạc. Tuy nhiên, Zing MP3 dù không làm gì, nhưng vẫn thu tiền. Số tiền ấy lẽ ra phải thuộc về họ, nhưng Zing MP3 vẫn không thực hiện. Hơn bao giờ hết, việc tôn trọng bản quyền là một việc làm cần tuân thủ".

    Hiện nay, trong việc hội nhập với các nền kinh tế trên thế giới, luôn có yêu cầu bắt buộc tôn trọng bản quyền trí tuệ. Bởi việc tôn trọng trí tuệ, các bản quyền là việc tôn trọng các giá trị hàng hóa ở dạng sản phẩm tinh thần. Vì ở dạng tinh thần, nên dễ dàng bị đánh cắp một cách ngang nhiên. Việc vi phạm bản quyền kiểu này, cũng gây ra sự thiệt hại về kinh tế khá rõ cho những đơn vị liên quan.

    Dù hiện nay, ở Việt Nam, đã có một số đơn vị bảo vệ quyền tác giả, tác phẩm, hay nhạc sỹ Huy Tuấn với phong trào nghe có ý thức... đã góp phần vào việc bảo vệ nghiêm ngặt chuyện bản quyền. Song, vẫn không thể xóa bỏ được tệ nạn này một sớm, một chiều. Trường hợp Zing MP3 là một đơn vị đi đầu trong cả nước, song vẫn sai phạm nghiêm trọng. Giả sử, với cách làm này, ở nước ngoài, Zing MP3 có thể bị phạt tiền nặng nề, thậm chí là đóng cửa doanh nghiệp, nếu không tôn trọng bản quyền một cách tuyệt đối. Hiện tại, phía Zing MP3 vẫn chưa lên tiếng về việc vi phạm bản quyền này.                      

    Vi phạm bản quyền là việc làm của "những kẻ thiếu chuyên nghiệp"

    Chia sẻ về vấn đề này, nhạc sỹ Miêu Thanh cho biết: "Hiện nay, việc vi phạm bản quyền ở Việt Nam còn diễn ra khá nhiều. Đây là một việc làm cần chấn chỉnh, bởi việc vi phạm bản quyền có thể gây ra tình trạng kém phát triển cho âm nhạc, thậm chí, việc vi phạm bản quyền quốc tế còn tạo ra những tác động tiêu cực khác, khiến cho hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế bị giảm dần. Không chỉ vậy, vi phạm bản quyền còn là cách làm việc thiếu chuyên nghiệp, chỉ khi nào chúng ta giải quyết được tình trạng này mới có thể tạo ra những cú hích phát triển âm nhạc".

    Ngày 31/7, PV đã liên hệ với công ty VNG (chủ quản trang Zing MP3) để tìm hiểu thêm sự việc do công ty Việt Giải trí kiện Zing MP3 về việc vi phạm bản quyền sử dụng nhạc Hàn Quốc tại Việt Nam. Đại diện phía công ty cho biết, không có bình luận hay có bất kỳ ý kiến gì về sự việc kiện cáo lần này. 


     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dang-khoi-kien-zing-mp3-vi-pham-ban-quyen-gan-10000-ca-khuc-hq-a44453.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan