+Aa-
    Zalo

    Vụ lùm xùm không đáng có trước đêm nhạc Khánh Ly

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – Đêm nhạc Khánh Ly tại Hà Nội đã thành công, nhưng ngay trước giờ diễn tối qua (2/8), nhạc sĩ Phó Đức Phương đã phải đến tận nơi để đòi tiền bản quyền ca khúc.

    (ĐSPL) – Đêm nhạc Khánh Ly tại Hà Nội đã thành công, nhưng ngay trước giờ diễn tối qua (2/8), nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã phải đến tận nơi đòi tiền bản quyền các ca khúc được biểu diễn.

    Nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết, Ban tổ chức chương trình không đóng phí tác quyền âm nhạc theo đúng luật. Với sự việc này, ông sẵn sàng có những biện pháp mạnh thậm chí ngay trước công chúng để đòi quyền lợi cho tác giả, buộc các đơn vị tổ chức phải nhìn vào đó để thực hiện nghĩa vụ cho đúng luật.

    Lùm xùm đêm nhạc Khánh Ly:Cần có để thanh lọc hoạt động biểu diễn
    Nhạc sĩ Phó Đức Phương. Ảnh: Giadinh.net.vn

    Báo Tuổi trẻ dẫn lời vị nhạc sĩ lúc 19h ngày 2/8 khi ông đang trên đường đến Trung tâm Hội nghị quốc gia - nơi diễn ra đêm nhạc: “Đến giờ này, chương trình biểu diễn của ca sĩ Khánh Ly vẫn chưa có hợp đồng chính thức với trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, tức là chương trình chưa thực hiện nghĩa vụ về bản quyền và quyền tác giả. Đồng thời tối nay, chương trình này chưa được quyền sử dụng các tác phẩm của các tác giả. Những gì diễn ra ở trung tâm hội nghị Quốc gia đêm nay, nếu trước giờ biểu diễn, đơn vị tổ chức không cam kết thực hiện nghĩa vụ luật pháp thì đây là hoạt động trái pháp luật.”

    Trước đó, ngày 17/7, Trung tâm bản quyền âm nhạc Việt Nam đã gửi công văn cho Ban tổ chức chương trình thông báo về việc phải đóng phí tác quyền, tuy nhiên đơn vị này không có hồi đáp. Phải đến ngày 1/8, Ban tổ chức mới có câu trả lời, tuy nhiên cũng mới chỉ là sự hứa hẹn và khất lần.

    Nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết, theo Nghị định 61 Chính phủ, các đơn vị tổ chức biểu diễn phải trích khoảng 15\% tới 21\% doanh thu của 65\%-70\% tổng số tiền bán vé để trả cho tất cả tác giả. Nếu làm đúng luật, các tác giả (người sáng tác ca khúc) có thể đòi tới 10\% trong tổng tiền tác quyền từ ban tổ chức.

    Lùm xùm đêm nhạc Khánh Ly:Cần có để thanh lọc hoạt động biểu diễn
    Khánh Ly biểu diễn trong đêm nhạc hôm qua. Ảnh: VnExpress

    Trong khi đó, báo Người Lao động dẫn lời NSND Trần Bình, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, đơn vị đồng tổ chức liveshow Khánh Ly, cho hay. VCPMC đòi quyền tác giả tính theo kiểu \% doanh thu chương trình là vô lý. “Show Khánh Ly tối nay, họ đòi 268 triệu tiền tác quyền cho 20 bài, quá cao và không chấp nhận được" - NSND Trần Bình bức xúc cho biết.

    Theo nhà tổ chức này, trước nay nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam vẫn thường trả tiền bản quyền các ca khúc của Trịnh Công Sơn trực tiếp cho đại diện gia đình là ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh 1,5 triệu/bài.

    Khi có mặt tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia vào sát giờ biểu diễn, nhạc sĩ Phó Đức Phương đã có cuộc làm việc với đại diện Ban tổ chức show "Khánh Ly in Hanoi". Đơn vị này cho biết, họ chỉ bán được 30\% trong số hơn 3.500 vé tính đến hết ngày 1/8, trong đó có một phần là vé đem tặng, đồng thời khẳng định chưa có ngay tiền mặt để đóng cho cơ quan quản lý trước thời điểm đêm nhạc diễn ra.

    Sự việc chưa đi đến hồi kết, tuy nhiên Ban tổ chức chương trình và Trung tâm bản quyền âm nhạc đã thỏa thuận sẽ có cuộc làm việc chính thức vào ngày thứ hai 4/8 để hoàn tất thủ tục.

    Về nước làm live show ở tuổi 70, hứa hẹn đem lại cho khán giả Hà Nội những giây phút cảm thụ âm nhạc chất lượng nhưng ca sĩ Khánh Ly đã gặp phải "sự cố" không đáng có. 

    Mặc dù công chúng và đặc biệt là khán giả của đêm diễn có phần thất vọng về vụ lùm xùm này, nhưng thiết nghĩ đây việc sớm muộn gì cũng phải xảy ra như một tấm gương để các đơn vị tổ chức hoạt động biểu diễn ở Việt Nam tuân thủ đúng quy định của pháp luật và đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các tác giả.

    Nghị định 61 của Chính phủ về chế độ nhuận bút

    Điều 16. Nhuận bút trả theo doanh thu buổi diễn

    Nhuận bút cho tác phẩm sử dụng dưới hình thức nghệ thuật biểu diễn được tính theo tỷ lệ phần trăm (\%) doanh thu buổi diễn:

    1. Đối với tuồng, chèo, cải lương, kịch nói, kịch thơ, kịch dân ca, kịch hát mới, múa rối, bên sử dụng tác phẩm trích từ 15 - 21\% doanh thu buổi diễn để trả nhuận bút cho tác giả theo quy định dưới đây:

    a) Đạo diễn hưởng 5 - 7\% doanh thu.

    b) Biên kịch hưởng 6 - 8\% doanh thu.

    c) Nhạc sĩ hưởng 2,5 - 3\% doanh thu.

    d) Họa sĩ hưởng 2,5 - 3\% doanh thu.

    đ) Biên đạo múa, tác giả các trò rối, kỹ thuật múa rối, tạo hình con rối sáng tạo mới thì hưởng theo tỷ lệ thoả thuận trong hợp đồng.

    e) Từ buổi diễn thứ 51 của vở diễn tuồng, chèo, cải lương, kịch nói, kịch dân ca, tác giả hưởng thêm nhuận bút khuyến khích bằng 2\% doanh thu buổi diễn.

    2. Đối với tác phẩm múa, bên sử dụng tác phẩm trích từ 15 - 21\% doanh thu buổi diễn để trả nhuận bút cho: biên đạo múa, đạo diễn múa, biên kịch, nhạc sĩ, hoạ sĩ theo tỷ lệ thoả thuận trong hợp đồng.

    3. Đối với tác phẩm âm nhạc, bên sử dụng tác phẩm trích từ 15 - 21\% doanh thu buổi diễn để trả nhuận bút cho: biên kịch, nhạc sĩ, nhạc sĩ phối khí, nhạc sĩ chuyển thể, hoạ sĩ theo thoả thuận trong hợp đồng.

    Từ buổi diễn thứ 21 của nhạc kịch, tác giả hưởng thêm nhuận bút khuyến khích bằng 2\% doanh thu buổi diễn. 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-lum-xum-khong-dang-co-truoc-dem-nhac-khanh-ly-a44253.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan