Cuộc bầu cử thống đốc tại Virginia và New Jersey trong ngày 2/11 (theo giờ Mỹ) đã được truyền thông Mỹ ví là hồi chuông cảnh tỉnh đối với đảng Dân chủ, cho thấy họ đang mất dần vị thế của mình đối với các cử tri.
Việc đại diện đảng Cộng hoà Glenn Youngkin giành chiến thắng ở bang ngoại ô Virginia được dự báo có thể gây ra những "thảm hoạ bầu cử" khác trên cả nước đối với đảng Dân chủ vào giữa nhiệm kỳ năm 2022. Do đó, Tổng thống Joe Biden và các đảng viên Đảng Dân chủ khác thực sự cần một sự thay đổi cơ bản về môi trường chính trị trong 12 tháng còn lại trước cuộc bầu cử. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ không khả thi nếu đại dịch và nỗi lo về kinh tế vẫn còn tồn tại dưới nhiều hình thức. CNN nhận định không có gì cơ bản cần thiết đối với cuộc sống của các cử tri hơn việc mua thực phẩm và xăng dầu.
Một cố vấn của Tổng thống Joe Biden cho biết các đảng viên Dân chủ cần phải hành động nhiều hơn và không thể chỉ dựa vào việc chống lại cựu Tổng thống Donald Trump. Đồng thời, những thành viên nội các của ông Biden cũng hy vọng rằng tình hình căng thẳng trong chính trường Mỹ có thể sẽ hạ nhiệt trong năm tới. Ông nói rằng việc đại dịch đang dần được kiểm soát và niềm tin về việc Quốc hội sẽ sớm thông qua dự luật cơ sở hạ tầng lưỡng đảng cũng như kế hoạch chi tiêu xã hội có thể sẽ đem đến nhiều tín hiệu tích cực đối với đảng Dân chủ.
Tuy nhiên, cố vấn tổng thống nhận định, với việc nhiều người Mỹ còn chưa quen với sự kết hợp giữa vấn đề tài trợ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và giảm thiểu biến đổi khí hậu, đảng Dân chủ cần phải thực hiện một chiến dịch lớn khi kế hoạch được thông qua.
Cam kết chấm dứt đại dịch của Tổng thống Joe Biden
Các cuộc thăm dò ở Virginia cho thấy kinh tế và giáo dục là mối quan tâm hàng đầu của các cử tri trước đại dịch. Tuy nhiên, mối đe dọa của COVID-19 đã trở thành cốt lõi tác động đến việc định hình bản đồ chính trị luôn thay đổi của Mỹ.
Hồi tháng 3/2021, Tổng thống Biden nói rằng các cử tri Mỹ đã chọn bầu cho ông để sửa chữa các vấn đề, bao gồm cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19. Trước đó, trong chiến dịch tranh cử, ông Biden cũng từng cam kết: "Tôi hứa sẽ chấm dứt đại dịch". Giờ đây, sự thành bại trong nhiệm kỳ của ông sẽ phụ thuộc vào cách ông thực hiện lời hứa của mình.
Nhiều yếu tố khiến nền kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng có liên quan tới đại dịch COVID-19. Trong đó, một số người Mỹ không thể trở lại làm việc hoặc không thể tập trung cho công việc của mình vì bận trông con khi các trường học đóng cửa.
Bên cạnh đó, sự bùng phát của biến thể Delta vào mùa hè vừa qua đã làm chậm đà phục hồi kinh tế sau những làn sóng lây nhiễm trước đó.
Không những thế, đại dịch còn gây gián đoạn chuỗi cung ứng khiến nhiều cửa hàng gần như "trống rỗng". Cùng lúc đó, tại châu Á, hoạt động sản xuất vẫn đang bị cản trở do COVID-19 dẫn đến việc thiếu nguồn cung vào thời điểm nhu cầu tăng cao, khiến giá cả leo thang.
Giá xăng tăng cũng đang là một vấn đề nhức nhối tại Mỹ. Việc này bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, bao gồm cả sự miễn cưỡng của các quốc gia sản xuất dầu trong việc cung cấp thêm dầu thô để hỗ trợ Mỹ vượt qua khó khăn.
Được biết, ông Biden đã có cách giải quyết cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng vài tuần trước và bảo đảm mở cửa 24/7 Cảng Los Angeles sẽ giúp đưa các container dự phòng ra khỏi bến cảng. Tuy nhiên, tổng thống thừa nhận ông không thể làm gì nhiều đối với giá xăng. Bộ trưởng Giao thông Pete Buttigieg gần đây nhận định các vấn đề chuỗi cung ứng có thể kéo dài tới năm tới. Những bình luận như vậy có thể khiến công chúng cho rằng Nhà Trắng đang không tập trung vào vấn đề này mỗi ngày.
Chiến dịch tranh cử của ông Glenn Youngkin ở Virginia được cho là đã khai thác các khoảng trống trên, đặt trọng tâm vào những lo âu về kinh tế mà nhiều người trong bang chia sẻ, khiến đối thủ đảng Dân chủ Terry McAuliffe rơi vào thế bị động.
'Tiến bộ đáng kinh ngạc'
Sau chuyến bay trở về từ châu Âu trong một đêm được đánh giá là "ác mộng chính trị", ông Biden đang cố gắng đưa ra một số thông điệp lạc quan rằng những tháng đen tối của đại dịch gần như đã sắp kết thúc.
Phát biểu ngày 3/11, Tổng thống Biden nói: "Chúng tôi đã đạt được những tiến bộ đáng kinh ngạc trong 9 tháng qua nhưng chúng tôi vẫn phải tiếp tục tiến lên. Đại dịch vẫn chưa chấm dứt nhưng chúng tôi đang trên đà tới đó. Sau gần 18 tháng lo lắng lo lắng mỗi khi con bạn bị sụt sịt hoặc bắt đầu ho, giờ đây bạn có thể bảo vệ chúng khỏi loại virus khủng khiếp này (thông qua việc tiêm vaccine)".
Chính quyền tổng thống Mỹ chịu áp lực từ việc phát triển và triển khai tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em trước thời điểm Giáng sinh. Tuy nhiên, theo CNN, một bước đột phá trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 hoàn toàn có thể gây ra những cuộc tranh cãi mới tại Mỹ.
Cụ thể, tranh cãi về vaccine dành cho trẻ em đã nhấn mạnh trở ngại lớn nhất của Tổng thống Biden khi thực hiện cam kết chấm dứt đại dịch. Trong đó, nhiều cuộc thăm dò cho thấy hàng triệu phụ huynh vẫn còn lưỡng lự việc cho con đi tiêm vaccine ngừa COVID-19 với nhiều lo ngại khác nhau. Ngoài ra, phản ứng dữ dội của những người bảo thủ đối với việc đeo khẩu trang, vaccine và các quy định trong suốt đại dịch cũng được xem là một phần nguyên nhân gây ra các đợt bùng phát dịch liên tiếp tại Mỹ.
Theo một cách nào đó, sự thành bại trong nhiệm kỳ của ông Biden có thể nằm trong tay những cử tri đã phớt lờ lời khuyên về sức khỏe cộng đồng của chính phủ. Các cử tri này có thể trông đợi vào đảng Cộng hòa trong thời gian tới nếu bóng đen của đại dịch vẫn còn tồn tại. Do đó, nhiệm vụ đẩy lùi và chấm dứt dịch bệnh được CNN nhận định là nhiệm vụ quan trọng nhất, có thể sẽ giúp đảng Dân chủ giữ vững ưu thế, vốn đang bị lung lay, của mình trước cuộc bầu cử 2022.
Minh Hạnh(Theo CNN)