+Aa-
    Zalo

    Dân Việt lên cơn sốt với mỳ cốc Nhật Bản

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Cơn sốt mỳ cốc đang thổi bùng lên cuộc cạnh tranh mới tại Việt Nam - thị trường mỳ tôm lớn thứ tư thế giới.

    Ở một số cửa hàng tại TP.Hồ Chí Minh hiện nay, mỳ cốc bán chạy hơn mỳ đóng gói. Trước đây, thật khó có thể nghĩ rằng điều này có thể xảy ra. Cơn sốt mỳ cốc đang thổi bùng lên cuộc cạnh tranh mới tại Việt Nam - thị trường mỳ tôm lớn thứ tư thế giới.

    Sốt mỳ tôm cốc

    Tháng 7 vừa qua, một công ty Nhật Bản tung ra loại mỳ tôm cốc có bổ sung thêm thịt và rau. Mức giá của loại mỳ này là 8.000 đồng, cao hơn gấp đôi so với mỳ đóng gói giá 3.500 đồng. Sản phẩm mới này chỉ bán ở TP.HCM và các thành phố lớn.

    Ông Junichi Kajiwara, chủ tịch một công ty chuyên về mỳ tôm của Nhật tại Việt Nam, cũng tỏ ra bất ngờ: “Ở một số cửa hàng tại TP.HCM hiện nay, mỳ cốc bán chạy hơn mỳ đóng gói. Trước đây, thật khó có thể nghĩ rằng điều này có thể xảy ra”.

    Lý do chính khiến công ty trên dịch chuyển từ mỳ gói sang mỳ cốc là sự nổi lên nhanh chóng của tầng lớp có thu nhập trung bình, đặc biệt là ở các khu vực thành thị, và sở thích ẩm thực đa dạng của tầng lớp này.


    Theo đánh giá của doanh nghiệp Nhật, nền kinh tế Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng từ 5% đến gần 7%, đưa GDP bình quân đầu người hiện nay tăng gấp 5 lần so với 15 năm trước. Đây chính là tiềm năng lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất mỳ tôm của Nhật Bản.

    Trong năm 2015, hơn 4,8 tỷ gói mỳ đã được người Việt tiêu thụ trong năm 2015, đó là con số được Hiệp hội Mỳ ăn liền Thế giới có trụ sở ở Ikeda, Osaka, Nhật Bản công bố. Nhu cầu mỳ ăn liền ở Việt Nam đạt đỉnh 5,2 tỷ suất vào năm 2013, nhưng con số này đã giảm 2 năm liên tiếp.

    Theo báo Nhật Asahi Shimbun, Việt Nam xếp thứ tư về tiêu thụ mỳ ăn liền, sau Trung Quốc, Indonesia và Nhật Bản. Với dân số 90 triệu người, trung bình mỗi năm, một người Việt ăn hơn 50 gói mỳ. Với mức tiêu thụ này, Việt Nam chiếm 5% thị trường mỳ ăn liền toàn cầu.

    Cuộc cạnh tranh mới

    Trước đây, các công ty sản xuất mỳ tôm tại Việt Nam thường tập trung vào loại mỳ đóng gói có mức giá rẻ hơn. Nhưng giờ họ đang chuyển sang đẩy mạnh loại mỳ cốc có mức giá cao hơn nhưng tiện dụng hơn nhằm kích thích thị trường và phục vụ tầng lớp có thu nhập khá.

    Công ty cho ra loại mỳ cốc trên đã có một dây chuyền sản xuất riêng, nhằm cung cấp ra thị trường 180 triệu sản phẩm. Họ còn có kế hoạch lắp đặt thêm một dây chuyền sản xuất mỳ cốc khác ở miền Bắc vào năm tới. Trước đó, sản phẩm chính của công ty này vẫn là mỳ gói.

    Tăng trưởng kinh tế đang kéo theo những thay đổi trong lối sống của người Việt Nam, và các nhà sản xuất Nhật Bản xem những thay đổi này là cơ hội lý tưởng cho các kế hoạch mở rộng sản xuất, kinh doanh của họ tại Việt Nam.


    Nhiều công ty đối thủ cũng đang đẩy mạnh các sản phẩm mỳ cốc có hương vị hay thành phần đặc trưng của Việt Nam.

    Đầu tháng 7, một công ty thực phẩm khác cũng từ Nhật đã tung ra thị trường sản phẩm mỳ cốc có mức giá lên tới 12.000-15.000 đồng/cốc. Chiến lược của doanh nghiệp này nhắm tới tầng lớp thu nhập trung bình đối với sản phẩm mỳ cao cấp.

    Ông Atsusuke Kawada, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội nhận định, dân số Việt Nam vẫn đang tăng trưởng và người dân ngày càng giàu hơn, ngay cả ở các vùng nông thôn. Có nhiều cơ hội để thúc đẩy tiêu dùng tại Việt Nam.

    Việt Nam và Nhật Bản sắp tới sẽ là thành viên của hiệp định TPP, khi thỏa thuận này có hiệu lực, các nhà sản xuất mỳ ăn liền Nhật Bản có thể xuất khẩu sản phẩm của họ từ Việt Nam sang các thị trường khác.

    Công ty của Nhật đã xuất khẩu mỳ gạo và một số sản phẩm khác sang Bắc Mỹ và châu Âu. Công ty này có kế hoạch tăng thị phần xuất khẩu trong tổng doanh số từ mức 8% hiện nay lên 20% trong vòng 3 năm.

    NAM HẢI

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dan-viet-len-con-sot-voi-my-coc-nhat-ban-a168406.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.