+Aa-
    Zalo

    Dân ta đang tự đầu độc nhau

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Chưa bao giờ người dân Việt Nam phải đối mặt với nhiều dịch bệnh như bây giờ và cũng chưa bao giờ trong lịch sử y học Việt Nam, các dịch bệnh biến chứng nặng như bây giờ,

    Chưa bao giờ người dân Việt Nam phải đối mặt với nhiều dịch bệnh như bây giờ và cũng chưa bao giờ trong lịch sử y học Việt Nam, các dịch bệnh biến chứng nặng như bây giờ, khiến con người phải hoang mang, lâm vào các vòng xoáy dịch bệnh dẫn đến giảm năng lượng sống và tuổi thọ.

    Dịch bệnh nối tiếp dịch bệnh

    Ngay tại thời điểm này, con người đang phải tìm cách đối phó với các dịch sởi, thủy đậu hoành hành ở hầu hết tỉnh, thành, đặc biệt là trẻ em. Hàng nghìn trẻ em nối đuôi nhau nhập viện trong tình trạng sức khỏe yếu. Thậm chí có không ít trường hợp tử vong do bị biến chứng nặng. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y Tế thì tính đến 10/05/2014, cả nước ghi nhận thêm 39 trường hợp mắc sởi xác định. Tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay cả nước ghi nhận 4.311 trường hợp mắc sởi xác định trong số 17.594 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 62/63 tỉnh, thành phố. Cũng trong báo cáo 425/BC-BYT này, ghi nhận từ đầu năm 2014 đến nay đã có 138 trường hợp tử vong và nặng xin về có liên quan đến bệnh sởi.Trước đó, khi bệnh tay chân miệng, quai bị, cúm còn chưa được dập tắt thì lại tiếp nối luôn các dịch bệnh này. Nghĩa là hết dịch bệnh này đến dịch bệnh khác, làm con người quay cuồng trong bệnh tật. Theo cảnh báo từ Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, toàn thành phố đang trong giai đoạn đối đầu với nhiều dịch bệnh. So với cùng kỳ năm ngoái, những ca mắc các bệnh thủy đậu, sởi, tay chân miệng… đều tăng. Như sốt xuất huyết, chỉ tính đầu năm 2014 đã tăng 28\% so với cùng kỳ năm 2013; thủy đậu tăng 156\%...

    Còn Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế thì quan ngại về nguy cơ bùng phát nhiều bệnh truyền nhiễm gây dịch và đặc biệt là xuất hiện các bệnh mới không những khó xác định mà còn khó điều trị… Đáng ngại nhất là bệnh do virus ăn thịt người gây nên. Ở Việt Nam, từ năm 2010 đến nay, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã ghi nhận hơn 10 ca bị virus ăn thịt người một cách đúng nghĩa, tức là virus ấy tấn công vào cơ thể người qua những chỗ trầy xước rồi ăn thịt bệnh nhân khiến thối rữa rồi làm suy đa phủ tạng. Theo công bố của các nhà nghiên cứu, virus ăn thịt người (Aeromonas hydrophila) tìm thấy ở khắp nơi trong tự nhiên, cả vùng nước ngọt và lợ.

    Cũng tại vùng nước lợ ở Đồng bằng sông Cửu Long, một hệ lụy đang xảy ra là sau khi chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa sang nuôi tôm nước lợ chỉ 2 năm, mật độ muỗi Anopheles epiroticus chuyên truyền nhiễm bệnh sốt rét tăng hơn 50 lần so với trước đây. Đã vậy, lại xuất hiện thêm nhiều loại muỗi như Anopheles maculatus và Anopheles pamanai… Như vậy, nhiều loại muỗi truyền nhiễm ký sinh trùng sốt rét đồng nghĩa với việc bệnh sẽ lây lan rộng và quan trọng tính chất của bệnh khác nhau dẫn đến phác đồ điều trị duy trì từ trước tới nay không còn hiệu quả. PGS.TS Hồ Đình Trung, Phó viện trưởng Viện Sốt rét ký sinh trùng, côn trùng Trung ương (NIMPE) nhận định với báo giới: “Khi mật độ vector truyền bệnh tăng, mức độ tiếp xúc giữa người với vector tăng, nguy cơ lan truyền sốt rét trong cộng đồng cũng tăng theo”.

    “Gậy ông đập lưng ông”

    Theo GS Jeremy Farrar, Giám đốc Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng ĐH Oxford tại TP Hồ Chí Minh, sở dĩ các bệnh mới phát triển và bùng phát các dịch bệnh cũ là do hủy hoại môi trường tự nhiên làm phát sinh sự trỗi dậy của các loài vi sinh vật nguy hại”. TS Nguyễn Hữu Ninh, chuyên gia về biến đổi khí hậu, ĐH Quốc gia Hà Nội thì khẳng định: “Mất cân bằng sinh thái khiến nhiều loại vi sinh vật trở nên hung dữ hơn, có thể gây ra nhiều bệnh tật mới nguy hiểm hơn cho con người”.GS.TS Trương Quang Học, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam dẫn chứng: “Từ một quốc gia có diện tích rừng chiếm 72\% diện tích toàn quốc, đến năm 1995 chỉ còn 28\%. Đến nay diện tích rừng đã tăng lên gần 40\% nhưng chủ yếu số mới phục ấy là rừng trồng nên có giá trị đa dạng sinh học rất thấp. Vùng ven biển và dưới biển cũng vậy, gần 5 thập niên qua, 80\% diện tích rừng ngập mặn cả nước bị hủy diệt trong khi 96 rặng san hô bị đe dọa hủy hoại nghiêm trọng. Còn sách đỏ của Liên minh Bảo tồn quốc tế đã ghi 300 loài ở Việt Nam đang bị đe dọa tuyệt chủng. Đây là tổn thất rất lớn trên tất cả các phương diện kinh tế, khoa học, môi trường, nhân văn và đặc biệt là sức khỏe”.

    Ai hại ai??!!

    Cùng với những dịch bệnh tạm coi là đến một cách khách quan thì có nhiều loại bệnh con người gây ra một cách chủ động, làm “nguy hại” đến  đồng loại.

    Dẫn chứng là việc một loại “thần dược” có thể “biến hóa” một đứa trẻ suy dinh dưỡng thành bụ bẫm (vì tăng 5-7kg/tháng), từng gây sốc cho người dân. Thuốc này thuộc dạng viên, màu trắng, có ghi TCO/5, xuất xứ từ Đức được một phụ nữ có “nickname” Ha Pham quảng cáo và bán qua mạng. Các bà mẹ sau khi “rỉ tai nhau” đã đổ xô đi mua. Nhưng cũng chỉ vì  hiệu quả quá nhanh, giá tiền lại chỉ 3.000-6.000 đồng/viên (tùy từng thời điểm) nên như “gậy ông đập lưng ông”.Nhắc lại sự việc, các chuyên gia y tế còn chưa hết hãi hùng khi họ phát hiện đó không phải là thuốc bổ mà là thuốc độc bảng B, “Thuốc này có giá rất rẻ và trong nước sản xuất được. Khi uống nhiều, trẻ sẽ tăng cân nhưng kỳ thực đó là tình trạng giữ nước trên cơ thể”, Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai Loan, Phó trưởng khoa Thực hành Dược, Trường ĐH Y Dược Hải Phòng nhấn mạnh.. Ngoài ra bà còn khẳng định: “Đây là loại thuốc Dexa me thassone dùng trong trường hợp chống viêm nặng. Nó có 10 tác dụng phụ như làm teo da, chân tay vì giảm đạm, rút canxi gây loãng xương ở người lớn, còi xương ở trẻ em, làm tăng đường huyết, đặc biệt với trẻ em thuốc làm kích thích thần kinh, ăn uống nhưng giữ nước, rối loạn chuyển hóa mỡ, đường… Loại này chỉ được phép sử dụng 5-7 ngày và theo chỉ định nghiêm ngặt của bác sĩ”. Còn theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng: “Dexamethasone còn có rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn khác vì đây là một loại corticoid, là một loại hoóc môn có rất nhiều tác dụng. Ngoài tác dụng không mong muốn là gây rối loạn chuyển hóa dẫn đến tăng cân, Dexamethasone còn có một loạt các nguy cơ khác như cao huyết áp, loãng xương, canxi không hấp thụ vào xương, dễ gãy xương…Nếu dùng thuốc với liều cao có thể gây rối loạn tâm thần”.

    Tất cả sự hủy hoại trên đây không ai khác chính do con người tạo ra và là “thủ phạm” để vì một cuộc sống, mưu sinh trước mắt, quên đi sức khỏe, tuổi thọ bền vững không chỉ của bản thân mà của toàn nhân loại. Hôm nay là đối mặt với các dịch bệnh nhưng ngày mai có thể là “diệt vong” vì chính những điều con người tự gây nên.

    CHÚNG TÔI TIẾP NHẬN TẤT CẢ CÁC THÔNG TIN PHẢN ÁNH VỀ VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG CỦA BẠN ĐỌC 24/24H

    LIÊN HỆ: VIỆN NGHIÊN CỨU MÔI TRƯỜNG VÀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI\_PHÂN VIỆN PHÍA NAM

    ĐỊA CHỈ: 58 Nguyễn Phi Khanh, Phường Tân Định, Quận 1

     HOTLINE: 0988.66.66.88 - - 08.6683.7519 

    EMAIL: [email protected]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dan-ta-dang-tu-dau-doc-nhau-a37552.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan