+Aa-
    Zalo

    Dân số giảm, Trung Quốc có nguy cơ thừa gần 2 triệu giáo viên

    (ĐS&PL) - Kết quả tính toán của nhóm nghiên cứu do Phó Giáo sư Qiao Jinzhong dẫn đầu tại Viện Giáo dục Đại học thuộc Đại học Sư phạm Bắc Kinh cho thấy đến năm 2035, Trung Quốc sẽ dư khoảng 1,5 triệu giáo viên tiểu học và 370.000 giáo viên trung học cơ sở.

    Thông tin về việc Trung Quốc có thể thừa gần 2 triệu giáo viên vào năm 2035 gần đây trở thành chủ đề “hot” trên mạng xã hội Weibo.

    Kết quả tính toán của nhóm nghiên cứu do Phó Giáo sư Qiao Jinzhong dẫn đầu tại Viện Giáo dục Đại học thuộc Đại học Sư phạm Bắc Kinh cho thấy, đến năm 2035, nước này sẽ dư khoảng 1,5 triệu giáo viên tiểu học và 370.000 giáo viên trung học cơ sở. Chưa kể, những khó khăn kinh tế hiện tại có thể buộc chính quyền cắt giảm tuyển dụng giáo viên trong thời gian tới.

    Việc dư thừa giáo viên là hệ quả của tình trạng dân số tăng trưởng âm, kéo theo số lượng học sinh trong giai đoạn giáo dục nghĩa vụ 9 năm, tức tiểu học và trung học cơ sở ở Trung Quốc giảm, theo thông tin trên VOV.

    Cụ thể, con số này sẽ chuyển từ tăng chậm sang giảm dần trong giai đoạn từ 2020-2035. Sau khi đạt đỉnh khoảng 146 triệu vào năm 2024, số học sinh sẽ có xu hướng giảm nhanh, cụ thể mỗi năm giảm 1 - 2 triệu trong thời kỳ từ 2025 - 2028, giảm 3 - 4 triệu từ 2028 - 2035 và cuối cùng giảm xuống còn khoảng 110 triệu vào năm 2035.

    Không chỉ học sinh tiểu học và trung học cơ sở, số trẻ em theo học mẫu giáo tại Trung Quốc cũng chứng kiến sự sụt giảm đầu tiên sau gần 2 thập kỷ vào năm 2021, trong khi học sinh tiểu học giảm lần đầu sau gần một thập kỷ vào năm 2022.

    hang trieu giao vien o trung quoc co nguy co mat viec do dan so giam
     Trung Quốc có thể thừa gần 2 triệu giáo viên vào năm 2035. Ảnh minh họa: AFP

    Theo số liệu mà Bộ Giáo dục Trung Quốc công bố hồi tháng 3/2023, nước này có 107 triệu học sinh tiểu học vào năm 2022, giảm khoảng 1 triệu so với năm 2021, kết thúc 8 năm tăng liên tiếp. Số lượng trường mầm non tiếp tục giảm 5.610 cơ sở và 1,78 triệu trẻ theo học tại trường vào năm 2022. Trước đó, trẻ mầm non ở nước này bắt đầu tăng trưởng âm, tức giảm 130.000 trẻ từ năm 2021, sau khi tăng 17 năm liên tiếp.

    Trong nhiều thập kỷ qua, các trường học ở Trung Quốc luôn đông đúc học sinh, với sĩ số lên tới 50 học sinh trong một lớp ở một số khu vực thành thị và khoảng 30 học sinh ở hầu hết các vùng nông thôn.

    Thế nhưng, với số lượng người về hưu tăng nhanh và số trẻ sơ sinh giảm mạnh, Trung Quốc đang trải qua quá trình chuyển đổi nhân khẩu học gây tác động sâu rộng, bao gồm tăng trưởng kinh tế chậm hơn và căng thẳng trong hệ thống an sinh xã hội.

    Được biết, số trẻ sơ sinh ở Trung Quốc đã giảm mạnh kể từ năm 2017, với số ca sinh giảm hơn 500.000 vào năm ngoái xuống còn hơn 9 triệu.

    Số lượng trường học tại Trung Quốc cũng đang giảm dần. Bên cạnh nỗ lực sáp nhập các trường để tập trung nguồn lực, số lượng trường học bị thu hẹp còn do áp lực giảm số lượng học sinh, báo Tuổi Trẻ dẫn thông tin từ South China Morning Post cho hay.

    Hiện nay, các trường công ở Trung Quốc đã giảm quy mô lớp học để tránh sa thải giáo viên. Tuy nhiên, rủi ro sa thải sẽ lớn hơn ở các trường tư do áp lực tài chính.

    Ông Chu Zhaohui - nhà nghiên cứu cấp cao tại Học viện Khoa học giáo dục quốc gia Trung Quốc, cho rằng mức độ ảnh hưởng sẽ phụ thuộc rất lớn vào hành động của chính quyền trong những năm tới. 

    "Theo nghiên cứu thực địa của tôi, vì gánh nặng tài chính, chính quyền địa phương chắc chắn sẽ tuyển ít giáo viên hơn trong năm nay", nhà nghiên cứu Chu Zhaohui bày tỏ ý kiến.

    Chính quyền địa phương đang chịu áp lực tài chính ngày càng tăng khi cuộc khủng hoảng trong ngành bất động sản, nguồn thu nhập quan trọng nhất của họ, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Cùng với đó là các thách thức khác, bao gồm nhu cầu trong và ngoài nước suy yếu đã cản trở sự phục hồi sau đại dịch của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

    Cuối năm 2023, Sở Giáo dục tỉnh Hồ Nam đã kêu gọi phân bổ lại nguồn lực giáo dục trong vòng 5 - 10 năm tới dựa trên tỷ lệ sinh, đô thị hóa và số trẻ em trong độ tuổi đi học.

    Trong năm qua, một loạt chính quyền địa phương khác, chẳng hạn như ở Sơn Đông và Tứ Xuyên, đã công bố kế hoạch ngừng các chương trình cấp bằng giáo dục tại một số trường đại học và cao đẳng nhằm hạn chế nguồn cung giáo viên.

    XEM THÊM: Cậu bé khiến giáo viên tá hỏa khi mang 900 triệu tiền lì xì đi phát cho cả lớp và sự thật đằng sau

    Về vấn đề giảm nhu cầu giáo viên, Giáo sư Huang Bin ở Viện Giáo dục Đại học Nam Kinh nêu quan điểm rằng đây không phải điều xấu, đặc biệt là đối với các trường vùng sâu vùng xa, nơi giáo viên thường được đào tạo kém và thiếu cơ hội phát triển.

    Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Trung Quốc cải thiện chất lượng giáo dục - điều rất quan trọng để hiện thực hóa tham vọng của Bắc Kinh đào tạo nguồn nhân tài mang lại động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế.

    Bên cạnh đó, Giáo sư Huang Bin cho rằng ít trẻ em hơn cũng đồng nghĩa với việc ít cạnh tranh hơn trong trường học, từ đó có thể làm giảm bớt lo lắng của phụ huynh và căng thẳng cho học sinh. "Điều này có thể giúp giảm bớt nỗi lo lắng lan rộng về kỳ thi tuyển sinh đại học", ông nhận định.

    Đinh Kim(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dan-so-giam-trung-quoc-co-nguy-co-thua-gan-2-trieu-giao-vien-a610776.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan