Hình ảnh hai người dân đi mua hàng tại một siêu thị ở Indonesia trong bộ đồ bảo hộ nhanh chóng bị nhận nhiều chỉ trích từ cư dân mạng.
Bức ảnh hai người mặc đồ bảo hộ đi mua sắm trong siêu thị tại Indonesia được lan truyền trên mạng xã hội. |
Ngày 29/3, mạng xã hội xuất hiện đoạn video ghi lại cảnh hai người đi mua sắm tại trung tâm thương mại Gandaria tại thủ đô Jakarta. Theo nội dung đoạn clip, có thể thấy rõ hai nhân vật diện đồ bảo hộ kín từ đầu tới chân cùng kính bảo hộ, găng tay và khẩu trang N-95.
Hành động này bị phê phán là phản ứng quá mức và khiến những người xung quanh và cộng đồng cảm thấy hoang mang, lo sợ.
Trong một video, người xem có thể thấy cảnh nhóm quản lý siêu thị tiến đến nhắc nhở hai khách hàng rằng việc mặc trang phục nay là không cần thiết, gây hoang mang cho những người mua hàng khác.
Thay vì tỏ ra hối lỗi, một trong 2 người đã phản bác lại với lý do “có tiền và muốn mua sắm ở đây”.
Erick Thohir, Bộ trưởng phụ trách các doanh nghiệp nhà nước tại Indonesia, cũng công khai lên tiếng phản đối việc hai người dân mặc đồ bảo hộ y tế để ra đường.
Hành động của 2 người này bị cho là không cần thiết. |
Ông Thohir phát biểu: "Các phương tiện truyền thông nên chỉ trích hành vi này. Trong khi lực lượng y tế tuyến đầu đang thiếu hụt nhiều vật dụng cần thiết như khẩu trang, đồ bảo hộ, những người này lại lãng phí, mặc nó ra đường”.
Trong khi đó, Budi Sartono, đại diện Sở Cảnh sát Jakarta, đã phải lên tiếng kêu gọi người dân dừng việc mua các loại đồ bảo hộ chuyên dụng bởi những vật dụng bảo vệ này cần được dành cho lực lượng y tế tuyến đầu.
Ông Sartono cho hay: “Người dân nên ra đường với khẩu trang, việc mặc đồ bảo hộ y tế là không cần thiết. Đồ bảo hộ cần được sử dụng trong bệnh viện và các cơ sở y tế khác”.
Tính đến ngày 31/3, Indonesia ghi nhận 1.528 trường hợp dương tính với virus corona, trong đó có 136 ca tử vong.
Các nhân viên y tế ở tuyến đầu tại Indonesia đang ngày càng lo lắng về việc thiết bị bảo vệ cá nhân sắp hết và nguồn cung cũng đang dần sẽ cạn.
Với giá một bộ quần áo bảo hộ dùng một lần khoảng 500.000 rupiah (30 USD), các y bác sĩ sử dụng ít nhất 4 bộ mỗi ngày chỉ để điều trị cho một bệnh nhân nghi ngờ mắc Covid- 19.
"Sẽ là tự sát nếu chúng tôi phải xử lý một ca bệnh mà không dùng bất kỳ vật dụng bảo vệ cá nhân nào", Agnes Tri Harjaningrum, một bác sĩ nhi khoa, nói. Cô cho biết một số bạn bè tại các bệnh viện khu vực khác thậm chí sử dụng áo mưa hoặc duy nhất một bộ bảo hộ khi điều trị cho bệnh nhân.
Quỳnh Chi(T/h)