Hàng trăm hộ dân tại phố Tây Kết, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đang sử dụng nguồn nước ổn định từ hàng chục năm nay bỗng hoang mang vì công ty tiến hành thay toàn bộ đường ống dẫn nước mới với lý do là để cung cấp “nước sạch”.
Hoang mang vì có…nước sạch
Theo phản ánh của hàng trăm hộ dân tại khu vực phố Tây Kết, các hộ dân đang sinh sống tại các khu nhà tập thể E1, E2, D1, D2 cùng các hộ dân cư xung quanh, mới đây, công ty kinh doanh nước sạch Hà Nội, chi nhánh kinh doanh nước sạch quận Hai Bà Trưng có cho tiến hành việc thay thế lắp đặt đường ống nước sạch mới cho các hộ dân ở khu vực này.
Công ty tiến hành lắp hệ thống "nước sạch" trước sự lo lắng của người dân. Ảnh: H.P. |
Điều đáng nói là người dân không ai tỏ ra vui mừng vì từ nay đã có nước sạch để dùng, thay vào đó là cảm giác lo lắng bởi nếu như vậy thì nguồn nước cũ mà họ dùng từ hàng chục năm nay là nước… không sạch???
Ông Nguyễn Thanh Bình, Khu nhà E2, Tây Kết cho biết: “Tôi không hề biết hay nhận được thông báo từ phía công ty kinh doanh nước sạch về chuyện thay thế đường ống nước mới sẽ được thay. Chỉ khi thấy công nhân đào đường quanh khu nhà, mới được biết là họ đang thi công đường ống dẫn nước sạch cho khu vực mình đang sinh sống”
Bà Phạm Thị Lan, Khu nhà E1, Tây Kết tỏ ra lo lắng: “Tôi về đây sinh sống cũng đã hơn chục năm nay. Trước đến giờ vấn sử dụng nguồn nước cũ và yên tâm đây là nguồn nước… dùng được. Nguồn nước đó hàng tháng phía công ty (Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội – P.V) vẫn tới thu tiền sử dụng. Nay bỗng nhiên phía công ty cho người đến thi công lắp đặt đường ống mới và bảo là để cung cấp nước sạch. Nếu giải thích như vậy, hóa ra từ nhiều năm nay nguồn nước mà gia đình tôi và mọi người sử dụng không phải là nước sạch”?
Thay mới liệu có hoang phí?
Bên cạnh việc lo lắng về chất lượng nguồn nước cũ thì việc thi công lắp đặt hệ thống cấp nước mới này cũng khiến dư luận người dân sống tại khu vực phố Tây Kết bức xúc. Phía công ty đã không có thông báo rõ ràng, chỉ là những dòng chữ viết bằng phấn trên bảng tin của khối phố mà không biết là của ai.
Vì thế việc lắp đặt nguồn nước mới của Công ty nước sạch Hà Nội và Chi nhánh kinh doanh nước sạch Hai Bà Trưng liệu có đảm bảo được cả về chất lẫn lượng hay không vẫn là điều khiến người dân đặt nghi vấn.
Người dân chỉ nhận được thông báo rất đơn giản từ Công ty nước sạch, kèm theo đó là những lo lắng về sự lãng phí. Ảnh: H.P. |
Người dân chỉ nhận được thông báo rất đơn giản từ Công ty nước sạch, kèm theo đó là những lo lắng về sự lãng phí. Hệ thống ống nước theo thiết kế vào từng hộ gia đình đều dược thiết kế chôn ngầm trong tường, trong khi các công nhân thi công lắp đặt hệ thống lại làm việc vào ban ngay nên cũng gây không ít sự bất tiện cho các hộ dân.
Theo phân tích của các hộ dân sống tại các tầng trên cao của khu tập thể, trước đây, hàng ngày phía công ty nước sạch đều cho tiến hành bơm nước định kỳ 2 lần/ngày để các hộ dân ở tầng trên cao có thời gian đưa nước vào bể chứa của từng nhà. Nếu hệ thống nước mới lắp không đủ “áp lực” để đưa nước lên các tầng trên cao, họ sẽ phải làm cách nào đưa nước lên được?
“Vợ chồng tôi đã về hưu, tuổi thì đã cao. Giờ tự nhiên thay toàn bộ đường nước mới, công ty lại không đến các hộ dân để tìm hiểu về hệ thống thì không biết làm cách nào để đưa nước lên đến tất cả các hộ. Không lẽ tôi ở trên tầng 5, khi nước máy mới không lên được tôi lại phải đi xách từng xô nước để sinh hoạt?”, một cựu chiến binh bức xúc chia sẻ.
Như vậy, có thể thấy, việc thi công lắp đặt hệ thống nước mới này đang khiến cho các hộ dân ở khu vực cảm thấy bất tiện.
Chưa kể điến việc thi công này cũng sẽ khiến không ít hộ dân phải sửa chữa lại khi đấu mới vào hệ thống nước đang được thi công. Trong khi hệ thống cũ vẫn đang sử dụng ổn định, việc thay thế này sẽ khiến toàn bộ hệ thống cấp nước cũ bị bỏ hoang phí.