(ĐSPL) - Việc người dân đổ xô đi mua vàng cầu may trong ngày thần tài (10/1 Âm lịch) đã khiến thị trường vàng “nóng” lên hơn bao giờ hết.
Tình trạng này cũng gây xôn xao, xáo động trong xã hội những ngày đầu năm mới. Trước tình hình này, nhiều chuyên gia khẳng định, văn hóa Việt Nam không có ngày thần tài. Đây chỉ là hệ quả của quá trình du nhập văn hóa bên ngoài vào.
Mua vàng giá cao, cầu thần tài
Với mong muốn thu hút được nhiều may mắn trong dịp đầu năm mới, đặc biệt là trong ngày thần tài (28/2, tức mùng10/1 âm lịch), người dân tại TP.HCM và một số thành phố lớn kéo nhau đến các tiệm vàng để mua được một vật ưng ý cầu may. Không chỉ vậy, nhiều người còn không quản ngại xa xôi, đi tìm mua cho mình những biểu tượng con giáp dát vàng, với hy vọng đưa lại cho gia đình tài lộc, may mắn.
Các tiệm vàng tại TP.HCM tấp nập người đến mua. |
Để tận mắt chứng kiến sức mua bán nóng bỏng trong ngày thần tài, PV báo Đời sống và Pháp luật có buổi thực tế địa bàn TP.HCM. Chỉ mới 6h sáng 28/2, nhưng khách hàng đã tìm đến các tiệm vàng như trẩy hội.
Trao đổi với PV, anh Nguyễn Văn Minh, nhân viên một tiệm vàng trên đường Lê Trọng Tấn (quận Tân Phú, TP.HCM) cho biết: “Từ chiều 27/2, sức mua vàng của người dân đã tăng lên rất cao so với ngày thường. Thế nên, hầu hết các cơ sở kinh doanh vàng đều mở cửa rất sớm để phục vụ khách hàng. Hầu hết những người tìm đến đây mua hàng đều hỏi mua những sản phẩm có biểu tượng 12 con Giáp, chữ tài lộc, hoặc vàng miếng có hình ông thần tài. Họ cho biết, những sản phẩm này sẽ giúp cầu được may mắn, tài lộc cho cả một năm dài”.
Theo ghi nhận của PV tại các tiệm vàng lớn ở khu vực chợ Bến Thành (quận 1), chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Hạnh Đông Tây (quận Gò Vấp)... người dân vẫn nối đuôi nhau chờ mua vàng cầu may.
Chị Nguyễn Ánh Nhân (43 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Mọi người truyền miệng nhau rằng, thần tài sau khi xuống trần gian, không có đồ ăn nên phải gõ cửa từng nhà. Thế nên, cứ nhà nào được ông thần này gõ cửa là gặp nhiều may mắn, buôn bán tốt suốt cả năm. Thế nên, vào ngày 10 tháng Giêng âm lịch, người dân coi đây là dịp mua sắm đồ cúng, đặc biệt là vàng với mong muốn gia đình may mắn, phát tài. Do vậy, ngày này hàng năm, tôi đều dành dụm tiền đi mua cho mình một món đồ như ý muốn. Năm nay, tôi tìm mua một sản phẩm vàng có biểu tượng hình con dê”.
Điều khiến PV ngạc nhiên là tại công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), có người mang theo hàng bao tải tiền, chờ đợi hàng giờ đồng hồ để mua vàng. Nhiều người tìm mua vàng miếng buộc phải bốc số thứ tự, ngồi đợi đến lượt mua. Tại đây, nhiều người không thể chờ được, nên buộc phải làm giấy xác nhận gửi tiền trước rồi quay lại nhận vàng sau.
Sức mua nóng bỏng tại các tiệm vàng trên địa bàn TP.HCM khiến cho nhiều đoạn đường ùn ứ giao thông, buộc phải nhờ sự can thiệp của lực lượng bảo vệ dân phố, cảnh sát giao thông. Kết quả ghi nhận của PV cũng cho thấy, sức mua tăng đột biến trong ngày thần tài đã khiến cho thị trường vàng tăng lên nhiều so với những ngày thường.
Chạy theo lời đồn, văn hóa đám đông?
Ngoài sức mua bán nóng bỏng tại thị trường vàng trong ngày thần tài, nhiều mặt hàng khác được cho là mang lại nhiều may mắn trong ngày thần tài cũng cạn kiệt hàng hóa. Tiểu thương tại các chợ trên địa bàn TP.HCM tỏ ra tiếc nuối vì nhiều mặt hàng cúng tế trong ngày thần tài đã hết veo dù mới chỉ 8h sáng. Điều đáng nói, nếu như ngày 23 tháng Chạp âm lịch, người dân đổ xô đi mua cá chép về thả để cầu may, thì trong ngày thần tài, nhiều người dân lại đua nhau mua cá lóc nướng về cúng.
Một tiểu thương tại một chợ nhỏ trên địa bàn quận Gò Vấp chia sẻ: “Tôi khá bất ngờ vì sáng nay, lượng người tìm mua cá lóc rất đông khiến chúng tôi không đủ hàng phục vụ. Theo nhiều người mua hàng cho biết, việc cúng cá lóc ngày thần tài cũng giúp mang lại nhiều may mắn”.
Không chỉ vậy, ghi nhận của PV tại một số đền chùa, người dân cũng đổ xô tới đây để cúng tế, rút săm cầu may. Nắm bắt được tâm lý này, nhiều “thầy bói” cũng bắt nhịp, lộng hành tại các khu vực này để “móc túi” người dân.
Nhiều người trong vai “thầy bói” đã đến đây từ sáng tinh mơ tìm chỗ ngồi. Thực tế này khiến cho tình hình an ninh trật tự tại các đền chùa diễn ra hết sức phức tạp. Tệ nạn móc túi, trộm cắp cũng theo đó hoành hành. Ngoài ra, thị trường vé số ngày thần tài cúng sốt hơn bao giờ hết.
Trước tình trạng náo loạn trong ngày thần tài như nói trên, trao đổi với PV về việc người dân đổ xô mua vàng cầu may, chuyên gia phong thủy Hà Quang Thiết (TP.HCM) cho hay: “Không chỉ mua vàng, nhiều người còn quan niệm rằng khai trương ngày thần tài là sẽ gặp nhiều may mắn. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây chỉ là quan niệm tâm linh thái quá của số đông người dân hiện nay. Bởi không phải ai cầu gì cũng được nấy. Nếu người người cầu mà may mắn thì xã hội này làm gì còn người nghèo nữa”.
Ông Thiết cho biết thêm: “Theo tôi được biết, ngày thần tài là quan niệm của người Trung Hoa. Họ đặt ra ngày này là để cúng bái, an ủi tinh thần cho việc kinh doanh của mình. Vài năm gần đây, quan niệm này đã du nhập và ảnh hưởng tới người Việt.
Tuy nhiên, nhiều người vì chạy theo đồng tiền nên đã đặt nặng, thái quá vấn đề cầu may ngày thần tài. Thực trạng này đã gây náo loạn, mất an ninh xã hội. Vì thế, tôi mong rằng người dân cần nhận thức vấn đề một cách đúng đắn nhất. Mọi vấn đề xảy ra đều là do bản thân mỗi người, chứ không phải do tác động bên ngoài. Thiết nghĩ người dân không nên chạy theo những lời đồn, văn hóa đám đông mà gây thiệt hại cho bản thân và gia đình”.
Đồng quan điểm, chuyên gia tâm lý Phan Thúc Xán, Giám đốc trung tâm Tư vấn Tâm lý, giáo dục, hướng nghiệp TP.HCM cho hay: “Lòng tin vào thế giới tâm linh, mê tín dị đoan đã khiến không ít người mất phương hướng khi tìm mọi cách để cầu may trong ngày thần tài. Tài lộc vốn dĩ là do con người làm ra nhưng không ít người vẫn mù quáng tín rằng có một thế giới siêu nhiên mang lại may mắn cho họ.
Thực trạng này thể hiện người dân đang tự đẩy lùi văn hóa, thể hiện trình độ dân trí lạc hậu, hoang tưởng. Việc đổ xô đi mua vàng, mua đồ cúng tế, xem bói, mua vé số... ngày thần tài không hề có tác dụng gì như nhiều người nghĩ. Ngược lại, việc làm này là quá lãng phí và gây thiệt hại về kinh tế cho người dân. Việc dư luận phản ánh, lên án về thực trạng này là hoàn toàn có cơ sở”.
Văn hóa Việt Nam không có cái gọi là thần tài PGS.TS Phan An, viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ cho hay: “Trong truyền thống văn hóa Việt Nam từ trước tới nay không có cái gọi là ngày thần tài. Đây là hệ quả của quá trình du nhập văn hóa từ nước ngoài. Chính vì vậy, việc người dân đổ xô đi mua vàng và nhiều đồ vật khác để cầu may trong ngày thần tài là một dạng niềm tin tâm linh hay còn gọi là mê tín dị đoan chứ chưa có cơ sở khoa học nào ghi nhận. Do đó, người dân cần nhận thức một cách đúng đắn nhất để không gây xáo trộn cho xã hội”. |