Theo quan niệm từ xa xưa của những ngư dân, họ kiêng kỵ đàn bà mỗi khi đi biển. Thế nhưng, có một nơi người đàn bà không những “bước qua lời nguyền” mà còn là trụ cột trên những chiếc thuyền.
Thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn (Bình Định) gần như nằm tách biệt bởi phía Tây là núi, trước mặt là Biển Đông. Lộ Diêu ngày trước được biết đến là nơi mà đoàn tàu không số từng cập vào. Ngày nay, Lộ Diêu được du khách gần xa thường xuyên ghé thăm bởi phong cảnh hữu tình và con người thân thiện.
Mồ côi một mình
Công việc chính của người dân thôn Lộ Diêu là “đánh bắt gần bờ”. Cả thôn có gần 60 thuyền đánh bắt gần bờ, mỗi chiếc thuyền như thế thường chỉ chở được 2 người. Thường thì ngư dân Lộ Diêu xuất bến ra khơi khi tà dương khuất sau rặng núi hoặc khi “gà gáy canh hai” và trở về cũng là lúc bình minh bừng sáng ở đằng Đông.
Nụ cười đôn hậu khi vào bờ của bà Phạm Thị Muôn. Ảnh: V.Q |
Chúng tôi đến với Lộ Diêu vào một ngày cuối tháng 6. Từ đèo Hà Ra - Phú Thứ (huyện Phù Mỹ) nhìn xuống, thôn Lộ Diêu như lọt thỏm giữa bốn bề núi đồi và biển cả. Xa xa, một ngọn núi chồm ra biển như hình đầu sư tử. Những người buôn bán hải sản theo từng chuyến tài về (tiếng địa phương gọi là dân rẫu) ngồi bệt trên cát hết nói chuyện Biển Đông đến chuyện bóng đá bên tận trời Brazil.
“Thuyền về rồi kìa” - tiếng một người trong nhóm nói như reo. Trong đợt sóng lô xô và ánh sáng lấp lóa của buổi sớm mai hắt ngược từ biển, chúng tôi kịp nhận ra vài chiếc thuyền nhỏ từ ngoài khơi đang rẽ sóng vào bờ. Chiếc đầu tiên vừa cập doi cát, khi sóng biển còn lấp xấp và con thuyền nhỏ trồi lên hụp xuống đã thấy một phụ nữ nhảy phắt khỏi thuyền. Nhanh nhẹn và gọn gàng. Hỏi thăm những người trên bờ, biết phụ nữ đó là bà Phạm Thị Muôn (53 tuổi), có thâm niên đi biển ở Lộ Diêu này. “Cực chẳng đã chứ đàn bà con gái ai lại đi chọn cái công việc này, do hoàn cảnh mà ra cả. Con cái trong nhà còn trẻ, khỏe thì đi tàu lớn đánh bắt xa bờ, cả tháng trời mới về. Tui với ổng ở nhà đánh bắt gần bờ kiếm cơm cháo qua ngày. Tính đến nay, tui đã có hơn 10 năm đi biển rồi đấy. Ở cái thôn Lộ Diêu này cũng có nhiều chị em khác đi biển", vừa phụ giúp chồng kéo những tấm lưới trên thuyền xuống, bà Muôn tâm sự.
... Đàn bà đi biển mồ côi một mình Ảnh: A.N |
Thấy chúng tôi có vẻ muốn tìm hiểu về công việc đi biển của người phụ nữ, bà Muôn hỏi: “Anh có nghe câu: “Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi biển mồ côi một mình” chưa? Đàn bà, con gái như chúng tôi mà đi biển thì nó cơ cực vậy đó”.
Theo bà Muôn, đàn ông lên thuyền luôn có bạn đi cùng nhưng với phụ nữ thì khác. Ở đây, phụ nữ thường đi biển với chồng hoặc khi người chồng không còn nữa thì mới đến lượt họ ra khơi. Lời câu ca “Đàn bà đi biển mồ côi một mình” xét ở góc độ nào nghe cũng buồn man mác. Câu chuyện sau chuyến biển đêm của bà Muôn như những con sóng xô từng lớp vào bờ: “Tôi sinh ra ở biển nhưng việc phải đi biển lại là chuyện khác. Lúc trước chồng và các con đi, tôi ở nhà lo chuyện “tổn” và bán buôn những hải sản mà người thân bắt về. Những năm qua, việc đánh bắt cá ngừ đại dương làm ăn được, các con lên tàu lớn ra khơi. Dạo này việc đánh bắt cũng gặp không ít khó khăn khi tình hình Biển Đông có nhiều biến động, tui cũng thấy lo cho các con nhưng bọn nhỏ luôn liên lạc về động viên nên cũng an tâm. Nhà còn lại mình ổng là đàn ông trụ cột nhưng không thể cáng đáng được nên tôi đi phụ. Những chuyến đầu tiên theo ổng ra khơi, say sóng cắm đầu ấy chứ. Hồi đó, có hôm ổng chở tui về bờ mà người mềm như cọng bún nhưng riết rồi cũng quen”.
Tàn phai nhan sắc
Gần trưa, bãi biển Lộ Diêu nắng chói chang. Chị Lực vừa đưa tay thoăn thoắt vá tấm lưới bị rách vừa cho biết: “Cả thôn Lộ Diêu này có khoảng trên dưới 20 phụ nữ đi biển. Phần lớn chị em chúng tôi phải ra khơi bởi nhà neo người. Con cái đi tàu lớn, đi học hoặc làm ăn xa, nhà chẳng còn ai nên vợ phải theo chồng ra khơi”. Thông thường, ngư dân Lộ Diêu chỉ đánh bắt “trong lộng” (vùng biển gần bờ) nên họ rời khỏi nhà vào lúc chiều tối hoặc tầm 3 giờ sáng, đến khoảng 8 giờ là đã vào bờ để kịp đưa cá lên chợ.
Vai trò của người phụ nữ ở Lộ Diêu rất quan trọng. Họ vừa là bạn đồng hành của người chồng trong những chuyến ra khơi và cũng là hậu phương vững chắc cho gia đình. Người chồng đi biển về có thể nghỉ ngơi để chuẩn bị cho chuyến đi sau nhưng người vợ vẫn phải tiếp tục công việc. Họ đi tiêu thụ những sản vật của biển sau một đêm đánh bắt, sau đó vá lưới rồi về nhà lo cơm nước. “Bây giờ mới có chuyện cánh đàn bà chúng tôi được đi biển chứ ngày xưa, trước lúc ra khơi, người ta còn chẳng cho đàn bà đến gần chiếc thuyền”, bà Muôn cười khoe hàm răng trắng bóng khi nói về cái hủ tục của ngày trước ở làng chài.
Chị Lê Thị Liên chỉ mới 28 tuổi nhưng thoáng nhìn cứ ngỡ phải ngoài 30 bởi gương mặt đen sạm vì nắng, gió bào mòn sau những chuyến ra khơi. Chị chia sẻ: “Chồng đi bò gù (đánh bắt cá ngừ đại dương) đến cả tháng mới về, tôi ở nhà đi biển phụ với cha. Phụ nữ trên bờ cực một thì ra khơi cực gấp bội. Ra ngoài ấy, cha kéo lưới đằng đầu thì tôi phải phụ vớt chì ở đằng cuối của lưới”. Nói đoạn, chị chìa bàn tay thô ráp và chai sần ra trước mặt tôi rồi tiếp lời nửa đùa nửa thật: “May mà tôi đã lấy chồng chứ nếu còn con gái, bàn tay này mà nắm tay người yêu chắc người ta chạy mất dép…”.
Nghe chị Liên nói, bà Phan Thị Thủy (56 tuổi) cười bằng chất giọng sang sảng của người dân xứ biển: “Đi biển đã hơn 10 năm nay, có những chuyến tôi và ông xã chạy một lèo đến gần 2 giờ để ra đến Hòn (tục danh của một hòn đảo cách Lộ Diêu chừng 60 hải lý) đánh bắt, thậm chí phải ở qua đêm ngoài ấy vài ngày mới vào lại. Sau khi tôi lấy chồng rồi mới đi biển. Anh thử nghĩ xem, đi biển trên nắng dưới nước, gió rát mặt, nếu chưa lấy chồng mà bị những thứ ấy bào mòn nhan sắc thì ai mà ưng”.
Đi biển vốn đã cực nhọc với cánh đàn ông bởi phải kéo những tấm lưới nặng. Ấy là chưa kể đến việc phải đối mặt với cái nắng nóng từ trên trời dội xuống và nước muối từ biển phả lên khi sóng yên biển lặng và những cơn nhào giật liên hồi lúc sóng to, gió lớn. Vì vậy, đàn bà đi biển càng cực hơn. Chợt giọng bà Thủy chùng xuống: “Bàn tay yếu mềm của chị em chúng tôi nhiều khi phải tứa máu bởi kéo lưới. Những ngày tháng đầu tiên ra khơi, do chưa hiểu đặc tính của một số loại cá nên trong lúc gỡ lưới, tôi còn bị cá đâm vào tay lên cơn sốt mê man”.
Vun đắp cho đời sau Ở Lộ Diêu, tôi được nghe, được cảm nhận về những chuyến đi biển thấm đẫm mồ hôi của người phụ nữ nơi đây. Làn da sạm nắng, lam lũ, vất vả nhưng nụ cười của họ lại rạng ngời, hào sảng. Thấy trong đó có niềm tin vào cuộc sống và chăm chút những hy vọng cho tương lai của con cái. Câu chuyện của những người dân nơi đây hoạt bát hẳn lên khi chúng tôi hỏi về con cái của họ. Bà Trương Thị Niên nói: “Khổ mấy tôi cũng chịu được, miễn cho con học hành đến nơi đến chốn. Nhìn con cái lớn lên, học hành đàng hoàng, tôi thấy không uổng phí những tháng ngày cực nhọc ra khơi bám biển”. Anh Nguyễn Văn Út - con trai của bà Niên, sinh viên trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM) cho biết: “Gia đình tôi sống bằng nghề biển. Mấy anh em cùng đi học, rồi tôi thi đỗ vào đại học, mẹ phải đi biển cùng cha để có tiền nuôi con. Thương cha mẹ phải vất vả nên tôi luôn cố gắng học tập. Ngoài giờ lên lớp, tôi còn tranh thủ đi hát ở các phòng trà, tụ điểm ca nhạc không chuyên để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống...” Rời Lộ Diêu trong cái nắng như thiêu như đốt, từ trên đèo nhìn xuống bãi biển, chiếc nón lá của những phụ nữ đi biển lấp lóa trong nắng chói chang. |