+Aa-
    Zalo

    Đám cưới trong mơ của các cặp đôi khuyết tật: Hạnh phúc khi lần đầu được mặc áo cưới

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Do hoàn cảnh đặc thù và khó khăn, phần lớn các cặp đôi dù đã chung sống với nhau nhiều năm, sinh con đẻ cái nhưng vẫn chưa từng được làm đám cưới.

    Do hoàn cảnh đặc thù và khó khăn, phần lớn các cặp đôi khuyết tật dù đã chung sống với nhau nhiều năm, sinh con đẻ cái nhưng vẫn chưa từng được làm đám cưới.

    Đám cưới tập thể của 65 cặp đôi người khuyết tật ở Hà Nội. Ảnh: Thanh niên

    Chiều 23/6, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội đã phối hợp cùng với các đơn vị tổ chức lễ cưới tập thể "Giấc mơ có thật" cho 65 cặp đôi khuyết tật tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận.

    Là những người kém may mắn trong cuộc sống, nhưng những người khuyết tật vẫn luôn có ý chí vươn lên, lạc quan trong cuộc sống. Hơn thế nữa, những số phận không may mắn ấy đã tìm được một nửa hạnh phúc của cuộc đời mình, cùng nhau chia sẻ vui buồn, hạnh phúc…

    Ảnh cưới tập thể của 65 cặp đôi. Ảnh: Saostar

    Phần lớn các cặp đôi đã là vợ chồng từ lâu . Ảnh: Thanh niên

    Các cặp đôi nắm tay nhau hạnh phúc cùng vào lễ đường đám cưới.

    Với thông điệp chỉ có chia sẻ chân thành mới chạm tới cảm xúc chân thành, cùng nhau lan tỏa yêu thương... đám cưới tập thể dành cho các cặp đôi khuyết tật, cặp đôi có hoàn cảnh khó khăn đã nhận được sự quan tâm của xã hội. Đây là ngày mà các cô dâu khuyết tật được khoác lên mình bộ váy cưới, khoác tay chú rể trong hạnh phúc tiến vào hôn trường.

    Các cặp vợ chồng rất vui và hào hứng, họ không quản đường xa cùng người thân tới góp mặt trong đám cưới lớn. Mỗi cặp đôi được mời 10 người thân đến tham dự, nhưng có những cặp mời tới 30 người khiến đám cưới trở nên đông vui, nhộn nhịp hơn hẳn. 

    Nắm chặt tay người vợ trong suốt hành trình đám cưới diễn ra, anh Lường Văn Quý (SN 1982, trú tại Hà Giang) và chị Hoàng Thị Luyến (SN 1983) không giấu được niềm vui hạnh phúc. Hai anh chị đã cùng con và người thân về Hà Nội để dự đám cưới.

    Năm tay hạnh phúc trong ngày cưới đến muộn.

    Cặp đôi khiếm thị Quý - Luyến đến từ Hà Giang.

    Dù chung sống với nhau đến nay đã 14 năm trôi qua nhưng anh Quý chị Luyến chưa bao giờ nhìn thấy khuôn mặt của nhau.

    Trò chuyện với chúng tôi, anh Quý chia sẻ, từ nhỏ bị khiếm thị bẩm sinh, hai mắt không thể nhìn thấy gì. Chị Luyến, vợ anh ảnh hưởng chất độc da cam từ người thân nên cùng chung số phận như anh.

    Cả anh và vợ quen nhau trong hội khuyết tật tỉnh Hà Giang, ở đây anh và chị hay đi hát tình thương. Dù không nhìn thấy nhưng qua những câu chuyện làm quen anh chị dần nảy sinh tình cảm rồi đem lòng yêu thương.

    Nắm chặt tay chồng, chị Luyến vui vẻ cho hay, dù lấy nhau đến nay đã 14 năm và có hai người con trai nhưng cuộc sống khó khăn, anh chị chưa có dịp để làm đám cưới. Chị Luyến cũng chưa bao giờ khoác lên mình bộ váy cô dâu. Nghe tin được tổ chức đám cưới, vợ chồng anh chị đều rất hạnh phúc. Do nhà cách Hà Nội hơn 300km nên cặp vợ chồng này cùng các con và người thân đã xuống Hà Nội từ đêm qua.

    “Dù chưa bao giờ nhìn thấy nhau, nhưng tôi cảm nhận được cả hai bên nhau vì tình yêu. Cuộc sống nhiều lúc khó khăn nhưng chúng tôi đã cùng nhau quyết tâm để vượt qua. 14 năm đã qua chúng tôi vẫn hạnh phúc, có hai người con trai là minh chứng cho tình yêu ấy”, chị Luyến cười nói.

    Cũng như vợ chồng anh Quý, chị Luyến, anh Trần Văn Tưởng (SN 1987, quê Thường Tín, Hà Nội) bị khuyết tật từ nhỏ. anh bị bệnh xương thủy tinh từ khi mới sinh ra nên xương rất giòn và dễ gãy. Căn bệnh di chuyền này cũng khiến anh không thể phát triển được về thể trạng, tuy đã 32 tuổi nhưng anh Tưởng cao chưa đầy 1m, nặng 28 kg.

    Cặp đôi Luyến - Tưởng hạnh phúc trong ngày cưới cùng hai con.

    Hạnh phúc cầm tay vợ tiến vào lễ đường.

    Căn bệnh khiến cuộc sống của anh gặp nhiều khó khăn, vất vả. Lớn lên anh được vào làm trung tâm dạy nghề ở quê, và tại đây anh gặp và đem lòng yêu mến chị An Thị Kim Tiền (SN 1990, quê Thanh Trì, Hà Nội).

    Chị Tiền từ nhỏ đôi chân đã không lành lặn, một bên chân của chị khuyết tật, đi lại rất khó khăn. Hiểu và thông cảm hoàn cảnh của nhau, cả hai đã đến với nhau và quyết định gắn bó đến hết đời.

    Đến năm 2007, gia đình 2 bên đã đồng ý cho 2 người lấy nhau, tuy nhiên, chỉ tổ chức đơn giản rồi về sống chung, chị Tiền chưa hề được diện lên người chiếc váy cưới.

    “Sống với nhau 12 năm, vợ chồng tôi sinh được 2 đứa con kháu khỉnh mà tới hôm nay, vợ tôi mới được mặc chiếc váy cưới. Cô ấy rất đẹp!”, anh Tưởng hạnh phúc nói.

    Trong bộ đồ chú rể, anh Đỗ Hữu Đạt (23 tuổi, quê tại Thường Tín, Hà Nội) cùng vợ và mẹ hòa chung không khí hạnh phúc trong ngày cưới của 65 cặp đôi cùng hoàn cảnh.

    Nhấp ly rượu vang, anh Đạt chia sẻ, khi sinh ra anh hoàn toàn bình thường, phát triển tốt như bao bạn bè cùng trang lứa. Người trong làng đánh giá anh là một người điển trai, có tài ăn nói. Tuy nhiên, vụ tai nạn giao thông đã khiến anh Đạt trở thành người khuyết tật, tay và chân trái của anh bị liệt.

    Vợ chồng anh Đạt nâng ly trong đám cưới, nguyện đi cùng nhau đến đầu bạc răng long.

    Sau tai nạn, bạn gái cũng bỏ anh mà đi. Anh Đạt suy sụp, tưởng chừng sẽ không ai còn có thể trao yêu thương cho một người tàn tật như mình nữa cho đến tháng 2 vừa qua, anh quen một cô gái cùng xã, rồi đám cưới chóng vánh được diễn ra.

    “Mắt vợ tôi không bình thường, tuy nhiên cô ấy vẫn rất đẹp. Hiểu hoàn cảnh của nhau, đến với nhau, cùng chia sẻ, bước tiếp đoạn đường phía trước. Vì 2 người đều không được may mắn trong cuộc sống nên vợ chồng tôi luôn hòa thuận, không hề xảy ra cãi vã. Vợ tôi mới có bầu được 8 tuần tuổi, hôm nay mới được mặc váy cưới, trông cô ấy hạnh phúc, tôi thấy rất vui!”, anh Đạt chia sẻ.

    Minh Khôi (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dam-cuoi-trong-mo-cua-cac-cap-doi-khuyet-tat-hanh-phuc-khi-lan-dau-duoc-mac-ao-cuoi-a280986.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan