+Aa-
    Zalo

    "Vua gà dược liệu": Người khuyết tật làm giàu bằng trí tuệ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Từ một người khuyết tật do bại liệt, anh Tú đã nỗ lực học tập lấy được 2 tấm bằng đại học và vươn lên làm giàu với mô hình nuôi gà dược liệu.

    Từ một người khuyết tật do bại liệt, anh Tú đã nỗ lực học tập lấy được 2 tấm bằng đại học và vươn lên làm giàu với mô hình nuôi gà dược liệu.

    Tốt nghiệp 2 trường đại học, sáng chế mô hình nuôi gà

    Sau cơn sốt bại liệt năm 5 tuổi anh Huỳnh Thanh Tú (SN 1975, trú tại xã Hòa Bình, TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum) bị liệt một chân nên việc di chuyển càng lúc càng khó khăn.

    Tuy nhiên, suốt 12 năm trời anh vẫn là một cậu học sinh có thành tích học tập đáng nể và thi đỗ đại học. Sau khi tốt nghiệp, cầm trên tay 2 bằng cử nhân Luật và Kinh tế, ban đầu anh Tú vào làm việc cho một cơ quan nhà nước. Nhưng chỉ được ít năm, đến năm 2003 anh bỏ việc về thành lập doanh nghiệp tư vấn kinh tế, luật.

    Dù làm việc ở một lĩnh vực khác xa với người nông dân, nhưng anh đã sáng chế ra mô hình nuôi gà dược liệu.

    Những cây thuốc được anh Tú thu gom, sấy khô, nghiền thành bột và trộn đều với cám làm thức ăn cho gà, hoặc nấu thành nước cho gà uống. Ảnh: Dân việt

    “Hồi đó, thấy bố mẹ, hàng xóm láng giềng luôn phải vật lộn với dịch bệnh trong chăn nuôi. Bằng những kiến thức tích lũy được, tôi đã nghiên cứu từ các cây dược liệu quanh nhà để đưa vào làm thức ăn cho gia cầm. Qua đó, bổ sung chất dinh dưỡng và tạo sức đề kháng cho gia cầm.”, anh Tú chia sẻ.

    Tất cả các công thức, quy trình ủ lên men các loại dược phẩm để làm thức ăn, nước uống cho gà đều được anh ứng dụng y học cổ truyền. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Tú còn tận tình chỉ dạy từng phương pháp phòng bệnh hay việc chế phẩm các loại dược liệu cho mọi người xung quanh.

    Làm giàu từ mô hình nuôi gà dược liệu

    Trên trang trại nuôi gà dược liệu rộng 1ha của gia đình, anh Tú luôn duy trì nuôi khoảng hơn 3.000 con gà, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

    Trang trại nuôi gà dược liệu mỗi năm mang lại cho "vua gà" hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Dân việt

    Những con gà dược liệu của anh Tú rất khỏe mạnh, ít bị nhiễm bệnh do được cho uống thuốc thay nước. Hàng ngày anh Tú đã tự tay đun nước từ các lá thuốc sấy khô, nghiền bột và một số tinh dầu được tạo ra như tinh dầu húng quế. Về khâu thức ăn cho gà, anh Tú kết hợp giữa các loại rau xanh, bã tỏi, gừng với cám gạo, cám ngô..., mỗi ngày gà sẽ ăn vào hai đợt là sáng và chiều.

    Được biết, mô hình nuôi gà bằng dược liệu của anh Tú là mô hình đầu tiên tại Kon Tum. Trang trại gà của anh luôn duy trì ở mức 3.000 con, mỗi tháng anh xuất bán 1.000 con gà thảo dược với giá giao động từ 120.000 đồng đến 150.000 đồng/kg. Khoảng 6 tháng, anh Tú sẽ xuất bán một lần, trung bình gà dược liệu của anh Tú có trọng lượng từ 1,3kg đến 1,7kg/con.

    Mới đây anh Tú đã chính thức thành lập HTX Đồng hành nhà nông Hoàng Bách để vừa có thể mở rộng diện tích, tạo công ăn việc làm cho mọi người và quan trọng có thể ứng dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hiện HTX do anh Tú làm giám đốc có 15 thành viên, chuyên liên kết với các hộ dân cung cấp giống cho nhiều hộ trên địa bàn. Trung bình HTX của anh Tú thu về mỗi năm là 700 triệu đồng.

    Cung cấp thực phẩm sạch, chất lượng cao cho người tiêu dùng

    “Khi nếm thử gà dược liệu và gà công nghiệp, khách hàng sẽ cảm nhận được mùi vị khác nhau của hai loại gà này. Thứ nhất, thịt gà dược liệu sẽ có màu da vàng hơn, độ đàn hồi tốt, thịt chắc ít nước khi nấu lên không có vị tanh như gà công nghiệp. Thứ hai, trứng gà dược liệu thường có lòng đỏ nhiều hơn, ăn có vị béo không tanh", người được mệnh danh là "vua gà dược liệu" đất Kon Tum nói.

    Gà nuôi bằng dược liệu có chất lượng thịt cao, thơm ngon hơn bình thường. Ảnh: Dân trí

    Hiện lượng thịt và trứng gà dược liệu anh Tú bỏ qua các nhà hàng, siêu thị ở các tỉnh thành như Đà Nẵng, Kon Tum, Gia Lai, Nha Trang… Về lâu dài, "vua gà dược liệu" đang có ý định sẽ làm theo hình thức từ trang trại tới bàn ăn, kết hợp với bạn bè ở Đà Nẵng, Sài Gòn mở thành chuỗi sản phẩm chuyên về gà phục vụ cho trẻ em.

    Trao đổi với Dân trí, ông Phạm Phước (Chủ tịch UBND xã Hòa Bình, TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum) cho biết: “Mô hình này chúng tôi đang nghiên cứu để phối hợp với anh Tú nhằm mở rộng mô hình nuôi gà dược liệu và hình thành HTX. Theo đó, đây là mô hình đầu tiên trên địa bàn và mang lại doanh thu rất cao. Hiện, anh Tú đã đăng ký thương hiệu và mã vạch và có kiểm định chất lượng trên quả trứng và từng con gà…Hướng sắp tới, chính quyền sẽ đưa các hộ dân vào khảo sát và cùng với anh Tú vì đầu ra cho nguồn gà dược liệu này."

    Gà nuôi bằng dược liệu được gắn mã vạch, có nguồn gốc rõ ràng. Ảnh: Dân trí

    Minh Khôi (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vua-ga-duoc-lieu-nguoi-khuyet-tat-lam-giau-bang-tri-tue-a276596.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan