+Aa-
    Zalo

    Đắk Nông: Phát hiện ca bệnh đầu tiên mắc vi khuẩn ăn thịt người

    (ĐS&PL) - Sở Y tế Đắk Nông cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận 1 trường hợp đầu tiên mắc Whitmore (bệnh vi khuẩn ăn thịt người) tại xã Nam Dong, huyện Cư Jút.

    Theo Lao Động, bệnh nhân tên T.V.S (SN 1957), thôn 15, xã Nam Dong. Bệnh nhân có khối u vùng đỉnh đầu cách đây hơn 1 năm, có đi khám nhiều nơi và được chẩn đoán là u mỡ.

    Được biết, gần đây bệnh nhân thấy đau tức nhiều tại khối u, sờ thấy căng cứng nên được người nhà đưa vào khám và nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh (Đắk Lắk) vào ngày 14/4/2023.

    dak nong phat hien ca dau tien mac vi khuan an thit nguoi
    Sở Y tế Đắk Nông thực hiện khử khuẩn tại nhà bệnh nhân phát hiện mắc vi khuẩn Whitmore. Ảnh: Sở Y tế Đắk Nông

    Đến ngày 19/4/2023, sau một quá trình chẩn đoán, xét nghiệm, bệnh nhân có kết quả dương tính với vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei.

    Hiện tại, bệnh nhân đã tỉnh, tiếp xúc tốt, sức khoẻ ổn định. Bệnh nhân đã được chuyển sang Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên để tiếp tục theo dõi và điều trị.

    Sau khi ghi nhận trường hợp mắc bệnh Whitmore, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông đã phản hồi thông tin cho đơn vị liên quan, đồng thời tổ chức điều tra và giám sát tại cộng đồng để phòng tránh bệnh lây lan.

    Với tỷ lệ tử vong lên đến 40 – 60%, bệnh Whitmore được Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đưa vào danh sách các bệnh lý nguy hiểm hàng đầu. Bệnh gây hoại tử nhiều cơ quan, trong đó có da và làm suy yếu hệ miễn dịch nhanh chóng.

    Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh Whitmore là một bệnh nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra. Vi khuẩn B. pseudomallei sống trong đất, nước bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là những vùng ngập úng sau lũ lụt.

    Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua da khi lội trong nước, bùn thời gian dài hoặc có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bị nhiễm vi khuẩn. Hiện chưa có bằng chứng về việc lây truyền vi khuẩn từ người sang người hoặc từ động vật sang người và không lây lan thành dịch lớn.

    Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, có thể diễn biến nặng, tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch … Hiện chưa có vaccine phòng bệnh, theo báo Pháp luật Việt Nam.

    Cách phòng tránh bệnh Whitmore

    - Hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây bệnh, bao gồm đất hoặc nước bùn lầy, đặc biệt là những nơi có ô nhiễm nặng;

    - Trang bị đầy đủ giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên phải làm việc ngoài trời, tránh tiếp xúc trực tiếp với đất và nước nhiễm bẩn;

    - Khi có vết thương hở trên da, vết loét hoặc bỏng, bệnh nhân cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có nguy cơ bị ô nhiễm và chứa vi khuẩn. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì phải sử dụng băng chống thấm và cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, rửa sạch trước và ngay sau khi tiếp xúc;

    - Những người mắc các bệnh mãn tính như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch cần được điều trị ổn định, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn;

    - Nếu nghi ngờ mắc phải các triệu chứng bệnh, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, phát hiện vi khuẩn gây bệnh và điều trị kịp thời.

    - Mặc dù ít gặp và không lây lan trực tiếp từ người sang người, nhưng công tác phòng tránh bệnh Whitmore vẫn cần được thực hiện để hạn chế khả năng mắc phải những triệu chứng nghiêm trọng của bệnh, nhất là với những đối tượng có nguy cơ cao.

     

    Thùy Dung(t/h)

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dak-nong-phat-hien-ca-benh-dau-tien-mac-vi-khuan-an-thit-nguoi-a572937.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan