(ĐSPL) - Nếu tình trạng khô hạn kéo dài và không có mưa trong vòng 1 tháng nữa, toàn tỉnh Đắk Lắk sẽ có khoảng 5.000ha lúa và 15.000ha cà phê bị hạn. Theo ước tính, nắng hạn đã gây thiệt hại lên đến trên 128 tỷ đồng.
Thời gian qua do thời tiết diễn biến có nhiều bất lợi, các hồ chứa không đảm bảo về mặt tích trữ do bị bồi lắng khiến cho cây trồng ở tỉnh Đắk Lắk luôn trong tình trạng thiếu nước tưới, bà con nhân dân hết sức lo lắng. Ước tính, nắng hạn đã gây thiệt hại lên đến trên 128 tỷ đồng.
Có mặt tại thị xã Buôn Hồ, một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng của mùa khô kéo dài ở tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi mới thấy được nỗi vất vả của bà con trong việc chuẩn bị nước tưới cho cây trồng. Gia đình anh Nguyễn Văn Lan (48 tuổi), trú ở xã Ea Blang có trên 2 héc ta cà phê đang trong giai đoạn “khát nước” của mùa khô này. “Gia đình tôi phải mua nước ở suối cách rẫy chừng 3km để về tưới cho cây. Chi phí đầu tư cho ống dẫn nước quá cao, nên phải huy động ống và máy của 4 gia đình mới đủ. Nhưng thực tế, hiện nay nước phục vụ cho sinh hoạt cũng không có chứ đừng nói chuyện tưới cho cây”, anh Lan nói.
Anh Phạm Văn Hưng đang cố “vét” nốt những giọt nước cuối cùng ở suối để tưới cho rẫy cà phê |
Cùng cảnh ngộ, gia đình anh Phạm Văn Hưng (47 tuổi), ở xã Ea Đrông có hơn 1 héc ta cà phê, vào cao điểm mùa khô, anh cũng đang cố “vét” nốt chút nước dưới đáy con suối cách rẫy 2km. “Cách đây 4 năm về trước cũng có một đợt hạn hán, nhưng không kéo dài như hiện nay. Chúng tôi đang cố gắng cầm cự dùng nốt những giọt nước cuối cùng ở con suối. Nếu thời gian tới không có mưa, sẽ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng và đời sống của người dân”, anh Hưng chia sẻ.
Thực tế hiện nay, không chỉ ở thị xã Buôn Hồ mà toàn tỉnh Đắk Lắk, người dân cũng đang phải chịu những ảnh hưởng nặng nề của mùa khô hạn kéo dài. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, tính đến ngày 16/3, tổng diện tích toàn tỉnh bị hạn là 4337,1 héc ta. Nguyên nhân chính là do mực nước các hồ chứa giảm nhanh trong quá trình phục vụ tưới, các hồ nhỏ phổ biến xấp xỉ mực nước chết và dưới mực nước chết, một số hồ chỉ còn khoảng 30 - 50\% dung trích trữ; nguồn nước ngầm suy giảm nhanh và bị tụt sâu từ 5 ÷ 8m.
Người dân ở xã Ea Blang đang chuẩn bị ống để mua nước tưới cho cây trồng |
Cũng theo báo cáo nhanh của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk, các huyện Krông Bông, Krông Năng, Krông Ana, M Đrắk, Lắk, Cư M’gar, Ea Kar… nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng, chưa có mưa thì dự kiến trong tháng 3 diện tích lúa bị hạn toàn tỉnh khoảng 5.000ha (trong đó khả năng 4.000ha lúa vượt kế hoạch bị hạn nặng) và cà phê bị hạn khoảng 15.000ha.
Bên cạnh đó, dự kiến đến cuối tháng 3/2015 có khoảng 6.000 hộ dân thuộc các huyện: Krông Bông, Buôn Đôn, Krông Pắk, Krông Ana, Ea Súp, Cư Kuin sẽ bị thiếu nước sinh hoạt. Ở TP Buôn Ma Thuột, do thiếu nguồn nước ngầm, thời gian qua nước máy cũng liên tục bị cúp khiến đời sống sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng.
Ông Trang Quang Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong thời gian tới sẽ tiến hành tu sửa các công trình đầu mối, huy động nhân dân nạo vét kênh mương để đảm bảo dẫn nước tưới đến ruộng; chuẩn bị nhiên liệu dự trữ, sẵn sàng đặt các trạm bơm dã chiến để bơm nước ở mực nước chết của hồ chứa và sông suối chống hạn kịp thời và hiệu quả. Đồng thời, ưu tiên cấp nước tưới cho diện tích cây giống, lúa đang trổ, tưới luân phiên, tủ gốc giữ ẩm cho cây.