Trước tình trạng khô hạn và nắng nóng kéo dài, hàng nghìn ha rừng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang đối diện nguy cơ cháy rất cao, cấp cực kỳ nguy hiểm. Tuy nhiên, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng của địa phương đang bộc lộ nhiều hạn chế.
Cỏ đuôi chồn cháy vàng phất phơ trong gió. Tre gai, tràm nước vàng rộm, khô ròn. Phía trên, cây rừng đỏ quạch, thi nhau trút lá trong cái nắng như thiêu giữa cao điểm mùa khô ở vùng Đông Nam Bộ. Đó là những gì chúng tôi chứng kiến tại hầu hết các cánh rừng trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, địa phương có diện tích rừng lớn nhất tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.
Trao đổi với chúng tôi, Trưởng phòng Bảo vệ phòng, chống cháy rừng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nguyễn Duy Bắc cho biết, trong số hơn 26 nghìn ha rừng hiện có trên địa bàn, hơn 50\% diện tích nằm trong vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao.
Phần lớn diện tích rừng của Bà Rịa - Vũng Tàu nằm ở khu vực có địa hình phức tạp, đồng thời nằm giáp ranh với đất nông nghiệp và khu dân cư, nên nguy cơ cháy lớn. Bên cạnh đó, nhiều lối mòn ra - vào rừng cũng là nguyên nhân khiến công tác bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) gặp nhiều khó khăn.
Thực tế, Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương không có nhiều rừng, độ che phủ chỉ khoảng 12,6\%, nhưng tình trạng phá rừng và cháy rừng luôn diễn biến phức tạp. Có một nguyên nhân không thể phủ nhận là tình trạng phá rừng làm nương, rẫy vẫn liên tục xảy ra trên địa bàn. Điển hình như vụ phá rừng ở Bình Châu - Phước Bửu.
Nhiều cánh rừng ở Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) đang khô ròn trong nắng nóng. |
Bên cạnh đó, với nhiều điểm du lịch thu hút đông du khách, một số điểm nằm ở sát rừng, việc tổ chức tham quan, cắm trại trong rừng cũng là nguyên nhân dẫn đến cháy rừng nếu như không làm tốt công tác tuyên truyền và bảo vệ.
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Bà Rịa - Vũng Tàu, không năm nào trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng cháy rừng, nhất là vào mùa khô, tập trung từ tháng 11- 12 năm trước đến tháng 5 và tháng 6 năm sau. Riêng trong mùa khô năm nay, đã xảy ra tám vụ cháy với diện tích hơn hai ha rừng.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đoàn Duy Lâm cho biết, các vụ cháy chưa gây thiệt hại lớn, do chỉ cháy trảng cỏ, tranh tre và một số cây tràm nước, nhưng để chữa cháy, địa phương đã phải huy động hàng trăm lượt người, gồm cả lực lượng kiểm lâm, chủ rừng và quân đội. Nguy cơ xảy ra cháy diện rộng rất cao, bởi tất cả các kiểu rừng trên địa bàn đều dễ bắt lửa.
Qua điều tra, trong số tám vụ cháy kể trên, chỉ duy nhất một vụ được xác định do cháy lan từ rẫy của người dân vào rừng. Bảy vụ còn lại, dù lực lượng kiểm lâm, chủ rừng và chính quyền địa phương đã phối hợp điều tra nhưng “đến nay chưa phát hiện xử lý được đối tượng nào đốt rừng”.
Một nguyên nhân không kém phần quan trọng khiến công tác PCCCR trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu chưa thật sự hiệu quả là nhiệm vụ bảo vệ và quản lý rừng đang vượt khỏi tầm kiểm soát của một số chủ rừng, điển hình là ban quản lý rừng phòng hộ và ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu. Đây là hai chủ rừng được giao quản lý số diện tích rừng và đất lâm nghiệp nhiều nhất, với hơn 20 nghìn ha song lại là những đơn vị để xảy ra tình trạng phá rừng nhiều nhất.
Bà Rịa - Vũng Tàu hiện là một trong số 15 địa phương có nguy cơ cháy rừng ở cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm. Trong những ngày tới, trước tình trạng khô hạn và nắng nóng hiện nay, nguy cơ cháy rừng tại nhiều cánh rừng trên địa bàn vẫn rất cao. Nếu chủ quan, lơ là trong PCCCR, hậu quả cháy rừng là khó tránh khỏi.
H.T(theo Nhân Dân)