+Aa-
    Zalo

    Đắk Lắk: Cầu tiền tỉ vừa xây xong... dân phải lội sông vì không có đường đi

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, xã Hòa Lễ đã được bố trí xây 2 cây cầu treo kết nối đôi bờ sông Krông Ana giữa xã Hòa Lễ và Cư Kty.

    (ĐSPL) - Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) đã được bố trí xây 2 cây cầu treo kết nối đôi bờ sông Krông Ana giữa xã Hòa Lễ và Cư Kty. Tuy nhiên, công trình vừa đưa vào sử dụng đã vướng nhiều bất cập vì không có đường để kết nối đi qua cầu. Có cầu nhưng không sử dụng được, người dân vẫn phải qua sông bằng cáp treo, thuyền nan, thậm chí là lội...

    Không có đường để lên cầu, người dân vẫn phải lội sông đi làm.

    Cho cầu không cho đường

    Sông Krông Ana chảy ngang qua huyện Krông Bông chia cách 2 xã Hòa Lễ và Cư Kty. Hàng ngày người dân xã Hòa Lễ muốn qua xã Cư Kty bắt buộc phải vượt con sông đầy nguy hiểm này. Trước đây, vì không có cầu kết nối đôi bờ nên đa số người dân phải vượt sông theo cách đi thuyền nan, hay bơi qua sông. Sau đó, họ tự sáng chế công cụ thô sơ như cáp treo để dễ dàng vận chuyển người cũng như nông sản qua sông.

    Với những cách vượt sông như thế, không ít người dân ở đây đã trả giá bằng cả tính mạng của mình. Điển hình, năm 2014, ông Nguyễn Văn Chua (ngụ xã Hòa Lễ) trong lúc qua sông bằng cáp treo đã bị tai nạn tử vong tại chỗ. Cũng tại bến sông ở xã Hòa Lễ, trước đó cũng xảy ra vụ lật thuyền nan khiến 3 cô gái chết đuối thương tâm. Nguy hiểm là thế nhưng vì mưu sinh, người dân vẫn phải dùng những phương tiện thô sơ trên để qua sông.

    Nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, năm 2015, bộ GTVT đã thực hiện đề án 186 xây dựng cầu dân sinh cho người dân. Trong đó, xã Hòa Lễ được bố trí xây dựng 2 cầu dân sinh kết nối sông Krông Ana khu vực thôn 2 và thôn 6 xã Hòa Lễ. Với số vốn 5,1 tỉ đồng/cầu, năm 2016, công trình đã cơ bản hoàn thành và được đưa vào sử dụng.

    Tuy nhiên, sau khi 2 cây cầu này được đưa vào sử dụng thì xảy ra nhiều bất cập. Cụ thể dù cầu dân sinh ở thôn 2 (xã Hòa Lễ) đã hoàn thành nhưng công trình đường giao thông kết nối với cầu không được thực hiện theo dự án. Để có thể đi qua cầu, người dân phải đi tắt qua đất của một hộ dân ở gần đó. Sợ hoa màu bị hư hỏng, chủ đất quyết định dùng kẽm gai rào một bên của cây cầu lại không cho dân sử dụng. Việc cầu xây xong, nhưng không được sử dụng khiến nhiều người dân bức xúc.

    Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Tiếc (60 tuổi, thôn 2, xã Hòa Lễ) bày tỏ: “Khi có dự án xây cầu, chúng tôi ai cũng mừng rơi nước mắt vì từ nay không phải khổ sở vượt sông nữa. Thế nhưng cầu xây xong rồi người dân vẫn không đi được vì không có đường vào. Chúng tôi vẫn phải vượt sông theo cách cũ”.

    Người trong cuộc nói gì?

    Được biết, cầu treo được xây dựng ở khu vực thôn 2 nằm liền kề với phần đất của ông Nguyễn Đức Việt (SN 1962, ngụ thôn 1, xã Hòa Lễ). Theo ông Việt, dự án cầu dân sinh được thi công trên phần đất của ông và ông đã được đền bù ở khu vực thi công cầu. Tuy nhiên dự án không đền bù phần đất dùng để làm đường kết nối giao thông với cầu nên ông phải dùng kẽm gai rào đường không cho người dân đi qua đất của mình vì sợ hư hoa màu.

    Trả lời PV về vấn đề trên, ông Lục Văn Toại (Giám đốc ban dự án sở GTVT Đắk Lắk) cho biết: “Cầu dân sinh kết nối đôi bờ thôn 2 xã Hòa Lễ và xã Cư Kty được xây dựng và bàn giao cho địa phương quản lý vào tháng 4/2016. Theo đó, chúng tôi chỉ cấp kinh phí để xây dựng cầu còn đường giao thông kết nối cầu, UBND huyện phải tự bố trí”.

    Trao đổi với PV, ông Nguyễn Minh Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lễ cũng cho biết: “Diện tích đất liền kề của gia đình ông Việt thuộc địa giới hành chính của xã Cư Kty. Sau khi dự án cầu dân sinh hoàn thành, chính quyền địa phương đã làm việc với ông Việt nhưng ông ấy yêu cầu đền bù 15 triệu đồng mới bàn giao đất làm đường. Chúng tôi đã báo cáo sự việc lên UBND huyện Krông Bông và Huyện ủy Krông Bông cho biết sẽ trích một phần kinh phí ngân sách Nhà nước để hỗ trợ làm đường kết nối 2 xã. Sắp tới, chúng tôi cũng làm việc với UBND xã Cư Kty để cùng tìm cách làm đường trong thời gian sớm nhất để người dân đi lại”.

    MAI CƯỜNG

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dak-lak-cau-tien-ti-vua-xay-xong-dan-phai-loi-song-vi-khong-co-duong-di-a141130.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan