+Aa-
    Zalo

    Đại sứ Phạm Sanh Châu chia sẻ về cuộc chiến giành sự sống của kỹ sư Việt Nam tại Ấn Độ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Lá thư của Đại sứ Phạm Sanh Châu phần nào giúp chúng ta nhìn rõ hơn bao giờ hết thực trạng đại dịch COVID-19 hiện nay tại Ấn Độ.

    Lá thư của Đại sứ Phạm Sanh Châu phần nào giúp chúng ta nhìn rõ hơn bao giờ hết thực trạng đại dịch COVID-19 hiện nay tại Ấn Độ. 

    Lò thiêu xác quá tải, có trường hợp người dân đành mang xác ra vườn lấy cành khô trên cây mà đốt. Ảnh chụp báo chí Ấn Độ do Đại sứ Phạm Sanh Châu đăng tải. 

    Những ngày qua, Ấn Độ trở thành tâm điểm của cả thế giới khi số ca mắc COVID-19 tăng đột biến. Thậm chí, trong ngày 23/4, quốc gia đông dân nhất thế giới ghi nhận 332.730 người mắc COVID-19 mới.

    Đợt bùng phát dịch mới đang đè bẹp hệ thống y tế Ấn Độ. Các bệnh viện rơi vào tình cảnh thiếu oxy trầm trọng, các đài hóa thân quá tải buộc nhiều gia đình phải hỏa thiêu người thân ở ngoài trời.

    Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ kiêm nhiệm Nepal và Bhutan Phạm Sanh Châu đã có bài viết chia sẻ trên mạng xã hội, giúp chúng ta nhìn rõ hơn bao giờ hết thực trạng đại dịch COVID-19 hiện nay tại đất nước hơn gần 1,4 tỷ dân:

    Trong cuộc đời của mình kể cả những lúc nằm trong hầm trú ẩn để tránh máy bay ném bom của Mỹ vào những năm 1970, chưa bao giờ cảm thấy lằn ranh giữa cái chết và sự sống lại mỏng manh đến thế.

    Giờ đây nếu ai mắc Covid-19 ở đây thì chỉ còn trông cậy vào sức đề kháng của bản thân và sự may rủi của số phận vì gọi điện đến bệnh viện nào thì cũng được cho biết là giường bệnh không còn, máy thở ô xy đã hết và ô xy cũng hết luôn. Trong 24 giờ qua đã có 315.000 ca nhiễm và 2.100 người chết. Cứ 40 giây lại có một người chết vì Covid-19. Mà họ đâu có phải xa lạ gì, nhiều người là mối quen biết và đối tác làm việc của Đại sứ quán.

    May mắn nhờ sự giúp đỡ của Lãnh đạo Bộ Ngoại giao Ấn Độ và các Vụ chức năng mà Đại sứ quán “giành” được một giường chữa bệnh cho một kỹ sư Việt Nam đang xây Trụ sở cho Đại sứ quán. Bạn ấy đã sốt trên 39 độ sau 5 ngày liên tiếp mà không thuyên giảm. Súp yến đổ vào miệng mà vẫn không trôi. Có lúc nồng độ ô xy trong máu dưới 90%, mức có thể gây tử vong. Còn công trường xây dựng Trụ sở mới đã trở thành ổ dịch. Giờ đây, nơi nào ở đây cũng trở thành ổ dịch.

    Phải đích thân “xuất Đại sứ” để đảm bảo có được giường bệnh ở bệnh viện Apollo mặc dù về nguyên tắc Bộ Ngoại giao nước bạn đồng ý và trực tiếp hỗ trợ. Đau đớn biết rằng để có được “giường bệnh” này có thể phải đánh đổi bằng sinh mạng của người khác. Có được giường mừng rơi nước mắt vì vừa tủi vừa thương. Nhưng mãi vẫn không nhập viện được vì họ không tìm thấy kết quả xét nghiệm dương tính đâu, đành để bệnh nhân ngồi ngoài đường chờ.

    Cứ tưởng Ấn Độ đã vượt qua thời kỳ nguy hiểm nhất, anh em trong Đại sứ quán sẽ bình an vì đã từng nhiễm bệnh. Nhưng không! Điều tồi tệ nhất đang chờ ở phía trước. Ngay cả những ai đã tiêm 2 liều vắc xin vẫn có thể nhiễm như cựu Thủ tướng Momanhant Singh. Nhiễm rồi vẫn có thể bị tái nhiễm.

    Không muốn khóc mà nước mắt cứ trào ra. Nhìn ra đường chỉ nhìn toàn thấy xe cứu thương chạy ngược xuôi. Đến lò thiêu xác cũng quá tải đành mang xác ra vườn lấy cành khô trên cây mà đốt.

    Thương Ấn Độ quá Ấn Độ ơi, sao chỉ sau mấy ngày mà để “vỡ trận” rơi vào “cơn đại hồng thủy” như vậy ? Chẳng lẽ là nước sản xuất 60% vác xin trên thế giới mà phải thua trận chiến này sao ?

    Đại sứ Phạm Sanh Châu trong bộ quần áo bảo hộ tại một trung tâm y tế của Ấn Độ.

    Trong lá thư gửi riêng cho Tuổi Trẻ, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu tiếp tục chia sẻ những tâm sự đầy cảm xúc của ông về tình hình sức khỏe của anh Nhân, một kỹ sư Việt Nam đang giúp xây trụ sở Đại sứ quán, vừa mắc COVID-19:

    Nhân ơi, xin em đừng chết!

    Nhân yêu quý,

    Từ lúc em nhập viện, 24 tiếng đồng hồ đã trôi qua mà Đại sứ không nhận được bất kỳ tin tức nào của em.

    Một tuần qua thật khủng khiếp, mọi việc diễn biến nhanh không ngờ. Mới hôm thứ năm tuần trước (15/4) sau khi đi công tác về, Đại sứ cùng em còn say sưa bàn các giải pháp chống thấm cho trụ sở mới của Đại sứ quán (ĐSQ) thì ngay hôm sau em đã sốt và phải nghỉ ở nhà.

    Cũng đúng chiều hôm thứ sáu (16/4), Thủ hiến vùng New Delhi lên tivi công bố lệnh phong tỏa toàn bộ thủ đô khi đợt dịch lần thứ 2 bất ngờ tấn công Ấn Độ với số ca nhiễm trên 200.000 người chỉ trong 24 giờ.

    Sau em đến lượt các bạn Tuấn "béo", Tuấn "râu", Trung, Cường, Bền và Tùng lần lượt sốt. Trong ĐSQ, anh Hùng ở bộ phận bếp cũng đã mắc COVID-19.

    Đại sứ cứ tưởng với việc kích hoạt ngay nhóm hỗ trợ khẩn cấp, khai báo tình trạng sức khỏe của mỗi người 3 lần một ngày trên phần mềm chung, cùng nhau làm "bác sĩ" theo dõi và chữa trị cho nhau, chúng ta sẽ khống chế được bệnh dịch như cách mà Đại sứ và 38 đồng nghiệp ĐSQ đã làm và dắt tay nhau lặng lẽ vượt qua đợt dịch cuối tháng 9 năm ngoái. Nhưng Đại sứ đã lầm. Cuộc chiến lần này nguy hiểm và cam go hơn rất nhiều.

    Thách thức đầu tiên là không tìm được nơi để xét nghiệm cho các em vì đâu cũng quá tải. Mới tuần trước gọi xét nghiệm trước khi đi công tác là họ đến luôn. Giờ đây được xét nghiệm cũng trở thành một "đặc ân". Sau xét nghiệm phải đợi 2 đến 3 ngày mới biết kết quả. Ngay cả đến bây giờ kết quả xét nghiệm của một số em cũng không tìm thấy vì tất cả trở nên hỗn loạn vì quá tải.

    Nhân yêu quý,

    Sau 5 ngày nhiễm bệnh em vẫn sốt rất cao, ngủ li bì và nhiều lúc không tỉnh đến mức anh Hải phải gọi điện bảo: "Đại sứ ơi, anh Nhân sốt cao 39 độ liên tục, nồng độ ôxy dưới 90%, có hiện tượng bội nhiễm phải đưa gấp vào viện thôi". Nhưng vào viện nào bây giờ? Cả ĐSQ ai có đầu mối nào đều lần lượt gọi điện, tìm mọi cách để có giường cho em, nhưng vô vọng.

    Đại sứ đã cố gắng tìm cách tiêm vắc xin COVID-19 cho các em, nhưng chưa kịp triển khai thì các em đã ốm, mà ốm rất nặng dù đều còn trẻ và rất khỏe, hằng ngày vẫn chạy đá bóng rất nhanh. Hình như vi rút chủng mới B.1.617 của Ấn Độ tấn công rất nhanh và tàn phá rất mạnh kể cả những người trẻ tuổi, một sự khác biệt lớn so với đợt dịch lần đầu.

    Thấy em không ăn được, ngay cả cháo nuốt không được, Đại sứ đã cho nấu súp yến, một thứ dự trữ chiến lược thời COVID, cho em.

    Nhân yêu quý,

    Như em cũng biết khi Đại sứ gọi điện đến Bệnh viện Apollo, bác sĩ Henrinder bảo không còn giường nữa vì mấy chục bệnh nhân đang chờ một giường.

    Ông gợi ý chuyển em vào cơ sở hai của họ là khách sạn Plaza Crown giá khoảng 10.000 rupees (3,1 triệu đồng/ngày) để theo dõi, nhưng ở đó không có máy trợ thở. Anh Hải gọi đến Bệnh viện Primus thì bác sĩ Sanjeet báo hết giường. Anh Thường gọi điện đến Bệnh viện Sharma thì bác sĩ Amit nói ôxy chỉ còn đủ 40 phút cho những người đã nằm trong viện. Khi em Đức gọi cho Bệnh viện Dr. RML, họ báo cũng không còn giường và máy thở.

    Cùng với việc từ chối không cho nhập viện, mỗi bác sĩ lại gửi cho Đại sứ một danh sách thuốc với phác đồ điều trị khác nhau.

    Thật trớ trêu khi vào thời điểm cùng quẫn và chẳng biết hỏi ai, các nhà ngoại giao lại trở thành Hội đồng y khoa, quyết định việc cho các em dùng loại thuốc gì. Quyết định cuối cùng là theo ông bác sĩ Amit Bệnh viện Sharda vì ông ấy nói như đinh đóng cột rằng cả nhà ông đã bị nhiễm và đang điều trị theo phác đồ này. Đành gửi số phận của em vào phương thuốc của ông ấy vậy.

    Thế là nửa đêm giữa phong tỏa, anh Hải lặn lội đi mua thuốc cho em kịp uống để hạ sốt. Nhưng hôm sau Nhân vẫn không đỡ.

    Giải pháp cuối cùng mà Đại sứ phải dùng tới lúc này là gọi điện trực tiếp cho một lãnh đạo Bộ Ngoại giao Ấn Độ, một người bạn quen của Đại sứ, khẩn thiết nhờ giúp đỡ. Những lời khẩn cầu cũng được tới tấp gửi tới Vụ Lễ tân và Vụ Khu vực phụ trách Việt Nam. Các bạn bảo liên hệ lại Bệnh viện Apollo chắc chắn sẽ có giường.

    Dự báo tình hình có thể bất trắc, Đại sứ quyết định trực tiếp đưa em vào viện vì sợ rằng nếu không đi cùng có thể giường đó sẽ lại bị dành cho người khác.

    Đúng như dự đoán, mãi 3 tiếng sau khi Đại sứ về, em mới được nhập viện vì họ không tìm thấy kết quả xét nghiệm dương tính của em. Nhìn thấy em lê lết ngồi ngoài đường chờ đợi mà lòng Đại sứ quặn đau. May mắn thay khi em tiếp cận được bình ô xy thì nồng độ ô xy trong máu của em chỉ còn 80%.

    Nhân yêu quý,

    Trong 24 giờ qua khi em nằm bất tỉnh, bao mạng người đã phải nằm xuống vì COVID-19. Số ca nhiễm tại Ấn Độ đã vượt 345.147 ca với 2.621 người chết. Trong 24 giờ qua cứ 32 giây lại một người chết vì COVID-19.

    Anh Tùng - Tổng lãnh sự Việt Nam tại Mumbay - báo cáo lên trong khu nhà 18 căn hộ của anh đã có 6 người nhiễm và 3 người chết.

    Tại Bệnh viện Ganga Ram, New Delhi, 25 bệnh nhân chết vì bị ngắt mạch máy thở ôxy, trong khi đó 15 bệnh nhân chết tại Bệnh viện Vijay Vallabh, Mumbay do phòng hồi sức cấp cứu bị chập điện cháy. Trước đó hai ngày, khi em còn mê man, 22 bệnh nhân COVID-19 đã bị chết tại Bệnh viện Nassik vì rò rỉ khí ôxy.

    Khi em nằm bất tỉnh, công việc chính của Đại sứ lúc này là thảo và gửi những bức thư chia buồn cho bạn bè vì người thân của họ đã mất trong 24 giờ qua.

    Tổng bí thư Đảng Cộng sản Ấn Độ Mác xít cũng có người con trai lớn vừa chết vì COVID-19. Ngay cả cựu Thủ tướng Momanhat Singh cũng đã bị nhiễm virus corona dù ông đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Và biết bao cuộc gọi điện hỏi thăm, chia buồn khác nữa.

    Nhân ơi, với tư cách là một Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền, tôi ra lệnh cho em không được chết vì dự án của chúng ta vẫn còn dang dở. Ngôi nhà Việt thật đẹp giữa thủ đô New Delhi đang đợi chúng ta hoàn tất. Hơn bao giờ hết ĐSQ cần có em.

    Nhân ơi, xin em đừng chết vì em còn rất trẻ và vợ con em đã gửi gắm em cho Đại sứ. Chúng ta đã hứa sẽ cùng nhau đi qua đợt dịch này xây xong trụ sở cho ĐSQ và bình an.

    Và cuối cùng em có nghe tiếng khóc của bao người đang chầu chực ở bệnh viện mà người thân của họ đang chết vì không thể tiếp cận máy thở ôxy và giường bệnh. Vì thế em không được phép chết để đỡ phí đi một cái giường mà nhờ nó bao nhiêu tính mạng đã có thể được cứu sống.

    Đại sứ tin em nhất định sẽ chiến thắng và trở về trong sự chờ đợi của gia đình em, trong tình thương yêu của toàn bộ anh chị em trong ĐSQ và của cộng đồng người Việt đang sinh sống tại Ấn Độ.

    Chúc em vượt cửa tử thành công.

    Theo Bloomberg, việc đại dịch tái bùng phát ở Ấn Độ có thể do những số liệu quan trọng không được thống kê chính xác, nhất là số người tử vong vì COVDI-19. Chính điều này tạo ra những lầm tưởng trong xã hội rằng dịch bệnh đã được kiểm soát. Điều này làm tổn hại đến sự chuẩn bị của Ấn Độ khi làn sóng COVID-19 tiếp theo ập tới.

    Mộc Miên (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dai-su-pham-sanh-chau-chia-se-ve-cuoc-chien-gianh-su-song-cua-ky-su-viet-nam-tai-an-do-a363589.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan