Ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đang chiết khấu cho các đại lý gần 1.000 đồng cho mỗi lít xăng, dầu.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, lãnh đạo một đầu mối xăng dầu tại TP.HCM cho biết, mức chiết khấu phổ biến trên thị trường hiện là 900 đồng/lít đối với xăng và 1.000 đồng/lít đối với dầu. Mức chiết khấu này áp dụng cho hàng giao tại kho của đầu mối (tức tổng đại lý, đại lý chịu chi phí vận chuyển).
Cũng theo ông này, trước ngày 22/11, thời điểm giảm giá bán lẻ xăng dầu (xăng giảm 1.140 đồng/lít; dầu diesel giảm 560 đồng/lít...), mức chiết khấu trên thị trường còn ở mức 1.100 - 1.200 đồng/lít. Như vậy, mức chiết khấu mà các doanh nghiệp đầu mối đang áp dụng cho tổng đại lý, đại lý bằng và cao hơn chi phí kinh doanh định mức.
Theo quy định hiện hành, chiết khấu dành cho tổng đại lý, đại lý là một trong nhiều khoản chi phí nằm trong chi phí kinh doanh xăng dầu định mức. Theo đó, chi phí kinh doanh bình quân định mức đối với các loại xăng là: 1.050 đồng/lít; dầu diesel, dầu hỏa là: 950 đồng/lít và dầu madút là: 600 đồng/kg.
Trong khi đó, chị K., chủ cây xăng ở huyện Hóc Môn, TP.HCM, một đại lý của tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, mức chiết khấu được áp dụng từ 22/11 đến nay là 700 đồng/lít xăng, dầu (tính tại kho của tổng đại lý), giảm 200 đồng/lít so với trước thời điểm giảm giá bán lẻ.
Cũng theo chị K., nếu như trước đây, tổng đại lý còn "bao hàng, bao giá" (tức giá xuống sau thời điểm lấy hàng thì đại lý được tính giá giảm) trong 1 tuần thì nay chỉ còn 24 giờ. Chính vì vậy, trong bối cảnh giá thế giới giảm, đại lý phải tính toán kỹ, cân đối về lượng hàng lấy để tránh bị lỗ.
Mức chiết khấu đang áp dụng, theo chính lời của doanh nghiệp đầu mối là cao. Lãnh đạo một đầu mối tại TP.HCM giải thích, nguyên nhân là do các doanh nghiệp đang phải đẩy hàng trong bối cảnh giá thế giới liên tục đi xuống, và các tổng đại lý, đại lý lấy hàng cầm chừng, nhỏ giọt vì sợ giá giảm.
"Lúc này hoàn toàn không có chuyện những đầu mối vốn không nhập khẩu tranh thủ giá thấp đưa hàng về rồi đua chiết khấu, phá thị trường như trước đây. Chính họ bây giờ còn không dám nhập", vị này nói.