Luật sư cho rằng, việc trường đại học FPT chấp nhận cho sinh viên đóng học phí bằng tiền ảo Bitcoin là hành vi trái pháp luật và cần phải dừng ngay để tránh một tiền lệ xấu…
Mới đây, chia sẻ trên báo chí, Chủ tịch Đại học FPT Lê Trường Tùng cho biết, Đại học FPT chấp nhận sinh viên nộp học phí bằng tiền ảo Bitcoin. Trước mắt, trường áp dụng thu học phí bằng Bitcoin đối với sinh viên ngoại.
Thông tin này đã gây sự chú ý và và nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.
Nhiều ý kiến trong dư luận bày tỏ băn khoăn rằng, liệu việc cơ quan quản lý chưa có khung pháp lý cụ thể để quản lý loại tiền ảo này mà đại học FPT đã sử dụng nó như một phương tiện thanh toán thì có vi phạm quy định pháp luật hay không?
Liên quan đến vấn đề này, TS. Luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng Văn Phòng Luật sư Toàn Cầu (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) dẫn quy định của pháp luật Việt nam tại điều 17 Luật Ngân hàng thì:
"1. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất phát hành tiền giấy, tiền kim loại của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
3. Ngân hàng Nhà nước bảo đảm cung ứng đủ số lượng và cơ cấu tiền giấy, tiền kim loại cho nền kinh tế.
4. Tiền giấy, tiền kim loại phát hành vào lưu thông là tài sản "Nợ" đối với nền kinh tế và được cân đối bằng tài sản "Có" của Ngân hàng Nhà nước."
Theo quy định tại Bộ luật Dân sự hiện hành thì các tài sản khác có thể được dùng để thực hiện việc thanh toán, trao đổi trong các giao dịch hợp pháp như : Kim khí quý, đá quý, các loại động sản, bất động sản, v.v...
TS. Luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng Văn Phòng Luật sư Toàn Cầu (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) |
Như vậy có thể thấy rằng việc sử dụng tiền ảo để thanh toán trong các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam là trái pháp luật bởi lẽ:
Tiền ảo không phải do Ngân hàng nhà nước phát hành, không phải là " Vật trao đổi ngang giá" được hạch toán vào nền kinh tế. Mặt khác, tiền ảo không phải là công cụ thanh toán cũng như không có giá trị thanh khoản dựa trên các tiêu chí cơ bản của tiền, kim khí quý, đá quý, tài sản.....
“Như vậy, việc dùng tiền ảo để thực hiện nghĩa vụ thanh toán sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh tiền tệ, phá vỡ hệ thống và dòng lưu chuyển của tiền tệ, lâu dài có thể làm sụp đổ nền kinh tế và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách tiền tệ trong điều hành kinh tế vĩ mô. Việc Nhà nước không thể kiểm soát được được dòng tiền, lượng tiền đưa vào lưu thông trong nền kinh tế sẽ có thể gây nhiều hệ lụy. Mặt khác, tiền ảo tồn tại trên môi trường điện tử, được cấu thành bởi các thuật toán và ai cũng có thể sở hữu thông qua việc giải mã các phương trình toán học và đưa ra đáp án, hay còn gọi là "đào". Như vậy rõ ràng đây chỉ có thể dùng để thanh toán các giao dịch trên môi trường tương tự, tức môi trường ảo, môi trường tồn tại bởi các phương tiện điện tử và Internet, intranet và các mạng mở khác để người dùng sử dụng các dịch vụ trên môi trường ảo như chơi game, tải dữ liệu, thanh toán các dịch vụ tương ứng” – Luật sư Thiệp cho biết.
Luật sư Thiệp nhận định, thực tế, việc Đại học FPT chấp nhận loại tiền ảo trong việc thanh toán học phí thực chất là cách tạo dựng hình ảnh, gây sự chú ý cũng như khuyến khích tinh thần học tập của các sinh viên đang theo học một trường đào tạo về công nghệ, kỹ thuật có liên quan đến sử dụng công nghệ thông tin để thu hút sinh viên. Việc Đại học FPT chấp nhận mọi rủi ro có thể xảy ra sẽ có lợi cho Sinh viên và gia đình, nhưng xét trên phương diện pháp lý thì hành vi này trái pháp luật và cần phải dừng ngay lập tức để tránh một tiền lệ xấu”.
“Theo cá nhân tôi thì không nên để tiền ảo trở thành " vật trao đổi ngang giá" ở giao dịch dân sự truyền thống, mà chỉ để tồn tại trên môi trường ảo là cơ sở sinh ra tiền ảo mà thội” – luật sư Thiệp nêu quan điểm.
Tiểu Phương (ghi)